Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:55 (GMT +7)
Hồi sinh những cánh rừng
Thứ 2, 21/02/2022 | 07:59:29 [GMT +7] A A
Nhằm sớm hiện thực hóa mục tiêu phát triển xanh, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong nước ban hành nghị quyết về phát triển lâm nghiệp bền vững đến 2025, tầm nhìn đến 2030 (Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của BTV Tỉnh ủy); các chính sách đặc thù khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững (Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh), đang triển khai thí điểm tại TP Hạ Long và huyện Ba Chẽ. Cả hai nghị quyết này đang mang lại "hiệu quả kép”, không chỉ giúp tỉnh nhanh chóng hồi sinh những cánh rừng, mà còn nâng cao thu nhập cho người dân, nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu…
Nhân rộng những cánh rừng gỗ lớn
Quảng Ninh là địa phương có diện tích rừng đứng thứ 18/63 tỉnh, thành phố trong nước, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 55%, với trên 370.000ha đất có rừng. Những năm qua, tỉnh đã xây dựng, ban hành nhiều cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển lâm nghiệp, trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, đặc biệt ưu tiên nhân rộng nhiều mô hình trồng rừng gỗ lớn.
Nghị quyết số 19-NQ/TU và Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND đã đề ra những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp và cơ chế, chính sách khuyến khích đi kèm rất thiết thực, góp phần tăng cường, nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước của các cấp, ngành; công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực: Rừng tự nhiên được bảo vệ tốt; diện tích rừng trồng mới hằng năm tăng cả về diện tích và chất lượng; đời sống của người dân ngày càng được nâng lên. Vì vậy, triển khai hai nghị quyết này thời gian qua nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực từ người trồng rừng. Tại một số địa phương đã có cách làm hay sáng tạo, qua đó giúp người dân thay đổi nhận thức, khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển đổi, nhân rộng thành công các mô hình trồng rừng gỗ lớn.
Huyện Ba Chẽ là một trong những địa phương có diện tích đất lâm nghiệp lớn nhất tỉnh (gần 57.000ha), quy hoạch cho lâm nghiệp chiếm khoảng 94% tổng diện tích tự nhiên của huyện. Huyện đang phát huy được thế mạnh về rừng, phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế lâm nghiệp và cây dược liệu của tỉnh. Để tăng giá trị của rừng, biến rừng thành ngành kinh tế thế mạnh, những năm gần đây Ba Chẽ ưu tiên nhân rộng các mô hình trồng rừng gỗ lớn theo hướng bền vững.
Hướng phát triển của huyện tập trung trồng các loài cây gỗ lớn bản địa như: Giổi, lim xanh, lát hoa, là những loài cây có giá trị kinh tế cao, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của huyện. Qua đó giúp người dân giảm nghèo, nâng cao thu nhập và bảo vệ môi trường. Năm 2021 huyện trồng được 660ha rừng gỗ lớn. Các mô hình trồng rừng gỗ lớn phát triển tốt, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nhân rộng thành công mô hình này. Năm 2022, Ba Chẽ phấn đấu trồng trên 500ha rừng gỗ lớn, trồng 10.000 cây bản địa phân tán.
Ông Khiếu Anh Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ, cho biết: Qua hơn 2 năm triển khai Nghị quyết số 19-NQ/TU và gần 1 năm triển khai Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND đã làm thay đổi cơ cấu cây trồng ngành lâm nghiệp của huyện theo hướng tích cực. Diện tích cây bản địa, cây gỗ lớn ngày càng tăng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị của rừng. Thời gian tới huyện tiếp tục triển khai hiệu quả 2 Nghị quyết, trong đó tập trung tuyên truyền, vận động các hộ dân thay đổi nhận thức, tích cực tham gia các mô hình trồng rừng gỗ lớn; huyện hỗ trợ cây giống, khuyến khích các hộ trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng gỗ lớn, nhất là giống cây lim, giổi bản địa; hỗ trợ chuyển giao ứng dụng KHKT để các loại cây này sinh trưởng tốt, sớm mang lại hiệu quả kinh tế.
Các địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai hiệu quả trồng rừng tập trung, trong đó ưu tiên nhân rộng các mô hình trồng rừng gỗ lớn. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU, toàn tỉnh đã trồng được 23.738ha rừng tập trung, trong đó có 1.473ha rừng gỗ lớn, tăng 10%/năm khi chưa ban hành Nghị quyết, tăng 13% so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.
Giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt hơn 1.200 tỷ đồng/năm, tăng gần 10% so với các năm 2018-2019. Khai thác, tiêu thụ hơn 1 triệu m3 gỗ, tăng gần 20% so với 2018-2019, tăng 14% so với chỉ tiêu hằng năm theo Nghị quyết đề ra; khai thác, chế biến hơn 2.500 tấn nhựa thông; khai thác, tiêu thụ gần 4.000 tấn lâm sản ngoài gỗ. Đặc biệt, đã tạo việc làm cho hơn 60.000 lao động lâm nghiệp với mức thu nhập trên 70 triệu đồng/năm, góp phần ổn định trật tự xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh vùng biên giới, hải đảo.
Tiếp tục tạo những vành đai xanh bảo vệ rừng
Tại lễ phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ Xuân Nhâm Dần 2022 (ngày 6/2/2022 tại huyện Ba Chẽ), đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Tỉnh luôn xác định trồng cây xanh là việc làm quan trọng, gắn liền với quá trình phát triển toàn diện của tỉnh, không chỉ cho hôm nay mà cho cả các thế hệ mai sau, đang được các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang, địa phương, nhân dân trong toàn tỉnh tích cực hưởng ứng và tổ chức thực hiện có chất lượng, hiệu quả.
Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong nước ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển lâm nghiệp bền vững đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 và cũng là tỉnh đầu tiên ban hành được các chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển lâm nghiệp. Ngay sau khi ban hành, Nghị quyết số 19-NQ/TU đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, bước đầu mang lại những hiệu quả thiết thực và tạo chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động cụ thể của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân; mở hướng đi mới trong bảo vệ, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên rừng.
Theo thống kê, mỗi năm tỉnh có hơn 10.000ha rừng được trồng mới. Năm 2021, trồng rừng tập trung đạt trên 12.300ha, tăng gần 11% so với năm 2020. Riêng đợt phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ Xuân Tân Sửu 2021, toàn tỉnh trồng được gần 704.000 cây, đạt 118% chỉ tiêu kế hoạch của UBND tỉnh giao, tăng 1,8 lần so với Tết trồng cây năm 2020. Tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh nâng từ 38% năm 2000 lên 55,06% hiện nay, đứng thứ 14/63 tỉnh, thành phố trong nước; diện tích rừng đứng thứ 18 cả nước.
Thực hiện Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” của Chính phủ, Tết trồng cây năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu trồng hơn 650.000 cây; tập trung trồng cây bản địa lim, giổi, lát… để phát triển rừng gỗ lớn, có trọng tâm, trọng điểm. Ngay sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh, 13/13 địa phương và các sở, ban, ngành, đơn vị trong tỉnh đã đăng ký tổ chức Tết trồng cây với tổng số 828.601 cây các loại: 2.700 cây lim, 13.370 cây giổi, 6.650 cây lát; 725.881 cây sao đen, bằng lăng, bạch đàn, phượng, phi lao, thông... và khoảng 80.000 cây thân thảo (hoa bụi, chuỗi ngọc...).
Cùng với các địa phương, nhiều doanh nghiệp của ngành Than đẩy mạnh trồng cây phủ xanh các bãi thải, khai trường mỏ kết thúc khai thác để sớm phục hồi cảnh quan, môi trường. Năm 2022, TKV phấn đấu trồng mới trên 160ha cây xanh; dịp đầu Xuân Nhâm Dần đã trồng được trên 210.640 cây, tương ứng khoảng 40ha.
Năm 2022, Quảng Ninh tiếp tục phấn đấu giữ vững tỷ lệ che phủ rừng và nâng cao chất lượng rừng; đồng thời đẩy mạnh trồng cây hoàn nguyên, “xanh hóa” các bãi thải mỏ theo đúng chủ trương, định hướng, mục tiêu về quy hoạch, phát triển, trồng rừng cây gỗ lớn trên địa bàn tỉnh. Cụ thể hóa mục tiêu này, thời gian tới tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cộng đồng trong tham gia bảo vệ tài nguyên rừng.
Đồng thời, tiếp tục rà soát xây dựng bổ sung một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh; chú trọng công tác bảo tồn đa dạng sinh học, phòng cháy, chữa cháy rừng, chế biến lâm sản; xây dựng, triển khai hiệu quả các chương trình, đề án, bố trí, huy động các nguồn lực đầu tư, tổ chức thực hiện hiệu quả các lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp...
Phạm Tăng
Liên kết website
Ý kiến ()