Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:38 (GMT +7)
Hội thảo về phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch Covid-19
Thứ 4, 13/10/2021 | 19:18:20 [GMT +7] A A
Chiều 13/10, Hội đồng Lý luận Trung ương và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội thảo trực tuyến toàn quốc “Phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch Covid-19: Khắc phục đứt gãy kinh tế, tăng cường kết nối giữa các địa phương”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, chủ trì hội thảo. Dự tại điểm cầu Quảng Ninh có đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: Đây là hội thảo có ý nghĩa thiết thực, quan trọng, nhằm triển khai, cụ thể hóa các kết luận của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa qua. Hội thảo cũng là dịp để các địa phương cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, những mô hình, vừa đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả, vừa duy trì, phát triển KT-XH, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhằm khắc phục đứt gãy kinh tế. Tăng cường phối hợp hành động, nhằm thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” trong trạng thái bình thường mới.
Đồng chí nhấn mạnh: Trong hơn 1 năm qua, dù Việt Nam vẫn là điểm sáng trên thế giới về phòng chống dịch, tuy nhiên, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhất là từ đợt bùng phát thứ 4 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt đời sống KT-XH, gây đứt gãy nhiều chuỗi cung - cầu. Do đó, việc khắc phục và giảm thiểu đứt gãy liên kết kinh tế là vấn đề rất quan trọng, để nền kinh tế không bị lỡ nhịp phát triển. Các giải pháp đề ra nhằm khắc phục phải trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc gồm: Tính toàn diện cả về y tế, kinh tế và xã hội; tính đồng bộ, phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ, ngành Trung ương, địa phương, người dân, doanh nghiệp; đảm bảo tính hiệu quả trong đề ra các định hướng, giải pháp và việc thực thi.
Phát biểu ý kiến tại hội thảo với chủ đề “Một số vấn đề về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh gắn với phục hồi và phát triển KT-XH trong trạng thái bình thường mới”, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Bản chất của trạng thái bình thường mới chính là tìm điểm cân bằng giữa phòng, chống dịch bệnh với phục hồi và phát triển KT-XH, giữa thích ứng với tình trạng dịch bệnh Covid-19 biến đổi chưa dự báo được thời điểm kết thúc với duy trì sản xuất, đời sống bình thường của con người.
Tỉnh Quảng Ninh luôn nhận thức phải tập trung vào cả hai mặt: Phòng, chống dịch bệnh và phục hồi, phát triển KT-XH; phòng, chống dịch bệnh phải giảm thấp nhất số ca mắc, ca trở nặng và tử vong, khả năng cản trở các hoạt động phục hồi và phát triển KT-XH; ngược lại, phát triển KT-XH nhưng không lơ là trong phòng chống dịch, nhất là không được để dịch lây lan, bùng phát trên diện rộng gây quá tải hệ thống y tế, đứt gãy kinh tế. Xây dựng chiến lược tổng thể và lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh phải trên tinh thần bình tĩnh, sáng suốt, không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, nóng vội trong phòng, chống dịch bệnh nhưng cũng không được để chậm trễ, mất thế chủ động.
Phải bảo đảm độ bao phủ vắc-xin, năng lực hệ thống y tế, hệ thống phòng và ngăn chặn, tầm soát dịch từ sớm, từ xa, từ gốc. Sau khi hoàn thành tiêm mũi 2, cần phải tính toán đến mũi tiêm thứ 3 khi chúng ta chưa dự báo được từng loại vắc-xin có hiệu quả trong thời gian bao lâu. Sớm tiếp cận các nguồn cung ứng thuốc điều trị Covid-19 cũng là giải pháp cơ bản bảo đảm tầm soát, điều trị người nhiễm bệnh như điều trị cúm thông thường. Phải nâng cao năng lực sẵn sàng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh cho cả hệ thống chính trị, cho doanh nghiệp theo hướng xây dựng các kịch bản chung. Phải xác đinh rõ lộ trình cho chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phục hồi sản xuất, tránh mở cửa ồ ạt, ngoài khả năng kiểm soát.
Từ thực tiễn thành công trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”, dự phòng, tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở và phương pháp tiếp cận quản trị an ninh phi truyền thống, thực hiện “mục tiêu kép”, giữ vững vùng “xanh” an toàn, địa bàn “an toàn, ổn định, phát triển trong trạng thái bình thường mới” và đà tăng trưởng GRDP hai con số năm 2020 và phấn đấu đạt được trong năm 2021; bám sát kết luận Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII), các nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và thực tiễn bối cảnh địa phương, Quảng Ninh đang tập trung xây dựng chiến lược phục hồi và phát triển bền vững KT-XH, đặc biệt là ngành du lịch dịch vụ thích ứng an toàn với dịch bệnh Covid-19 năm 2022-2023.
Trong đó, trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật; thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện; tập trung đẩy nhanh tốc độ đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông, tổng thể.
Tập trung nâng cao năng lực quản trị rủi ro, quản trị phát triển bền vững địa phương, khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp đề xuất các mô hình thí điểm phát triển KT-XH phù hợp với chiến lược chung sống an toàn với Covid-19 và tình hình thực tiễn. Phục hồi ngành du lịch, dịch vụ, tận dụng lợi thế mới bởi hệ thống kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, bảo đảm liên thông, tổng thể; tận dụng mọi cơ hội an toàn trong trạng thái bình thường mới để khởi động lại ngành du lịch một cách có kiểm soát (theo lộ trình mở nội tỉnh, liên tỉnh, quốc tế), từ thực tiễn vừa làm, vừa rút kinh nghiệm hoàn thiện… Hợp tác chặt chẽ với Quảng Tây (Trung Quốc) trong công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm giao thương, xuất, nhập khẩu hàng hóa. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử ngày càng trở thành phương thức thương mại chủ đạo trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa.
Tiếp tục quan tâm chăm lo bảo đảm an sinh xã hội, thu hút người lao động, nhất là lao động chất lượng cao, có kỹ năng đáp ứng đủ nhu cầu lao động của các thành phần kinh tế trên địa bàn, không để đứt gãy nguồn cung lao động. Triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động. Không để bất kỳ cơ sở sản xuất, kinh doanh nào thiếu lao động, nhưng cũng không để bất kỳ người lao động nào ở ngoài tỉnh, nhất là ở những vùng, nơi đang có dịch vào địa bàn tỉnh làm việc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh mà không được quản lý, kiểm soát, hỗ trợ phòng, chống dịch và không được tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin theo quy định.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát dịch bệnh và phục hồi, phát triển KT-XH, nhất là chuyển đổi số trong các cơ quan quản lý nhà nước; khẩn trương hoàn thiện hệ thống thu thập và tổng hợp các số liệu dịch tễ và nhân khẩu học một cách toàn diện và kịp thời, dựa trên nền tảng dữ liệu dân cư quốc gia và thẻ căn cước công dân để tạo thuận lợi cho quá trình ra quyết định nhanh chóng, chính xác, bảo đảm sự nhất quán, đồng bộ, kết nối chia sẻ liên thông, chi phí thấp.
Chú trọng truyền thông tích cực, chủ động an dân, củng cố niềm tin của người dân, tạo sự đồng thuận xã hội; đấu tranh, xử lý nghiêm các trường hợp đưa thông tin sai sự thật, tin đồn thất thiệt; công khai các phương án kịch bản thích ứng an toàn, sống chung với dịch bệnh...
Phát biểu tại hội thảo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, không thể có an toàn nếu còn có người mắc Covid-19, không thể có địa phương an toàn nếu còn có những địa phương phải chống dịch; không thể có quốc gia nào an toàn nếu còn quốc gia khác phải chống dịch. Từ nhận thức đó, Việt Nam phải thích ứng linh hoạt, an toàn với Covid-19.
Thủ tướng chỉ rõ các vấn đề tại sao phải chuyển trạng thái thích ứng trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay, tại sao phải phục hồi kinh tế và phát triển kinh tế của các địa phương. Muốn khắc phục được thì một trong các giải pháp trọng tâm chính là phải kiểm soát được dịch bệnh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Với mục tiêu bảo đảm sức khỏe của người dân là trên hết và trước hết, để kiểm soát được dịch bệnh trong tình hình mới, trước hết cần phải kiên trì thực hiện chiến lược 5K+vắc xin+ công nghệ+ý thức tự giác của người dân+các biện pháp có thể. Phải thích ứng chuyển từ quản lý “không Covid” sang quản lý rủi ro, quản lý kiểm soát tử vong. Xác định rõ nguyên nhân tử vong để có giải pháp phù hợp, không để bệnh nhân chuyển nặng, hệ thống y tế quá tải. Một trong những giải pháp trọng tâm chính là nâng cao năng lực y tế tổng thể từ Trung ương đến địa phương, nhất là y tế cơ sở; nâng cao việc tiếp cận y tế nhanh nhất, an toàn nhất với người dân.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải tập trung thống nhất; tổ chức thực hiện linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với tình hình; phân cấp, phân quyền đảm bảo nguồn lực công tác cán bộ. Do đó, phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ trong thực thi chính sách; tăng cường kiểm tra, giám sát.
Giữ vững kinh tế vi mô, đảm bảo cân đối lớn. Với dư địa còn nhiều, không được chủ quan, cần phải tận dụng, phải cân đối linh hoạt, hiệu quả, quy mô đủ lớn, thời gian đủ cần thiết. Điều chỉnh chính sách tiền tệ và tài khóa hợp lý, phù hợp để khôi phục doanh nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ: Khôi phục doanh nghiệp bằng cách tăng tổng cung và tổng cầu; nối lại thị trường lao động; tìm giải pháp giảm chi phí đầu vào; mở rộng, thúc đẩy thị trường cho doanh nghiệp. Chính phủ, địa phương phải đồng hành cùng doanh nghiệp với nguyên tắc “lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ”.
Tập trung chăm lo an sinh xã hội có trọng tâm trọng điểm, nguyên tắc, đảm bảo vật chất và tinh thần cho người dân, không để bỏ sót đối tượng.
Giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an toàn, trật tự xã hội, kiểm soát tình hình, an ninh, an toàn, an dân.
Đây là cơ hội để quản lý sự thay đổi, biến thách thức thành cơ hội để vươn lên, khẳng định mình, nhất là việc đổi mới trong CCHC, chuyển đổi số, xanh hóa nền kinh tế, chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng sạch, chống biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Chiến lược phòng, chống dịch phải thống nhất 3 yếu tố then chốt, đó là: Phải cách ly để nguồn lây không lây ra người khỏe mạnh, cách ly nhanh nhất, hẹp nhất, chặt nhất. Phải xét nghiệm thần tốc, khoa học, hiệu quả nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch bệnh. Phải điều trị từ sớm, từ xa, từ cơ sở, phân loại nhanh.
Trúc Linh
Liên kết website
Ý kiến ()