Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:15 (GMT +7)
Hội thảo khoa học "Hợp nhất các cơ quan báo chí, thông tin cấp tỉnh từ thực tiễn hoạt động của Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh"
Chủ nhật, 26/12/2021 | 14:20:00 [GMT +7] A A
Ngày 26/12, Tỉnh ủy Quảng Ninh phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức hội thảo khoa học: “Hợp nhất các cơ quan báo chí, thông tin cấp tỉnh từ thực tiễn hoạt động của Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh”.
Hội thảo được tổ chức với mục tiêu đánh giá toàn diện, sâu sắc công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, vận hành thí điểm mô hình Trung tâm Truyền thông tỉnh; tham vấn các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Trung tâm trong thời gian tới; góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh trong tình hình mới.
Dự hội thảo, về phía tỉnh Quảng Ninh có các đồng chí: Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh.
Về phía các đại biểu Trung ương có các đồng chí: Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân; GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS. Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Tham dự trực tiếp tại Hội thảo có các đại biểu trung ương và địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu báo chí truyền thông, lãnh đạo nhiều cơ quan báo chí. Hội thảo cũng có sự tham dự, phát biểu trực tuyến của các đồng chí đại diện lãnh đạo nhiều cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.
Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Tỉnh Quảng Ninh xác định, việc sắp xếp, đổi mới tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan thông tin, báo chí của tỉnh là yêu cầu cấp thiết nhằm hình thành một tổ hợp truyền thông thống nhất, tập trung sức mạnh, nguồn lực, các loại hình truyền thông, tối ưu hóa mô hình tổ chức và sử dụng hiệu quả các nguồn lực truyền thông; lấy sự thay đổi về lượng tạo sự thay đổi về chất, nâng cao chất lượng hoạt động toàn diện của các cơ quan báo chí, sản xuất các sản phẩm báo chí ngày càng có chất lượng, phục vụ và đáp ứng tốt hơn công chúng báo chí hiện đại và nhiệm vụ chính trị được giao; từ đó góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác báo chí, công tác tư tưởng của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh trong tình hình mới.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng khẳng định: Việc hợp nhất các cơ quan báo chí thành mô hình Trung tâm Truyền thông là sự phát triển tất yếu khách quan, góp phần khắc phục tình trạng phân tán nguồn lực, điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực, hạ tầng kỹ thuật, nguồn lực tài chính, khả năng cạnh tranh còn hạn chế...; đồng thời phù hợp với xu hướng hội tụ truyền thông, số hóa truyền thông, xu hướng tích hợp báo chí (truyền thông) - CNTT - viễn thông... Đồng thời cũng nằm trong tổng thể nhiệm vụ đổi mới và từng bước hoàn thiện hệ thống chính trị của tỉnh, là sự cụ thể hóa Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.
Sau 3 năm đi vào hoạt động, mô hình Trung tâm Truyền thông tỉnh đã giải quyết có hiệu quả các vấn đề sau sáp nhập, hợp nhất (tổ chức bộ máy - con người - hoạt động chuyên môn, kinh tế truyền thông…) và có những bước phát triển quan trọng, vượt bậc, đã và đang tạo ra những thay đổi mạnh mẽ về phương thức vận hành, quản lý, quản trị áp dụng tối đa công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung, thực hiện các mô hình kinh doanh báo chí mới để đa dạng hóa nguồn thu, qua đó khẳng định tính đúng đắn và phù hợp của mô hình Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh - mô hình thí điểm đầu tiên của cả nước thực hiện hợp nhất các cơ quan thông tin, báo chí cấp tỉnh.
Tuy nhiên, Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh là mô hình cơ quan báo chí mới, chưa có tiền lệ, hơn nữa vẫn đang trong thời gian triển khai thực hiện Đề án; một số lĩnh vực, hạng mục vẫn đang trong giai đoạn sắp xếp, kiện toàn, đặc biệt trong gần hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng và tác động to lớn đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động báo chí của tỉnh Quảng Ninh. Những tồn tại, hạn chế mang tính chủ quan và khách quan cần giải quyết cả trong trước mắt và lâu dài, trong đó có cả những vấn đề về mặt cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật ở tầm vĩ mô để mô hình Trung tâm tiếp tục hoạt động chất lượng, hiệu quả, phát huy tính ưu việt của việc hợp nhất các cơ quan báo chí cấp tỉnh. Chính vì vậy, việc đánh giá khách quan, thẳng thắn hiệu quả hoạt động của Trung tâm cả ở góc độ lý luận, khoa học và thực tiễn sau 3 năm hợp nhất là rất quan trọng để tỉnh Quảng Ninh đề ra những quyết sách phát triển tiếp theo, một cách chủ động và theo đúng chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Đây cũng sẽ là tiền đề quan trọng để Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh định vị và củng cố vững chắc vị trí của mình, không ngừng đổi mới, gia tăng tiềm lực, quy mô, năng lực, sức ảnh hưởng để phát triển trong thời gian tới, hướng tới trở thành một tổ hợp truyền thông mạnh không chỉ của tỉnh Quảng Ninh, mà còn của cả vùng Đông Bắc. Qua đó khẳng định tính đúng đắn và phù hợp của mô hình Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh - mô hình thí điểm đầu tiên của cả nước thực hiện hợp nhất các cơ quan thông tin, báo chí cấp tỉnh.
Báo cáo tóm tắt về mô hình Trung tâm Truyền thông tỉnh, nhà báo Mai Vũ Tuấn, Giám đốc, Tổng Biên tập Trung tâm nhấn mạnh: Trung tâm Truyền thông tỉnh trực thuộc Tỉnh ủy Quảng Ninh và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2019. Qua thực tiễn 3 năm hoạt động, với các giải pháp tích cực, hiệu quả, cùng với sự theo dõi chỉ đạo sát sao và hỗ trợ kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã tạo ra những bước phát triển mới, mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, tốt hơn trước khẳng định rõ hơn vai trò truyền thông chủ động, truyền thông định hướng, bắt nhịp nhanh với xu thế phát triển của báo chí trong nước và thế giới.
Trong đó, nổi bật là những dấu ấn trong việc tinh gọn về bộ máy tổ chức phát huy sức mạnh tổng hợp đội ngũ những người làm báo, tái cấu trúc sắp xếp lại đội ngũ các cán bộ, viên chức; đổi mới căn bản phương thức hoạt động theo mô hình “Tòa soạn hội tụ đa phương tiện”; đào tạo, đào tạo lại và thường xuyên cập nhật kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn và trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, phóng viên; bước đầu đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm báo chí nhất là các sản phẩm truyền thông hiện đại thu hút công chúng… Đặc biệt là việc thực hiện nhiều sản phẩm truyền thông mới như phim tài liệu, các báo cáo hình ảnh phục vụ các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, các chiến dịch truyền thông tuyên truyền, triển khai các chủ trương, quyết sách, các chỉ đạo của tỉnh và trung ương bên cạnh các sản phẩm báo chí truyền thống.
Giám đốc, Tổng Biên tập Trung tâm Truyền thông tỉnh cũng khẳng định, mô hình cơ quan báo chí hợp nhất đã thể hiện sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh trong thực hiện mục tiêu đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với hoạt động các cơ quan báo chí của tỉnh; là công cụ hữu hiệu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, định hướng tư tưởng, dư luận, góp phần quan trọng đảm bảo củng cố vững chắc trận địa tư tưởng, công tác an ninh thông tin, an ninh văn hóa; hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ và tác động của khủng hoảng truyền thông trên địa bàn tỉnh. Hiệu quả hoạt động của Trung tâm Truyền thông tỉnh là nhân tố quan trọng góp phần để tỉnh Quảng Ninh cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế xã hội đảm bảo vững chắc an ninh quốc phòng, đặc biệt là trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19 trong 2 năm 2020, 2021…
Tại buổi hội thảo, các đại biểu trung ương và địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu báo chí truyền thông, lãnh đạo các cơ quan báo chí đã tham gia phát biểu thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến. Các ý kiến tham luận tại hội thảo tập trung vào 3 vấn đề, gồm: Quản lý điều hành tòa soạn, sắp xếp tổ chức bộ máy, thay đổi phương thức hoạt động sau hợp nhất; vận hành tòa soạn hội tụ, phát huy hiệu quả truyền thông trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh; việc tự chủ chi thường xuyên cùng hoạt động kinh tế báo chí và chuyển đổi số trong hoạt động báo chí.
Tất cả các ý kiến tham luận, góp ý đều thể hiện tinh thần khách quan trên cơ sở khoa học, tư vấn, khuyến nghị về nhiều vấn đề cụ thể trong hoạt động của mô hình Trung tâm Truyền thông tỉnh, như: Yêu cầu của việc đầu tư đồng bộ, hiện đại hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng khoa học công nghệ; hoàn thiện về thể chế, chính sách phục vụ cho hoạt động của Trung tâm; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên; phương thức tổ chức, điều hành, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ đa phương tiện; vấn đề đồng bộ và sử dụng hệ thống dữ liệu trong hoạt động của mô hình Trung tâm; sự tương tác giữa tòa soạn báo chí với các kênh truyền thông xã hội; chuyển đổi số trong hoạt động báo chí; vấn đề kinh tế báo chí; vấn đề đổi mới và phát triển theo mô hình “cơ quan báo chí – công nghệ” (Media-Tech)…
Các ý kiến tham luận, chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp ý kiến tại hội thảo được chắt lọc từ cả lý luận và thực tiễn, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ của các đại biểu dự hội thảo đã gợi mở những tư duy mới về phương hướng, chiến lược phát triển cho báo chí Quảng Ninh nói riêng và các cơ quan báo chí địa phương trên cả nước nói chung. Qua đó cũng đặt ra được một số giá trị tham khảo cho các địa phương khác và công tác lãnh đạo, quản lý phát triển nền báo chí Việt Nam nói chung trong bối cảnh, điều kiện mới.
Tổng hợp các ý kiến tham luận và kết luận hội thảo, GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh: Quảng Ninh đã và đang là địa phương tiên phong, dũng cảm, quyết tâm đi đầu cả nước về nhiều mặt, trong đó có việc thành lập mô hình Trung tâm Truyền thông trên cơ sở hợp nhất các cơ quan báo chí, truyền thông cấp tỉnh. Mô hình này cho thấy nhiều hiệu quả tích cực trong thực tế, tạo cơ sở, kinh nghiệm, bài học cho việc vận động, thành lập và phát triển mô hình này trong cả nước.
Trong việc rút kinh nghiệm mô hình này, GS.TS Tạ Ngọc Tấn cũng nhấn mạnh đến một số vấn đề: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho hoạt động của mô hình Trung tâm; việc nhìn nhận, lắng nghe và đổi mới để phục vụ nhu cầu của công chúng; vấn đề đảm bảo hài hòa giữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước với công tác chuyên môn báo chí, truyền thông, với vấn đề kinh tế báo chí và với việc sắp xếp lại tổ chức, bộ máy, nguồn nhân lực… Để mô hình hợp nhất các cơ quan báo chí, truyền thông cấp tỉnh đạt được hiệu quả cao hơn nữa trong thực tế, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương đặc biệt nhấn mạnh đến việc xây dựng, đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, làm chủ được khoa học công nghệ trong thời đại mới; vấn đề hoàn thiện và thống nhất về thể chế, chính sách từ Trung ương tới cấp tỉnh để mở đường, tạo hành lang pháp lý cần thiết cho sự phát triển của mô hình…
Để mô hình Trung tâm Truyền thông cấp tỉnh thực sự trở thành mô hình hiệu quả, ưu việt, phục vụ tốt nhất công tác lãnh đạo, quản lý phát triển nền báo chí Việt Nam trong giai đoạn mới, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông cần sớm phối hợp tổ chức đánh giá mô hình, rút kinh nghiệm, đề xuất các thể chế, chính sách cụ thể để công nhận, nhân rộng và phát triển mô hình; Tỉnh ủy Quảng Ninh cũng cần tiếp tục quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện hơn nữa để Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ và toàn diện hơn.
Tiếp thu những ý kiến tổng hợp, kết luận của GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Những ý kiến thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm, thể hiện sự nghiên cứu kĩ càng, kiến thức lý luận tổng quát kết hợp với thực tế sâu sát của các đại biểu tại hội thảo chính là những bài học kinh nghiệm quý giá cho tỉnh Quảng Ninh nói chung và Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh nói riêng trên con đường đổi mới và phát triển. Từ những nội dung được đặt ra từ hội thảo lần này, Quảng Ninh chắc chắn sẽ tiếp thu được nhiều nội dung để ngày càng hoàn thiện về công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động báo chí, truyền thông; về cơ chế, chính sách; về kinh tế báo chí; và về ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động báo chí, truyền thông... từ đó xây dựng mô hình Trung tâm Truyền thông tỉnh và công tác báo chí, công tác tư tưởng của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh ngày càng vững mạnh, góp phần vào sự ổn định về chính trị, an ninh quốc phòng, sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội...
Minh Hà - Đỗ Phương
- Bài phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tại hội thảo khoa học “Hợp nhất các cơ quan báo chí, thông tin cấp tỉnh từ thực tiễn hoạt động của Trung tâm truyền thông tỉnh Quảng Ninh”
- “Tập thể Trung tâm Truyền thông tỉnh phải trở thành những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận chống dịch, trong xây dựng Đảng và phát triển kinh tế-xã hội”
- Hội thảo Hợp nhất các cơ quan báo chí, thông tin cấp tỉnh diễn ra vào ngày mai, 26/12
Liên kết website
Ý kiến ()