Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 12:49 (GMT +7)
Hội thảo khoa học về Giáo dục và Đào tạo
Thứ 5, 13/07/2023 | 14:10:04 [GMT +7] A A
Sáng 13/7, tại TP Hạ Long, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội thảo khoa học “Thực trạng 10 năm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) và giải pháp nâng cao chất lượng GD-ĐT giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. Đồng chí Phan Văn Long, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ GD-ĐT, Dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương, tới dự. Đồng chí Nguyễn Hồng Dương, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chủ trì.
Phát biểu đề dẫn khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Hồng Dương, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cho biết, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của BCH Trung ương Đảng “Về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế", giáo dục Quảng Ninh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Mạng lưới trường, lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đầu tư ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu học tập của nhân dân. Hiện nay tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 87,32%, cao hơn bình quân chung toàn quốc. Giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Quảng Ninh đã ban hành hàng loạt cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ GD&ĐT, tạo động lực cho thi đua học tốt, dạy tốt.
Đồng chí nhấn mạnh, thông qua hội thảo nhằm thẳng thắn nhận ra thực trạng của GD&ĐT sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW; tiếp tục khẳng định về tầm quan trọng của GD&ĐT là quốc sách hàng đầu để xác định những giải pháp nhằm đưa giáo dục ngày càng phát triển tương đồng với sự phát triển kinh tế, xã hội.
Tại hội thảo, với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, nhằm đóng góp cho sự nghiệp GD&ĐT của tỉnh Quảng Ninh, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích về kinh nghiệm của các địa phương, các cơ sở giáo dục về các mô hình quản trị trong GD&ĐT; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với quá trình thực hiện đổi mới GD&ĐT; tình hình quy hoạch, xây dựng mạng lưới cơ sở GD&ĐT; phân luồng học sinh sau trung học cơ sở; đầu tư công, mua sắm trang thiết bị giáo dục; tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên; xã hội hóa GD&ĐT... Đồng thời, tập trung thảo luận về những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đề xuất những giải pháp để phát triển GD-ĐT giai đoạn 2023-2030 phù hợp, đồng bộ với phát triển kinh tế xã hội.
Kết luận hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thống nhất với những nội dung các đại biểu đã tham luận. Trên cơ sở đó, để phát triển đồng bộ hơn nữa trong công tác GD&ĐT của tỉnh thời gian tới, đồng chí yêu cầu các cấp, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong các phương diện phát triển ngành giáo dục. Cần xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi khuyến khích kêu gọi đầu tư vào các cơ sở giáo dục tư thục chất lượng cao trên địa bàn tỉnh. Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Đẩy mạnh việc khuyến khích tính cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực GD&ĐT, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, giải phóng mọi nguồn lực của xã hội. Xây dựng chính sách khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các chính sách khuyến khích liên kết giữa đào tạo - nghiên cứu khoa học - sản xuất - dịch vụ nhằm tăng điều kiện thực hành, thực tập để nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo của các cơ sở đào tạo nhân lực.
Đồng thời, đẩy mạnh việc quy hoạch, sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục trên tinh thần thực hiện nghiêm túc theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/02/2023.
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()