Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 13:22 (GMT +7)
Hội thảo khoa học “Nhận diện giá trị, bảo tồn và phát huy quần thể di tích thương cảng Vân Đồn”
Thứ 7, 24/09/2022 | 14:52:00 [GMT +7] A A
Ngày 24/9, tại huyện Vân Đồn, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo khoa học “Nhận diện giá trị, bảo tồn và phát huy quần thể di tích thương cảng Vân Đồn” với sự tham gia của hơn 100 đại biểu đại diện cho các cơ quan nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học trung ương và địa phương.
Hội thảo nhằm đánh giá toàn diện về vị trí, vai trò, quy mô, ý nghĩa, giá trị của Quần thể di tích thương cảng Vân Đồn qua các thời kỳ lịch sử; bổ sung căn cứ khoa học quan trọng phục vụ cho việc nghiên cứu xây dựng hồ sơ khoa học Quần thể Di tích lịch sử thương cảng Vân Đồn đề nghị xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy nhấn mạnh: Kết quả chuyên môn của Hội thảo sẽ góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử và những giá trị văn hóa tiêu biểu của Quảng Ninh - vùng đất “địa linh, nhân kiệt” và thương cảng quốc tế Vân Đồn - một trung tâm kinh tế, đối ngoại quan trọng hàng đầu của đất nước, tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, đồng thời định hướng phát triển Khu kinh tế Vân Đồn xứng tầm với tiềm năng, lợi thế sẵn có.
Hội thảo nhận được 34 bài tham luận của các nhà nghiên cứu, trong đó có 4 tham luận của các chuyên gia quốc tế, nhận định về những giá trị cảnh quan và môi trường, tài nguyên thiên nhiên, con đường giao thương hàng hải, giao lưu kinh tế biển, văn hóa, quân sự, giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của thương cảng Vân Đồn. Các nhà khoa học đều có chung nhận định thương cảng Vân Đồn đóng vai trò là một trung tâm thương mại quốc tế có quy mô lớn, một khu vực có vị trí chiến lược quan trọng, gắn liền với quá trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước trong tiến trình lịch sử.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kim, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia nhận định: Là một thương cảng lớn, hoạt động liên tục, Vân Đồn có vai trò kinh tế, chính trị hết sức quan trọng với sự nghiệp phát triển, thiết lập và mở rộng các mối quan hệ, bang giao của quốc gia Đại Việt. Cùng với hệ thống cảng biển, thương cảng Vân Đồn còn có sự kết nối chặt chẽ với các bến, cảng đảo ven bờ, các cảng vùng cửa sông với vùng Vạn Ninh, Móng Cái, Quảng Yên, Cát Bà và các làng nghề truyền thống như: Nghề đóng thuyền, nghề dệt, chế tác gốm sứ, ngọc trai, làm nón, chế biến thủy hải sản... cùng nhiều ngành, nghề thủ công khác trải dọc vùng duyên hải và tập trung ở châu thổ sông Hồng.
Giáo sư, TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia nhận định: Tính chất quốc tế của thương cảng Vân Đồn được thể hiện ở việc có nhiều thương nhân nước ngoài đến đây để giao thương và định cư, ngoài ra các sản phẩm trao đổi, buôn bán ở thương cảng Vân Đồn là các mặt hàng, đặc sản của địa phương và của các quốc gia khác, tính chất hoạt động cả về phương diện quản lý và hoạt động của các thương nhân đều rất chuyên nghiệp và mang tính quốc tế.
Các ý kiến tham luận cũng tiếp tục làm sáng tỏ những luận cứ khoa học, tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản; rút ra những tri thức, kinh nghiệm quý cho công tác quy hoạch, xây dựng chiến lược phát triển Vân Đồn gắn với các giá trị di sản, phát huy được các tiềm năng, lợi thế sẵn có. Đồng thời đưa Khu kinh tế Vân Đồn - một trong hai mũi đột phá của Quảng Ninh, sớm trở thành Khu kinh tế tri thức có trình độ khoa học và công nghệ cao, một đô thị biển thông minh, xanh, sạch; một không gian sinh thái văn hóa tiêu biểu, là vùng động lực phát triển của Quảng Ninh, vùng duyên hải Đông Bắc và đất nước; gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo tồn, phát triển văn hóa, xây dựng nền văn hóa Quảng Ninh giàu bản sắc.
Xuân Hòa
Liên kết website
Ý kiến ()