Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 12:27 (GMT +7)
Hội thảo khoa học cấp quốc gia về nguồn lực, động lực cho phục hồi và phát triển KT-XH
Thứ 2, 28/03/2022 | 13:10:54 [GMT +7] A A
Ngày 28/3, tại TP Hạ Long, Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản và Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Nguồn lực và động lực cho phục hồi và phát triển KT-XH trong điều kiện thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 - Tầm nhìn quốc gia và hành động địa phương”. Hội thảo bàn những vấn đề hết sức quan trọng và mang tính thời sự, cấp thiết đối với sự phát triển của đất nước và mỗi địa phương, nhất là khi cả nước đang quyết liệt triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH của Chính phủ, theo chủ trương của Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII, Kết luận số 24 KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ.
Các đồng chí: GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; GS. TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đồng chủ trì hội thảo.
Phát biểu chào mừng hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Nguồn lực và động lực cho phục hồi và phát triển KT-XH trong điều kiện thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 - Tầm nhìn quốc gia và hành động địa phương” chính là dịp để Quảng Ninh được lắng nghe và học hỏi kinh nghiệm của các tỉnh, thành phố bạn, những ý kiến tư vấn chuyên sâu của các nhà nghiên cứu, lãnh đạo, quản lý, từ đó có những quyết sách đúng đắn và giữ đà phát triển trong thời gian tới.
Ở tầm quốc gia, hội thảo cũng sẽ có những đóng góp, tham vấn quan trọng cho Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện thành công việc phục hồi và phát triển KT-XH trong thời gian tới, trong đó có việc khai thác, phát huy và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực cho sự phát triển của đất nước và các địa phương.
Quảng Ninh tin tưởng sâu sắc rằng hội thảo này sẽ bổ sung cho tỉnh những tầm nhìn mới, góc nhìn mới, hiểu biết mới về nguồn lực và động lực phát triển, về mối quan hệ giữa nguồn lực và động lực, nhất là những biểu hiện mới của các loại nguồn lực và động lực trong nền kinh tế thị trường hiện đại, toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để quản trị hiệu quả nguồn lực và động lực gắn với đổi mới, hoàn thiện quản trị địa phương, phục vụ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, gợi mở cách tiếp cận mới trong việc huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, xác lập động lực mới cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xuất phát từ: Xu hướng toàn cầu - tầm nhìn quốc gia - hành động địa phương.
Về xu hướng toàn cầu, đại dịch Covid-19, xung đột vũ trang và chiến tranh thương mại đã kích hoạt chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa dân tộc kinh tế và phong trào phản kháng toàn cầu hóa trở nên mạnh mẽ hơn; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là bước chuyển nhanh sang nền kinh tế số đưa đến những nhận thức phát triển mới: Nguồn lực phát triển quan trọng nhất là tài nguyên số và trí tuệ con người, động lực tăng trưởng nhanh nhất là những ngành thích ứng với chuyển đổi số, đặc biệt là kinh tế số; sự cạn kiệt, thiếu hụt tài nguyên khiến các xu hướng nổi bật như tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế sinh thái, kinh tế tuần hoàn mang đến cho thế giới những động lực mới để phát triển nhanh và bền vững...
Về tầm nhìn quốc gia, tăng năng suất là phương thức quan trọng nhất để Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển của mình. Có 3 cách tăng năng suất, gắn liền với việc khởi tạo ba động lực chính của tăng trưởng: Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, di chuyển nguồn lực từ các ngành có năng suất thấp sang các ngành có năng suất cao hơn để sử dụng có hiệu quả nhất nguồn lực; tạo hiệu ứng kinh tế quy mô, khai thác lợi thế nhờ quy mô để tăng năng suất trong từng ngành, từng doanh nghiệp; tạo thuận lợi cho quá trình nhập cuộc - rút lui của các doanh nghiệp để mở rộng sân chơi và nguồn lực cho những chủ thể kinh tế hiệu quả nhất trên thị trường.
Tăng năng suất cần được thực hiện theo lộ trình phù hợp với điều kiện thực tiễn của các địa phương. Mỗi địa phương căn cứ vào điều kiện thực tiễn của mình để lựa chọn cách làm sáng tạo trong khai thác tốt các nguồn lực, cũng như tạo dựng các động lực phát triển. Các địa phương cần nỗ lực tìm kiếm, khơi thông, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh,các nguồn lực đa dạng tại chỗ, nhất là các nguồn lực trong nhân dân, để hiện thực hoá các sáng kiến phát triển của mình, bứt phá, vươn lên.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, hội thảo sẽ là diễn đàn để các địa phương cùng chia sẻ, thảo luận những mô hình hay, những cách làm sáng tạo, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là từ thực tiễn huy động, phân bổ và quản lý các nguồn lực tại chỗ của địa phương kết hợp với nguồn lực của cả nước và bên ngoài.
Với quy mô cấp quốc gia, hội thảo nhận được sự quan tâm và tham dự của đông đảo các nhà lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học, với 76 bài tham luận, trong đó có 21 tham luận của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng; tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành... Các bài viết đầu tư công phu, có chất lượng tốt, giàu hàm lượng khoa học, kinh nghiệm thực tiễn phong phú, đã kiến giải sâu sắc, nhiều chiều các nội dung của hội thảo.
Thảo luận trực tiếp tại hội thảo, các đại biểu đều tham gia các ý kiến tâm huyết, chất lượng, gợi mở nhiều vấn đề mới, đang bức thiết đặt ra, nhất là tập trung bàn sâu từ phương diện quản trị địa phương về vai trò, vị trí, phương pháp, cách làm sáng tạo, hiệu quả, thành công đột phá, bài học hay, kinh nghiệm quý, kể cả những tồn tại, bất cập, vướng mắc, điểm nghẽn, từ đó đề xuất những giải pháp, kiến nghị có giá trị trong huy động, phân bổ, sử dụng tối ưu nhất nguồn lực và tạo động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước và các địa phương.
Từ gợi mở của cách tiếp cận mới là xu hướng toàn cầu - tầm nhìn quốc gia - hành động địa phương trong việc huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, xác lập động lực mới cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các đại biểu đã nêu bật những vấn đề lý luận chung về nguồn lực và động lực cho phát triển; tác động của tình hình thế giới hiện nay và một số mô hình nổi bật của các nước, địa phương trên thế giới trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và gợi mở những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; những chỉ đạo chung, định hướng lớn trong phục hồi, phát triển kinh tế khi đất nước chuyển sang trạng thái bình thường mới.
Về khơi thông, giải phóng các nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, các ý kiến bàn thảo và đi đến thống nhất một số quan điểm. Đó là những biến cố, khủng hoảng là điều không mong muốn, nhưng ở góc độ khác, đây cũng là một cơ hội để nhận ra những bất cập, điểm yếu mà ở trạng thái bình thường chưa lộ rõ, để từ đó điều chỉnh một cách có hệ thống việc khai thác, sử dụng các nguồn lực có hiệu quả hơn, tạo được động lực phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn.
Phát huy đa dạng các nguồn lực, cả nguồn lực hữu hình - vô hình, nguồn lực vật chất - tinh thần, nguồn lực truyền thống - mới..., trong đó mỗi nguồn lực có những đặc điểm riêng, cần cách thức khơi dậy, khai thác, sử dụng và phát huy riêng để chuyển hóa thành các động lực phát triển, chú trọng những thế mạnh riêng có của địa phương. Coi trọng quản trị địa phương trên cả ba trụ cột chính là thể chế - bộ máy - con người, nhất là gia tăng năng lực quản trị, năng lực dự báo và ra quyết định, nhạy bén với biến chuyển tình hình, gắn với thúc đẩy hợp tác, liên kết vùng, tổ chức lãnh thổ...
Từ quan điểm chung trên, các tham luận đi sâu phân tích việc khơi thông, giải phóng các nguồn lực cụ thể, như nguồn lực tài chính công; nguồn lực đất đai; nguồn nhân lực; thể chế phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; chính sách tài khóa, nguồn lực xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; nguồn tài nguyên văn hóa; năng lực hấp thu công nghệ và tăng cường mối liên kết giữa các thành phần kinh tế; phát triển kinh tế biển xanh; phục hồi ngành du lịch; nâng cao hiệu quả quản trị địa phương; phát huy nguồn lực, sức mạnh của khu vực ngoài nhà nước; cải tiến chỉ số cải cách thủ tục hành chính...
Buổi chiều, hội thảo sẽ tiếp tục các phiên thảo luận về nội dung khơi thông, giải phóng nguồn lực và tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn - nhìn từ phương diện quản trị địa phương của Quảng Ninh; hành động của địa phương và doanh nghiệp trong huy động, phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn lực và tạo động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thích ứng an toàn.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()