Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:50 (GMT +7)
Hơn 200.000 giáo viên được dự kiến tăng lương
Thứ 4, 11/01/2023 | 12:11:27 [GMT +7] A A
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành dự thảo về quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo. Theo đó, nếu dự thảo được thông qua, sẽ có hơn 200.000 giáo viên Mầm non được điều chỉnh tăng lương.
Từ câu chuyện giáo viên trông thưởng Tết
Khi nghe mức thưởng Tết của đồng nghiệp đạt ngưỡng tiền triệu, cô Trịnh Thị Thư Sinh - Giáo viên tại điểm trường Mầm non Nà Bai (Sơn La) lại xuýt xoa và ao ước.
Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, cô Sinh chỉ mong có chút tiền thưởng Tết để cho con cái cũng được xúng xính thêm manh áo mới, bản thân có thêm động lực. Thưởng Tết là khái niệm khá xa xỉ với giáo viên vùng cao như cô Thư Sinh. So với các giáo viên khác, cô Sinh chịu nhiều thiệt thòi hơn vì phải bám trường - nơi mà cô Sinh gọi đó là vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi”.
Những ngày cuối của năm cũ, nhiều người cho rằng, đây là thời điểm để gác lại những âu lo bộn bề, thậm chí còn phấn khởi khi nhận thông báo thưởng Tết. Riêng cô Sinh thì cảm thấy vô cùng chán chường và buồn tủi vì đã hơn 13 năm qua, chưa bao giờ cô được thấm mùi vị của đồng tiền thưởng Tết.
“Năm nay không có thưởng Tết, từ các năm trước cũng vậy nên dường như Tết với tôi chẳng khác ngày thường là bao. Mình công tác trong lĩnh vực giáo dục, mọi kinh phí đều do Nhà nước cấp không phải là doanh nghiệp nên nhà trường không có khoản thu nào để gọi là có khoản tăng thêm. Vì vậy, giáo viên đều biết không có lương tháng 13" - cô Sinh trải lòng.
Thực tế, hiện nay chưa có bất kỳ văn bản quy định nào về việc chi thưởng Tết Dương lịch, Âm lịch hay lương “tháng 13” cho giáo viên. Song, mong mỏi chung của giáo viên là được hưởng chính sách thưởng Tết như bao ngành nghề khác.
Cô Sinh là một trong số hàng trăm nghìn giáo viên Mầm non chịu cảnh lương thấp, gần như không có thưởng Tết trong nhiều năm qua. Đây là nguyên nhân chính khiến không ít giáo viên bỏ việc, tạo sự thiếu hụt đội ngũ giáo viên, nhất là đội ngũ giáo viên Mầm non.
Cải thiện chế độ sau gần 20 năm
Chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo hiện đang được quy định tại một số văn bản. Cụ thể là Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg ngày 6.10.2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ ưu đãi đối với nhà giáo. Sau hơn 17 năm thi hành Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg và Thông tư liên tịch số 01/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC, chính sách về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đã mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần hỗ trợ nâng cao thu nhập và bảo đảm điều kiện cần thiết để nhà giáo thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình; qua đó chất lượng giáo dục cũng được nâng cao.
Đến nay, các chủ trương, chính sách tại văn bản này đã được đánh giá, tổng kết.
Theo đó, danh sách các xã, huyện, tỉnh được công nhận là miền núi, vùng cao theo các văn bản này đã không còn hiệu lực. Tuy nhiên, do chưa xác định rõ hiệu lực thi hành của các Quyết định nêu trên, nên một số địa phương vẫn áp dụng để thực hiện chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo.
Hơn nữa, thực tế thời gian qua, có nhiều đơn vị hành chính đã thay đổi do việc chia tách, sáp nhập, giải thể, thành lập mới và không được cập nhật hằng năm (nhất là từ năm 2009 đến nay) nên nhiều đơn vị hành chính được công nhận miền núi, vùng cao không phù hợp với tên các đơn vị hành chính. Do đó, khi triển khai, các địa phương gặp lúng túng trong việc thực hiện chi trả các chế độ chính sách đối với nhà giáo.
Theo Luật Giáo dục 2019, Chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên Mầm non là cao đẳng, giáo viên mầm non hạng III hưởng theo bảng lương chuyên môn nghiệp vụ công chức loại A0 có hệ số lương từ 2,10 đến 4,89.
Với mức phụ cấp 35% thu nhập giáo viên Mầm non thấp hơn nhiều so với giáo viên các cấp học khác có cùng thời gian công tác. Do đó, Bộ Giáo dục đề xuất phương án quy định mức phụ cấp đối với giáo viên Mầm non, cụ thể là: Nâng mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên Mầm non đang hưởng mức 35% và mức 50% lên mức 70%; giáo viên Mầm non đang công tác vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn hưởng mức 100%.
Với mức đề xuất này, có khoảng hơn 200.000 giáo viên Mầm non thuộc đối tượng điều chỉnh. Dự kiến nguồn kinh phí do ngân sách Nhà nước cấp tăng thêm khoảng 336 tỉ đồng/tháng (4.032 tỉ đồng/năm).
Theo Bộ GDĐT, việc ban hành Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo tạo hành lang pháp lý để địa phương có căn cứ triển khai thực hiện, đảm bảo quyền lợi, công bằng cho nhà giáo trong thời gian chưa thực hiện chính sách tiền lương mới.
Đồng thời, thể hiện rõ quan điểm "giáo dục là quốc sách hàng đầu" và sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ các thầy cô giáo.
Tính đến ngày 9.1.2023, dự thảo đã hết hạn lấy ý kiến và hàng trăm nghìn giáo viên đang chờ chế độ mới để cải thiện cuộc sống, giữ lửa nghề, đóng góp vào sự nghiệp giáo dục của nước nhà.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()