Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:52 (GMT +7)
Hơn 1 tỷ người Trung Quốc đã tiêm đủ hai liều vaccine COVID-19
Thứ 5, 16/09/2021 | 22:42:22 [GMT +7] A A
Trung Quốc đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19 cho hơn 1 tỷ người (trên 70% dân số), vượt trước Mỹ và châu Âu, song chưa có kế hoạch nới lỏng các lệnh kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt.
Trả lời phóng viên tại Bắc Kinh ngày 16/9, ông Mi Feng, người phát ngôn của Uỷ ban Y tế Quốc gia, cho hay Trung Quốc đã tiêm tổng cộng 2,16 tỷ liều vaccine và tiêm đầy đủ hai liều cho 1,01 tỷ người.
Trung Quốc đã được dấu mốc quan trọng này 10 tháng sau khi cấp phép sử dụng có điều kiện loại vaccine bất hoạt ngừa virus SARS-CoV-2 đầu tiên do hãng Sinopharm sản xuất, đồng thời khởi động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử. Cho đến nay, đã có thêm 6 loại vaccine nội địa khác được cấp phép và sử dụng cho người từ 12 tuổi trở lên.
Tốc độ nhanh chóng của chương trình tiêm vaccine đã đưa Trung Quốc lên dẫn đầu trong nhớm các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tại Mỹ và Nhật Bản mới chỉ có 50% dân số tiêm đủ liều, trong khi tỷ lệ tại Anh và Đức là hơn 60%. Theo số liệu của Bloomberg, Ấn Độ đang tụt lùi phía sau với chưa đầy 15%.
Trung Quốc thậm chí còn đạt tỷ lệ tiêm chủng cao hơn ở các thành phố lớn nằm dọc theo vành đai phát triển phía Đông. Hơn 97% người trưởng thành ở thủ đô Bắc Kinh đã tiêm chủng đầy đủ. Thành phố Thiên Tân gần đó cũng cán mốc 80% người dân trên 12 tuổi. Tỷ lệ này là gần 80% ở trung tâm tài chính Thượng Hải và tỉnh Chiết Giang lân cận. Ngược lại, các tỉnh nội địa và các tỉnh vùng sâu, vùng xa có mức độ bao phủ vaccine ngừa COVID-19 thấp hơn.
Trung Quốc chiếm hơn một phần ba trong số 5,18 tỷ mũi tiêm được triển khai trên toàn cầu. Bắc Kinh cũng đã xuất khẩu 800 triệu liều vaccine đi khắp thế giới. Vaccine do Trung Quốc sản xuất cũng được phê duyệt để làm liều tăng cường cho những người có nguy cơ cao nhiễm virus hoặc trở nặng vì COVID-19.
Tuy vậy, thành công trong chiến lược tiêm chủng của Bắc Kinh vẫn không thể ngăn cản virus bùng phát trong vài tháng qua. Quốc gia này hiện phải xử lý ổ dịch mới tại tỉnh Phúc Kiến, không lâu sau khi tiêu diệt một đợt bùng phát lớn do biến thể Delta gây ra hồi tháng 7. Ổ dịch tại sân bay Nam Kinh đó chính là đợt lây lan rộng nhất mà nước này trải qua kể từ khi COVID-19 xuất hiện lần đầu tiên ở Vũ Hán.
Sự xuất hiện của biến thể Delta với khả năng lây nhiễm cao hơn đồng nghĩa với việc mục tiêu miễn dịch cộng đồng khó có khả năng đạt được. Do vậy, các quốc gia trên thế giới đang có xu hướng mở cửa trở lại và dỡ bỏ các biện pháp hạn chế để chung sống với COVID-19 như một bệnh đặc hữu.
Hiện Trung Quốc chưa chọn cách đi theo xu hướng này. Bộ trưởng Y tế Trung Quốc hồi tháng 9 từng cam kết bám sát chiến lược phát hiện sớm, xét nghiệm diện rộng và kiểm soát nghiêm ngặt để khống chế dịch bệnh, đồng thời khẳng định cách tiếp cận này đảm bảo cho kinh tế tăng trưởng.
Các nhà dịch tễ học tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc nhiều lần khẳng định việc tiêm chủng phải được kết hợp với các biện pháp hạn chế hiện có để ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát.
Tuy nhiên, sự kết hợp đó dường như không thể ngăn chặn biến thể Delta. Biến thể này có thể xuyên thủng lưới phòng thủ nghiêm ngặt của Bắc Kinh, bởi có thể âm thầm lây truyền trong nhiều ngày trước khi bị phát hiện. Dù vậy, tiêm chủng sẽ giúp đa số dân chúng tránh được tình trạng nhập viện và tử vong nếu mắc COVID-19.
Theo Baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()