Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:00 (GMT +7)
Hội thảo khoa học về một số vấn đề lý luận, thực tiễn trong đổi mới chính sách pháp luật về đất đai
Thứ 7, 03/07/2021 | 17:33:19 [GMT +7] A A
Chiều 3/7, tại TP Hạ Long, Hội đồng Lý luận Trung ương và Tỉnh ủy Quảng Ninh phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học về một số vấn đề lý luận - thực tiễn về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới ở Việt Nam. Đồng chí Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, chủ trì hội thảo. Cùng dự, có đồng chí Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.
Tại Hội thảo, Hội đồng Lý luận Trung ương và Tỉnh ủy Quảng Ninh đã cùng trao đổi, thảo luận những vấn đề lý luận, thực tiễn đặt ra về chính sách pháp luật đất đai qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI (Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2012); bối cảnh mới, quan điểm, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật về đất đai giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2012, cả nước nói chung và Quảng Ninh nói riêng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần khai thác và phát huy có hiệu quả nguồn lực đất đai phục vụ mục tiêu phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai từng bước được tăng cường; các quyền của người sử dụng đất được mở rộng và được nhà nước bảo đảm; thị trường bất động sản, trong đó có quyền sử dụng đất đã được hình thành và phát triển nhanh, ổn định. Kết quả đó khẳng định các quan điểm chỉ đạo, định hướng chính sách, pháp luật về đất đai được xác định trong Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 là đúng đắn, phù hợp với đặc điểm, tình hình phát triển KT-XH của đất nước trong giai đoạn vừa qua.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW vẫn còn bộc lộ một số vấn đề, như: Chính sách GPMB vẫn còn bất cập, trong 80% các vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai có đến 70% liên quan đến GPMB; một số quy định xử lý các dự án chậm tiến độ, vi phạm pháp luật đất đai còn chưa rõ ràng; thời gian thu hồi đất do vi phạm còn kéo dài, chế tài xử lý chưa đủ mạnh dẫn đến lãng phí nguồn lực đất đai, mất cơ hội để thu hồi đất phục vụ phát triển KT-XH.
Từ những vấn đề nêu trên, tỉnh Quảng Ninh đề nghị cần nghiên cứu một số giải pháp sau: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai; đẩy mạnh CCHC trong lĩnh vực đất đai; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, ngành, địa phương trong quản lý nhà nước về đất đai, đảm bảo quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả và không chồng chéo; rà soát, sửa đổi thẩm quyền thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo hướng vừa bảo đảm quyền quản lý thống nhất của Trung ương, vừa phát huy quyền chủ động của địa phương; thu hẹp các đối tượng được giao đất và mở rộng đối tượng được thuê đất; hạn chế tối đa các dự án được giao thuê đất, điều chỉnh quy hoạch nhiều lần và chuyển sang đất ở; xử lý dứt điểm những trường hợp đất đã giao cho các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức đoàn thể nhưng không sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích, trái pháp luật; có chế tài đồng bộ, cụ thể, chặt chẽ hơn nữa để xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp đã được nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng sử dụng lãng phí, không đúng mục đích, đầu cơ đất, chậm đưa đất vào sử dụng.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nhấn mạnh: Những đề xuất của Quảng Ninh đều xuất phát từ thực tiễn trong công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là việc sử dụng, phát huy nguồn lực từ đất đai trong quá trình phát triển.
Đồng chí mong muốn trên cơ sở kinh nghiệm thực tiễn tại Quảng Ninh, Hội đồng Lý luận Trung ương sẽ tổng kết, xây dựng cơ sở lý luận về đổi mới chính sách pháp luật về đất đai, phù hợp với thực tế trong công tác quản lý tại các địa phương hiện nay.
Thay mặt Đoàn công tác, GS. TS. Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đánh giá cao tinh thần đổi mới, sáng tạo của Quảng Ninh trong quá trình phát triển. GS.TS. Tạ Ngọc Tấn khẳng định, những ý kiến tham gia đóng góp của Quảng Ninh là luận cứ rất quan trọng để Hội đồng Lý luận Trung ương nghiên cứu, tổng hợp trong quá trình xây dựng cơ sở lý luận về công tác quản lý đất đai giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Mạnh Trường
Liên kết website
Ý kiến ()