Mỗi lứa trồng keo, bạch đàn dài từ 5 đến 8 năm là có thể cho thu hoạch, nhưng số tiền thu về không lớn. Trải qua vài lứa như vậy, người trồng keo nhận ra mình đang mất nhiều hơn được. Nhưng vì nhiều lý do, họ vẫn đi theo vòng luẩn quẩn: Trồng keo-thu hoạch-trồng keo. Ngược lại, có những người hiểu được lợi ích lâu dài của việc "trồng cây, gây rừng" để từ bỏ những loài cây "ăn xổi", tìm cho mình một lối đi riêng: Trồng cây gỗ lớn. Những người tiên phong ấy nhiều khi bị cho là "hâm", là "gàn dở", nhưng bản thân họ hiểu rằng gieo thêm một mầm xanh là nhận về hy vọng. Qua thời gian, những rừng cây không chỉ mang lại cuộc sống mới cho người trồng, chăm sóc và gìn giữ rừng, mà còn mang đến màu xanh cho cộng đồng, màu xanh của sự sống bình yên...
Thôn Bằng Anh, xã Tân Dân, TP Hạ Long, có một khu rừng rất đặc biệt với rất nhiều loài cây quý như bầu gió, lim, sến, táu, dẻ... được nhiều đời nối tiếp trồng và gìn giữ từ hơn 50 năm nay. Khu rừng nói trên hiện thuộc sở hữu của anh Triệu Tiến Lộc - người con út được cha mình là ông Triệu Tài Cao giao lại khi tuổi cao sức yếu. Cha anh được dân làng gọi tên thân mật là “già Cao” - người Dao có uy tín trong xã và từng rất nổi tiếng vì sở hữu cánh rừng lim cổ thụ, được xem là kho báu khổng lồ bao nhiêu người ao ước.
Là con trai út và cũng là người sống cùng cha từ bé đến khi cha mất nên anh Lộc thấu hiểu bao vất vả, tâm huyết của cha trong trồng và giữ rừng. Anh Lộc kể: Năm 1969, thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ về Tết trồng cây, cha anh đã chọn chân đèo Hạ My để sinh sống và bắt đầu trồng những cây gỗ quý lâu năm. Bấy giờ, nhiều người cứ vô tư chặt hạ cây rừng, nhưng ông là người hiếm hoi không chặt cây mà còn tìm cách tái sinh rừng.
"Mọi người cứ chặt cây, còn bố tôi thì cứ lầm lũi đi tìm cây về trồng" - anh Lộc kể. Dẹp bỏ mọi bàn tán, già Cao và các con vẫn tiếp tục ngày đêm đợi hạt lim già rơi xuống, nảy mầm, sau đó ươm thành cây nhỏ.
Trải qua hàng chục năm, rừng cây mọc tươi tốt, hạt rơi xuống, cây lại mọc lên. Cứ thế, giờ đây khu rừng của gia đình anh có hàng nghìn cây gỗ quý, có những cây có tuổi đời hơn nửa thế kỷ, thân cây vài người ôm mới xuể. Khu rừng này đã phủ xanh cả quả đồi rộng, tạo ra dưỡng khí trong lành cho khu vực xung quanh và là nơi cư trú của nhiều loài động vật hoang dã.
"Rừng của gia đình tôi là rừng đầu nguồn, có những cây lớn giữ được đất, giữ được nước nên không lo việc sạt lở. Khi mình giữ được cánh rừng như thế này, khí hậu xung quanh rất trong lành. Mỗi buổi sáng thức dậy cảm thấy rất khỏe mạnh, sảng khoái" - anh Lộc vui vẻ nói.
Tuy nhiên để có khu rừng quý như này, gia đình anh Lộc đã phải trải qua rất nhiều gian nan. "Lúc cha tôi còn sống, nhiều nhóm buôn gỗ đến đặt yêu cầu để mua rừng lim nhưng ông kiên quyết từ chối. Thậm chí, có người còn đe dọa nhưng ông vẫn kiên quyết giữ bằng được rừng lim quý giá" - anh Lộc nhớ lại.
Đến giờ vẫn có người đến tận nhà ngỏ ý muốn mua cả khu rừng nhưng anh Lộc cùng các anh em trong gia đình vẫn lắc đầu nhất quyết không bán bởi với mấy anh em, rừng không chỉ gắn liền với cuộc sống của gia đình, mà còn là kỷ vật, là tấm lòng, tâm huyết của cả cuộc đời bố để lại. “Bán một vài cây lim là có cả trăm triệu đồng, nhưng tâm nguyện của bố cũng là của anh em chúng tôi. Đó là rừng trồng cả đời người thì phải giữ gìn, chỉ trồng thêm chứ không được chặt. Bố tôi luôn dạy chúng tôi những điều tốt đẹp về việc giữ rừng. Ngay cả trước khi mất, ông vẫn luôn dặn dò, phải đối xử tốt với rừng bởi rừng là nguồn sống không chỉ của riêng con người mà còn là của muông thú” - anh Lộc xúc động nhắc lại lời cha dặn.
Giờ già Cao đã mất, nối tiếp đời cha, anh Lộc cùng các anh trai tiếp tục giữ rừng, bảo vệ rừng. Không chỉ phát triển cánh rừng của gia đình, với vai trò là Trưởng ban Công tác Mặt trận của thôn, anh Lộc luôn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân trồng và bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng cây gỗ lớn.
Hiện tại, để có nguồn thu nhập thường xuyên cho gia đình, dưới tán rừng, anh Lộc vẫn trồng xen nhiều cây ngắn ngày, có giá trị kinh tế cao như trà hoa vàng, ba kích, tre, quế... Ngoài ra, anh Lộc cũng nghiên cứu để cải tạo, đưa khu rừng quý này trở thành một trong những điểm du lịch sinh thái, trải nghiệm rất hấp dẫn cho du khách khi đến thăm khu vực phía Tây của TP Hạ Long.
Khu rừng giổi hơn 600 cây của gia đình ông Chu Văn Cử (thôn Đồng Tán, xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ) đã cho hoa và đang kết trái sau hơn 3 năm vun trồng trong niềm hân hoan của người đàn ông dân tộc Tày này. Nhìn rừng giổi đang lên xanh tốt, ông Cử bàn với vợ mở rộng diện tích trồng giổi. Ông nhẩm tính, giống giổi này mới trồng hơn 3 năm đã phát triển xanh tốt, cho tán rộng, chiều cao đạt gần 5m, đường kính thân cây hơn 15cm. Chỉ khoảng 2 năm nữa thôi khu vực này sẽ phủ màu xanh của giổi, cây giổi trở thành cây rừng có giá trị lớn. Từ năm thứ 5 trở đi, rừng giổi phát triển rất nhanh, có quả và đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Cách đây hơn 3 năm, khi hàng keo xanh cuối cùng trong 6ha rừng được ông thay bằng giống mới - cây giổi xanh, ông không nghĩ trong cuộc đời trồng rừng của mình lại có sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng lớn như vậy. Ông Cử tâm sự: Từ khi chập chững bước vào nghề trồng rừng, tôi đã lựa chọn trồng cây keo bởi thời điểm đó kinh tế gia đình rất khó khăn trong khi cây keo có thể thu hoạch sớm hơn so với các loại cây khác, cho thu nhập nhanh hơn. Nhưng càng trồng, tôi càng thấy đây là loại cây chỉ mang lại lợi ích kinh tế trước mắt, nhưng không giữ được đất, không đóng góp nhiều cho môi trường. Nhìn đất ngày càng bạc màu, khô cằn, nhiều vùng bị sạt lở, sập núi tôi thấy xót xa lắm. Thời điểm đó, tôi đã nghĩ mình phải chuyển hướng sang loại cây vừa bảo vệ được đất, vừa có giá trị bền vững.
Đầu năm 2018, khi địa phương tổ chức chương trình đi học tập trao đổi kinh nghiệm trồng rừng gỗ lớn tại huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, ông Cử đã đăng ký tham gia. Khi đến thăm các mô hình trồng rừng ở tỉnh bạn, nhìn những cây giổi xanh thẳng tắp, sức vươn mạnh mẽ, ông ước ao mình cũng có những vườn cây đẹp như vậy.
Nghĩ là làm, sau chuyến công tác, được hỗ trợ của Phòng NN&PTNT huyện, ông đã bàn với gia đình mạnh dạn chuyển đổi 6ha trồng cây keo sang trồng cây giổi.
Thời điểm ông Cử trồng những mầm giổi đầu tiên, những người trồng rừng lâu năm trong thôn đều hoài nghi về sự thành công của mô hình này. “Thấy tôi trồng giổi, nhiều người bảo hâm. Nhưng tôi lại nghĩ khác, thứ nhất là yêu cây, quý đất, trồng giổi cũng như các cây khác là được trở về với sở thích, đam mê. Mặt khác, giổi là cây bản địa có sức sống mạnh mẽ, có khả năng phòng hộ, chống xói mòn, giữ nước, bảo vệ đất và thực tế cũng là cây có giá trị kinh tế cao. Hạt giổi là gia vị chấm đặc sản, lại có thể chế tinh dầu, làm thuốc. Kể cả sau này giổi không có hạt cũng không lo lắng vì giổi là loài gỗ quý, thớ mịn, không cong vênh và có mùi thơm” - ông Cử tự tin về lựa chọn của mình.
Ông Cử bảo: “Cứ yêu thiên nhiên, yêu giổi đi, giổi sẽ trả nghĩa thật nhiều”. Quả đúng là như vậy, những mầm giổi xanh cứ thế lớn lên từng ngày. Giờ đây mầm non ấy đã trở thành hàng cây thẳng tắp, cành lá xanh mướt, tán rộng, đem cảm giác ngẩn ngơ, nể phục, ước ao cho bất cứ ai đến thăm, ngắm nhìn. Với diện tích hơn 6ha, cùng với cây giổi, ông Cử còn trồng kết hợp ba kích tím dưới tán giổi và hàng trăm cây ăn quả, như: Ổi ruột đỏ, ổi Đài Loan, mít Thái, xoài, hồng xiêm...; mỗi năm cho thu nhập 200 triệu đồng.
Đứng giữa rừng giổi đang độ phát triển, vươn cao xanh mướt, ông Cử tự hào kể về hành trình gieo mầm xanh thay thế những rừng keo nghèo kiệt, khô cằn, trả lại màu xanh vĩnh cửu cho đất, cho rừng. Mỗi mầm xanh ươm xuống là niềm hy vọng được nhân lên. Ông Cử tin rằng, chỉ một thời gian ngắn nữa, rừng cây giổi này sẽ mang lại cuộc sống khấm khá cho gia đình ở mảnh đất Ba Chẽ còn nhiều khó khăn này.
Đi giữa bạt ngàn màu xanh của cánh rừng gỗ lớn, được lắng nghe những câu chuyện giữ rừng, tái sinh rừng, chúng tôi càng thấu hiểu tình yêu của những người luôn đau đáu với rừng gỗ lớn. Họ là những người dân tộc khác nhau, ở những địa phương khác nhau và cái duyên của họ đến với trồng rừng cũng không giống nhau nhưng ở họ có điểm chung là tình yêu mãnh liệt và khát khao trồng rừng gỗ lớn. Từ đó, họ đã dành rất nhiều thời gian, công sức và bằng nhiều cách làm khác nhau để nhân rộng diện tích rừng gỗ lớn, góp phần giúp Quảng Ninh ngày một xanh hơn.
Thực hiện: Thu Chung - Cao Quỳnh
Trình bày: Đỗ Quang