Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:45 (GMT +7)
Hôm nay, khai mạc LHP Việt Nam lần thứ XXIII: Những 'mảng màu' điện ảnh nổi bật
Thứ 3, 21/11/2023 | 17:01:27 [GMT +7] A A
Mỗi mùa Liên hoan Phim (LHP) Việt Nam về, bức tranh điện ảnh nước nhà lại được mang ra chấm chọn nhằm tìm ra "mảng màu nội trội nhất" để vinh danh Bông sen Vàng.
LHP Việt Nam lần thứ 23 chính thức khai mạc ở Quảng trường Lâm Viên - TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) vào tối nay (21/11). LHP lần đầu tiên được tổ chức ở "thành phố ngàn hoa" với kỳ vọng quảng bá, thúc đẩy du lịch Đà Lạt và sẽ kéo dài với hàng loạt hoạt động, hội thảo, trình chiếu phim phim mới và giao lưu với nghệ sĩ, triển lãm… Lễ bế mạc LHP cũng sẽ diễn ra ở không gian ngoài trời vào 25/11 tới.
LHP năm nay thu hút 91 bộ phim ở hạng mục dự thi, trong đó có 16 phim truyện, 31 phim tài liệu, 19 phim khoa học, 25 phim hoạt hình cùng tranh giải Bông sen Vàng và một loạt các giải thưởng khác.
Cuộc đua của "bom tấn" phòng vé và phim nghệ thuật
Kỳ LHP nào cũng vậy, hạng mục Phim truyện luôn nhận được nhiều sự quan tâm của công luận. Năm nay, hạng mục này quy tụ 16 phim, khá đa dạng về nội dung và thể loại. Trong số 16 phim này có những phim do Nhà nước đặt hàng như: Hồng Hà nữ sĩ; Đào, phở và piano. Các bộ phim này sẽ phải cạnh tranh với những phim tư nhân, nghiêng về thị trường như Nhà bà Nữ, Fanti; phim chuyển thể hay lấy cảm hứng từ nguyên tác văn học như Đất rừng phương Nam, Tro tàn rực rỡ; phim thuộc về dòng phim tiểu sử (biographical film) như Em và Trịnh. Đặc biệt, không thể không nhắc đến phim Hoa nhài của đạo diễn gạo cội năm nay đã 85 tuổi nhưng vẫn miệt mài với nghề - NSND Đặng Nhật Minh.
Phác họa qua "bức tranh phim điện ảnh" nước nhà như thế để thấy rằng cuộc đua tranh giải Bông sen Vàng ở mùa LHP Việt Nam lần 23 này hứa hẹn sẽ vô cùng hấp dẫn.
Hấp dẫn, bởi trong số những bộ phim kể tên ở trên, có những bộ phim đang rất ăn khách, lập kỷ lục về doạnh thu như Nhà bà Nữ hay đang có doanh thu tốt như Người vợ cuối cùng dù chỉ mới ra rạp chưa lâu. Bên cạnh đó còn có phim đoạt giải quốc tế như Tro tàn rực rỡ - và không thể không nhắc đến những bộ phim sau khi ra rạp đã gây nhiều dư luận trái chiều như Em và Trịnh, Đất rừng phương Nam.
Lễ khai mạc và bế mạc diễn ra ngoài trời
Ở lần đầu tiên diễn ra tại Đà Lạt, Lễ khai mạc và bế mạc - trao giải LHP Việt Nam XXIII cũng sẽ lần đầu được tổ chức ở không gian ngoài trời, cụ thể là quảng trưởng Lâm Viên, TP Đà Lạt. Đây cũng là nơi từng diễn ra nhiều sự kiện nghệ thuật quy mô lớn, có thể thu hút hàng chục ngàn khán giả tới thưởng thức.
Nói về ý tưởng tổ chức ở không gian ngoài trời, ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh - cho biết: Năm nay là thời điểm kỷ niệm 130 năm thành lập thành phố Đà Lạt. Lễ khai mạc, Lễ bế mạc và trao giải thưởng LHP sẽ được tổ chức ở ngoài trời để phục vụ đông đảo nhân dân thành phố và du khách, cũng như để nghệ sĩ điện ảnh, các sự kiện nghệ thuật tới gần công chúng hơn.
Thị hiếu công chúng và Ban giám khảo có gặp nhau?
Ở thể loại Phim truyện có 9, Ban giám khảo do NSND Đào Bá Sơn làm Chủ tịch cùng các thành viên: NSND Trần Quốc Dũng, NSND - đạo diễn Nhuệ Giang; nhà văn Phong Điệp; nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng; đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh; hoạ sĩ Trần Quang Minh; NSND Như Quỳnh và đạo diễn Charlie Nguyễn.
Câu hỏi đặt ra ở đây: Thị hiếu của công chúng và tiêu chí chấm giải của Ban Giám khảo LHP Việt Nam lần thứ XXIII có trùng nhau? Có lẽ là không, vì nếu tiêu chí của BGK và Hội đồng tuyển chọn trùng với thị hiếu của công chúng thì có bộ phim hẳn không dễ lọt vào liên hoan khi gây ý kiến trái chiều về những chi tiết mang tính lịch sử, phục trang...
Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh - khẳng định với truyền thông: "Kết quả của LHP phụ thuộc vào kết quả, sự đánh giá của Ban Giám khảo. Sự đánh giá của khán giả sẽ được ghi nhận tại giải Phim được yêu thích nhất cho phim truyện điện ảnh tham dự chương trình phim toàn cảnh". Như vậy cơ hội dành giải thưởng của khán giả này sẽ rất "rộng cửa" với những "bom tấn phòng vé".
Ngược lại, những bộ phim như 9 - có vốn đầu tư thấp nhất của sinh viên trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội - hẳn sẽ rất khó có "cửa" để cạnh tranh giải Phim được yêu thích nhất, bởi các sinh viên thì không thể có fan đông như nghệ sĩ. Nhưng dẫu vậy, nhiều người vẫn lạc quan và kỳ vọng bộ phim đông đạo diễn nhất (9 đạo diễn gồm 4 bạn nữ và 5 bạn nam), ít tiền nhất vẫn sẽ lọt vào "mắt xanh" của BGK.
Bởi, 9 là những lát cắt của cuộc sống đương đại, là những trăn trở băn khoăn về ý nghĩa cuộc sống, quy luật sinh tử của những nhân vật có giai tầng xã hội, tuổi tác khác nhau. Và theo ý kiến của nhiều người, phim 9 mang tính thể nghiệm và màu sắc đương đại (contemporary) rõ rệt, thể hiện nỗ lực của các bạn trẻ trong hành trình sáng tạo đi tìm sự mới mẻ trong ngôn ngữ biểu đạt của điện ảnh. Điều đó đáng được ghi nhận và cổ vũ.
Hay như Hoa nhài - bộ phim được cho là khép lại sự nghiệp làm phim kéo dài gần 60 năm của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Nếu "lấy doanh thu để đo giá trị" thì rõ ràng nó không thể sánh với những bộ phim ăn khách như Nhà bà Nữ, Đất rừng phương Nam hay Người vợ cuối cùng. Nhưng xét về yếu tố nghệ thuật, hẳn kinh nghiệm làm phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh vẫn là bậc thầy so với những đạo diễn khác.
Chính vì thế, đạo diễn này mới có thể khiến cho Hoa nhài trở thành một bức tranh khắc họa cuộc sống của người Hà Nội những năm 2000, truyền đi thông điệp về sự gắn kết rằng: Cuộc sống luôn vận động, môi trường sống thay đổi, làm các mối quan hệ vấp phải biến cố, nhưng lòng nhân ái, sự sẻ chia là chất keo hàn gắn, để tạo nên một cuộc sống bền vững, ý nghĩa. Thông điệp đó vẫn còn nguyên giá trị đến hôm nay - dù việc Hoa nhài có được xướng tên tại LHP lần này hay không vẫn phải... chờ tới khi diễn ra Lễ tổng kết và trao giải.
Nhìn lại những mùa LHP Việt Nam nhiều năm qua, không ít người cho rằng có công thức chung để đạt Bông sen Vàng hay Bông sen Bạc. Không quan trọng là phim Nhà nước hay phim tư nhân, đó phải là tác phẩm đáp ứng các tiêu chí: Doanh số thu tương đối tốt; phim tôn vinh con người và văn hóa Việt Nam; phim không thuộc thể loại quá đen tối hay bạo lực; phim không mang đậm nét yếu tố thị trường rẻ tiền; không có những tranh cãi lùm xùm chưa thống nhất về nội dung hay nghệ thuật phim....
Chắc chắn sẽ khó tìm ra bộ phim nào hội đủ những tiêu chí theo công thức trên. Nhưng hy vọng những người "cầm cân nảy mực" sẽ có cái nhìn toàn cảnh về đời sống điện ảnh nước nhà để chọn ra những bộ phim "tác động tích cực tới đời sống xã hội, góp phần quảng bá nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" như tiêu chí của LHP Việt Nam lần thứ XXIII mà BTC đã đề ra.
16 phim truyện tham dự LHP Việt Nam
- Phim 578- Đạo diễn Lương Đình Dũng
- Phim9- Nhóm đạo diễn: Nguyễn Tú Anh, Vũ Nguyễn Thảo Anh, Hoàng Thế Dương, Trần Anh Đức, Trần Hoàng Hà, Nguyễn Thị Bích Ngọc, Nguyễn Thùy Ngân, Quách Xuân Tùng, Phạm Quốc Trung
- Cô gái từ quá khứ- Đạo diễn: Bảo Nhân & Nam Cito
- Con Nhót mót chồng- Đạo diễn: Vũ Ngọc Đãng
- Đào, phở và piano- Đạo diễn: Phi Tiến Sơn
- Đất rừng phương Nam- Đạo diễn: Nguyễn Quang Dũng
- Em và Trịnh- Đạo diễn: Phan Gia Nhật Linh
- FANTI- Đạo diễn: Andy Nguyễn
- Hoa nhài- Đạo diễn: Đặng Nhật Minh
- Hồng Hà nữ sĩ- Đạo diễn: NSƯT Nguyễn Đức Việt
- Kẻ ẩn danh- Đạo diễn: Dan Trần
- Mẹ ơi, Bướm đây!- Đạo diễn: Lưu Huỳnh
- Mười: Lời nguyền trở lại- Đạo diễn: Hằng Trịnh
- Người vợ cuối cùng- Đạo diễn: Victor Vũ
- Nhà bà Nữ- Đạo diễn: Trấn Thành
- Tro tàn rực rỡ- Đạo diễn: Bùi Thạc Chuyên
Theo Thể thao và Văn hóa
Liên kết website
Ý kiến ()