Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 11:23 (GMT +7)
Hội thảo tham vấn về triển vọng gia nhập Công ước UNESCO 2001 về bảo vệ di sản văn hóa dưới nước
Thứ 3, 14/05/2024 | 23:40:56 [GMT +7] A A
Ngày 14/5/2024, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo tham vấn về triển vọng gia nhập Công ước UNESCO 2001 về bảo vệ di sản văn hóa dưới nước (Công ước 2001).
Hội thảo do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Hà Nội tổ chức với sự tham dự của các đại biểu, chuyên gia quốc tế về di sản văn hóa dưới nước, khảo cổ học dưới nước thuộc Ban Thư ký Công ước 2001, Trường Đại học Tokai (Nhật Bản), Đại học Jaume (Tây Ban Nha), Tổ chức ICOMOS Australia, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội và trên 50 đại biểu đại diện cho Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, cùng các chuyên gia, nhà khoa học về lĩnh vực khảo cổ. Đoàn đại biểu tỉnh Quảng Ninh do đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao, Ban Quản lý vịnh Hạ Long tham dự hội thảo.
Phần trình bày của đại diện Ban Thư ký Công ước 2001 giúp đại biểu dự Hội thảo hiểu rõ được sự ra đời, tầm quan trọng và quy tắc của Công ước 2001. Theo đó, di sản văn hóa dưới nước được định nghĩa là tất cả các dấu vết về sự tồn tại của con người mang tính chất văn hóa, lịch sử hoặc khảo cổ mà trong ít nhất 100 năm đã bị nhấn chìm một phần hoặc toàn bộ, định kỳ hoặc vĩnh viễn, dưới đại dương, trong hồ và sông.
Việc bảo vệ và bảo tồn di sản văn hóa dưới nước như các di tích lịch sử cho phép hiểu biết và đánh giá tốt hơn về văn hóa, lịch sử và khoa học trong quá khứ. Hiểu và bảo tồn di sản văn hóa dưới nước, một loại hình di sản đặc biệt dễ bị tổn thương, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Di sản văn hóa dưới nước phải đối mặt với nhiều mối đe dọa như săn tìm kho báu, cướp bóc và khai thác thương mại; bên cạnh những tiến bộ về công nghệ thúc đẩy sự phát triển và khai thác tài nguyên biển ở vùng ven biển, cùng với suy thoái môi trường cũng là tác nhân ảnh hưởng tới việc bảo tồn di sản văn hóa dưới nước.
Từ những mục tiêu trên, Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa dưới nước được Đại hội đồng UNESCO lần thứ 31 thông qua năm 2001 và có hiệu lực thi hành từ tháng 2/2009 nhằm kêu gọi các quốc gia thực hiện mọi biện pháp thích hợp để bảo vệ di sản dưới nước; đồng thời cung cấp một khuôn khổ ràng buộc pháp lý chung về cách xác định, nghiên cứu và bảo vệ, đồng thời đảm bảo việc bảo tồn và tính bền vững di sản dưới nước của các quốc gia được tốt hơn.
Công ước 2001 được đánh giá là hoàn toàn phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững được xác định trong Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc. Đến nay, đã có 76 quốc gia thành viên phê chuẩn tham gia Công ước về bảo vệ di sản văn hóa dưới nước.
Với phần dẫn dắt thảo luận của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương và Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội Jonathan Baker, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã thảo luận đánh giá hiện trạng bảo tồn di sản văn hóa dưới nước ở Việt Nam, sự đóng góp của di sản văn hóa dưới nước trong tiến trình phát triển bền vững đất nước và tính khả thi tham gia Công ước khi Việt Nam có đường bờ biển dài 3.260 km.
Kết quả của hội thảo sẽ là cơ sở để đề xuất Chính phủ xem xét phê chuẩn tham gia Công ước 2001 - tạo điều kiện để bảo vệ và phát huy bền vững giá trị của di sản văn hóa dưới nước, trong đó có các di sản văn hóa dưới nước nằm ở khu vực vùng biển của tỉnh Quảng Ninh.
PĐ
Liên kết website
Ý kiến ()