Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 15:24 (GMT +7)
Nhìn lại 60 năm văn xuôi Quảng Ninh
Thứ 5, 19/01/2023 | 10:48:01 [GMT +7] A A
60 năm qua, văn xuôi Quảng Ninh đã từng gặt hái được rất nhiều thành tựu đáng nể trong quá khứ. Tuy nhiên, để hòa vào “biển lớn”, bắt nhịp được với sự phát triển chung của xã hội rất cần một chiến lược đào tạo, bồi dưỡng dài hơi dành cho các cây bút trẻ.
Nhiều người đánh giá, Quảng Ninh là mảnh đất rộng lớn không chỉ sản sinh ra nhiều tài năng văn học nghệ thuật, mà còn là nơi có cơ hội ngay từ những ngày đầu khi thu hút được lực lượng sáng tác đông đảo. Nhất là từ năm 1954 trở đi, khi miền Bắc bước vào công cuộc kiến thiết vừa sản xuất, vừa chiến đấu, chi viện cho tiền tuyến miền Nam, lực lượng công nhân phát triển mạnh hơn, văn học công nhân cũng có sức sống mới. Các thể loại văn học có tầm bao quát lớn với đề tài vẫn là tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký. Lực lượng viết văn xuôi Quảng Ninh vì thế cũng đông đảo, có thể kể ra những cái tên như: Võ Huy Tâm, Tô Ngọc Hiến, Võ Khắc Nghiêm, Sỹ Hồng, Nguyễn Sơn Hà, Lý Biên Cương, Dương Hướng, Tạ Kim Hùng, Trần Tâm, Vũ Thảo Ngọc, Lê Toán v.v..
Theo cố nhà văn Tùng Điển, Phó Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, lực lượng ấy luôn làm giàu vốn sống của mình, ban đầu là sáng tác tự phát theo nhu cầu nội tại chứ chưa cần đến sự đào tạo bài bản ở trường lớp. Đây là điều kiện hết sức may mắn cho văn học nghệ thuật Quảng Ninh. Bởi vậy, nhiều cây bút ở Quảng Ninh dù chưa là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thì cũng thường xuyên xuất hiện trên các diễn đàn như một tác giả đích thực. Đó là các cây bút: Trần Chiểu, Trần Đình Nhân, Hoàng Tuấn Dương, Dương Phượng Toại, Trần Ngọc Dương, Bùi Văn Phúc, Nguyễn Duy Liễm .v.v.
Thực tế cho thấy, người viết văn ở Quảng Ninh không cần phải đi đâu xa, chỉ cần cắm rễ và bám chặt, bám sâu vào mảnh đất này là đã có đề tài phong phú, chất liệu sống ngồn ngộn, thỏa sức viết. Thậm chí, nói như nhà văn Tùng Điển, ở Vùng mỏ có người lúc nhắm mắt xuôi tay vẫn than thở rằng mình còn viết ít quá, còn nợ mảnh đất này quá nhiều.
Trong văn xuôi Quảng Ninh, mỗi nhà văn với sự cố gắng của mình đã thể hiện hình tượng người thợ mỏ ở những cung bậc mức độ khác nhau từ đơn giản, nguyên phiến đến phúc tạp, đa diện để tạo ra thế giới nội tâm phong phú. Khi “Vùng mỏ” của Võ Huy Tâm bước lên văn đàn (1952) thì nhân vật công nhân mỏ mới trở thành trung tâm. Và khi bước vào công cuộc công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc những năm 60 của thế kỷ trước thì văn học công nhân mới nở rộ, hàng loạt nhà văn mới xuất hiện như: Võ Huy Tâm với “Những người thợ mỏ”, Xuân Cang với “Suối gang” và “Lên cao”, Nguyễn Dậu với “Ánh đèn lò” và “Mở hầm” v.v..
“Vùng mỏ” của nhà văn Võ Huy Tâm đã đặt “viên gạch nền móng” cho mảng đề tài viết về công nhân mỏ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Tiểu thuyết “Vùng mỏ” từng được coi là một trong những tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam giai đoạn sau Cách mạng Tháng Tám. Đọc “Vùng mỏ”, ta hiểu sâu sắc hơn về cuộc sống và truyền thống bất khuất, kiên cường của người thợ mỏ trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do. “Vùng mỏ” tiếp nối “Lầm than” của Lan Khai dựng lên chân dung những người thợ nhỏ bé, tiều tụy, đáng thương. Võ Huy Tâm đã biết tìm cho nhân vật những hoàn cảnh điển hình để cho tính cách họ được bộc lộ một cách rõ ràng. Hoàn cảnh điển hình ấy là sự áp bức, bóc lột của chủ mỏ Pháp đẩy người phu mỏ đến cùng cực. Tuy nhiên, không gian u tối không phải bao trùm hết toàn bộ tác phẩm mà còn có một không gian ánh sáng. Nhà văn Võ Huy Tâm đã dày công xây dựng một hệ thống nhân vật chính diện tích cực vượt thoát không gian u tối để tìm ra ánh sáng.
Sau “Vùng mỏ”, Võ Huy Tâm tiếp tục đi đầu trong việc miêu tả hình ảnh những người công nhân mỏ trong sự vận động tiến lên của cách mạng với tiểu thuyết “Những người thợ mỏ”. Võ Huy Tâm đề cao gương lao động dũng cảm, hy sinh quên mình vì mục đích chung của người thợ mỏ; tình hữu ái giai cấp, tình đoàn kết dân tộc, tinh thần quốc tế vô sản, nghĩa vợ chồng v.v.. được tác giả nâng lên thành tiêu chuẩn đạo đức mới. Cũng có thể nói, “Những người thợ mỏ” giúp bạn đọc lúc đó, vốn còn hiểu rất mơ hồ về người công nhân mỏ, có cái nhìn chân thực hơn. Đọc “Những người thợ mỏ”, thấy rõ quá trình thoát thai từ một tình trạng trì trệ, lạc hậu bước sang một chế độ mới của người công nhân mỏ. Tiểu thuyết đã đặt hệ thống nhân vật vào bối cảnh Vùng mỏ những năm sau 1954, khôi phục kinh tế xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhân vật cũng được đặt trong mối quan hệ gia đình, bạn bè, đồng chí, trên dưới, già trẻ, tình yêu nam nữ. So với “Vùng mỏ”, tiểu thuyết này bộn bề chi tiết hơn. Trong cuộc đấu tranh tốt - xấu, trắng - đen đó, chân dung nhân vật hiện lên với gam màu tươi sáng, đẹp đẽ.
Công bằng mà nói, là thợ mỏ viết văn, Võ Huy Tâm chưa có nhiều điều kiện trang bị nghệ thuật viết tiểu thuyết. Do đó, sáng tác của ông chưa xây dựng được nhân vật điển hình đặc sắc về người công nhân mỏ. Tuy nhiên, lối viết chân thật mộc mạc cũng đã cho thấy Võ Huy Tâm có nhiều cố gắng trong việc khắc họa chân dung những người thợ mỏ. Không chỉ có “Vùng mỏ” hay “Những người thợ mỏ” mà đến tận “Đi lên đi” (1971), “Vỉa than lớn” (1983), Võ Huy Tâm vẫn ưa kiểu khắc họa nhân vật tập thể. Được khai thác theo kiểu quan hệ đồng đại, nhân vật của Võ Huy Tâm như đang dàn hàng ngang để nắm giữ những vị trí quan trọng trong công cuộc chiến đấu và sản xuất dựng xây Vùng mỏ. Ở đó, nhân vật thợ mỏ nổi bật lên phẩm chất gắn bó mật thiết với những mối quan hệ và tình cảm truyền thống đã hình thành trong tâm lý và tình cảm dân tộc. Nhưng vì chú tâm vào nhân vật tập thể, cái "ta" lấn át cái "tôi" nên Võ Huy Tâm thiếu đi những điển hình sống động. Nhân vật thường nhất phiến, đơn điệu, không gây được ấn tượng mạnh.
Sau Võ Huy Tâm là Hoàng Văn Lương, người cả đời cầm bút viết đến khi không còn hơi sức, nằm trên giường bệnh mới thôi. Hoàng Văn Lương viết khá sớm, thuộc lớp lứa ngay sau nhà văn Võ Huy Tâm. Những trang viết của ông thực sự được bạn đọc, bạn thợ yêu thích vì nó chân thật, cần lao, khắc khổ, bụi bặm, cam chịu, nhu mì, mực thước được rút ra từ gan ruột ông. Vào đầu những năm bảy mươi với truyện ngắn “Trong buồng lái chật hẹp của tôi” và “Người đồng nghiệp”. Ông còn để lại ở dạng bản thảo bốn tập tiểu thuyết. Nhân vật xuyên suốt trong các trang viết của ông là những chàng lái xe, lái máy mỏ vạm vỡ mạnh mẽ, ngang tàng, vụng về nhưng tốt bụng, độ lượng, tích cực, sẵn sàng giúp đỡ bạn bè, giúp đỡ đồng nghiệp, tận tụy với công việc có khi quên bản thân mình; là những cô gái mắt đen láy, hàm răng trắng đều, làm thống kê, sửa đường, tải than, bấm máy và khi cần được điều đi kéo cáp, đốt lửa chống mù trong mưa rét. Họ gắn bó đêm ngày với tầng, với máy, với những tuyến đường chằng chịt dấu xe và loang lổ vết dầu loang. Cảnh sản xuất trên khai trường, trong xưởng máy... hiện lên rộn rã âm thanh, bộn bề chi tiết thực.
Cũng như Võ Huy Tâm, nhà văn tiền bối của đất mỏ, Tô Ngọc Hiến từng là thợ mỏ đích thực đam mê tận cùng với văn chương. Tô Ngọc Hiến sáng tạo hết mình đã để lại những tác phẩm giá trị về Vùng mỏ về người thợ mỏ như: “Người kiểm tu”, “Mùa than trôi”, “Hãy cho tôi sống lại" (tiểu thuyết, 1988), “Trên bến bờ riêng khuất” (truyện vừa, 1992), “Đứa con của hồng thủy” (truyện vừa, 1996). Tô Ngọc Hiến đi sâu vào mảng truyện ngắn viết về người thợ mỏ, cụ thể là thợ cơ khí, lái xe vận chuyển than đất trên tầng. Tô Ngọc Hiến viết về người thợ mỏ với tất cả tấm lòng thủy chung và tha thiết.
Một nhà văn khác dù đã chia tay Quảng Ninh về Bắc Ninh, sau đó về Hà Nội công tác, nhưng Vùng mỏ vẫn là nỗi nhớ niềm thương mến trải lên trang viết, đó là Nguyễn Thị Ngọc Tú. Vùng than hiện ra như một miền đất hứa, đầy mới mẻ và háo hức. Đọc Nguyễn Thị Ngọc Tú, độc giả nhận ra cái không khí lao động sản xuất chiến đấu đang hừng hực ở Vùng mỏ lúc bấy giờ.
Từ những năm cuối thế kỷ XX trở đi, văn học tiếp cận đề tài công nhân mỏ ở khía cạnh đổi mới tư duy, đổi mới phương thức quản lý kinh tế, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào sản xuất khai thác than. Giữa những bộn bề của Vùng mỏ mới giải phóng, hay những khó khăn của thời kỳ giữa thập niên 80-90 của thế kỷ trước, hoặc sự hội nhập thời kỳ đổi mới với những đổi thay to lớn của vùng than, ở đó luôn có sự đấu tranh giữa tốt và xấu, cái thiện và cái ác, cái mới và cái cũ là chỗ cho nhân vật đa diện xuất hiện. Hàng loạt nhà văn lao vào địa hạt này như: Sỹ Hồng, Lý Biên Cương, Nguyễn Sơn Hà, Võ Khắc Nghiêm, Nam Ninh, Phan Thanh v.v.. Nhiều nhà văn xuất thân từ công nhân mỏ hoặc gắn bó sâu sắc với người thợ đã cho ra đời những tác phẩm hay như: Sỹ Hồng với “Trái chua”, “Miền thương nhớ”, “Thành phố thời mở cửa”; Lý Biên Cương với “Một kiếp đàn ông”, “Than con gái”, “Đêm ấy vùng than ai thức”; Nguyễn Sơn Hà với “Thời gian đang đi”, “Dưới chân núi Đục”; Võ Khắc Nghiêm với “Mảnh đời của Huệ” và “Huyết thống”; Vũ Thảo Ngọc với “Từ lòng mỏ tới những chân trời khác” và “Khúc hát người thợ mỏ”, Trần Tâm với “Người kế nghiệp”, “Đất bỏng” và “Miền nắng đỏ”; Bùi Văn Phúc với “Chiều tà” và “Vàng đen lấp lóa” v.v.. Những tác phẩm đó đã viết về người thợ một cách chân thực, góp phần làm sáng lên tâm hồn những người thợ mỏ.
Thế giới nhân vật thợ mỏ bắt đầu phong phú và đa diện hơn với Nguyễn Sơn Hà. Hàng loạt tác phẩm của ông đã ra đời, trong đó nổi bật nhất là 3 cuốn tiểu thuyết viết về công nhân mỏ như: “Thời gian đang đi” (1983), “Dưới chân núi Đục” (1985), “Giữa hai huyền thoại” (1988). Bên cạnh đó còn có các tập truyện ngắn khác như: “Gió tươi” (tập truyện ngắn, 1974), “Người mới đến” (tập truyện ngắn, 1984), “Dòng chữ cuối cùng” (tập truyện, 1987), “Chúa của muôn hoa” (tập truyện, 1992).v.v. Cuốn tiểu thuyết tiêu biểu nhất của Nguyễn Sơn Hà là “Thời gian đang đi”. Ông đã chọn bối cảnh để cho các nhân vật xuất hiện là một mỏ than có tên gọi Cao Sơn Hạ. Ở đó, hàng loạt những khó khăn được đặt ra, những chướng ngại vật cần phải gạt bỏ để có thể đưa sản lượng khai thác than tăng cao. Cũng từ đây, chân dung những người thợ làm than đã nổi bật lên. Trong đó những nhân vật trung tâm là những công nhân mỏ ở tuổi thanh niên có trình độ chuyên môn, được đào tạo bài bản như: Hoàng, Kim, Vóc, Duyên. Họ vượt qua những khó khăn thử thách trong công việc bằng chính cái vốn chuyên môn về khoa học kỹ thuật đã được đào tạo.
Nhà văn Nguyễn Sơn Hà hơn hẳn Võ Huy Tâm ở chỗ không quá chú tâm vào miêu tả ngoại hình nhân vật mà ông đi sâu khai thác, phản ánh diễn biến tâm lý của những nhân vật. Vì thế nhân vật của ông có tâm lý tính cách phức tạp, đa tuyến. Đến Nguyễn Sơn Hà, mẫu hình nhân vật nguyên phiến đã ít đi; đồng thời xuất hiện nhiều nhân vật hai mặt, phức tạp, phân mảnh.
Một đại diện khác là Nam Ninh. Ông viết truyện ngắn đầu tiên “Con cá măng” khi còn là anh thợ dựng cột, kéo dây ở Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí. Sau đó là gần chục tập truyện với hàng trăm truyện ngắn được bạn đọc đón nhận. Nam Ninh là nhà văn của công nhân ở khía cạnh những gì bình dị đời thường nhất. Năm 1993, tập “Khoảng trống đêm tất niên” của Nam Ninh ra đời, được trao giải B giải thưởng “Văn học công nhân” lần thứ 6 năm 1996. Ở đó có đau thương chết chóc, có cái ác liệt của bom Mỹ, có sự vô tư của ông quản đốc, cái nghèo khó trong đời sống tem phiếu, một sự cố mất điện, một bức thư ngoại tình của đồng nghiệp được giấu đi không khai báo v.v.. Nhưng vượt qua tất cả những hiểm nguy, khó khăn, thói đố kỵ, những nhỏ nhen đời thường, người thợ vẫn vào ca để hoàn thành nhiệm vụ, đúng như tên gọi của truyện này “Chúng tôi đi vào nhà máy”. Truyện của Nam Ninh làm bật lên cái không khí lao động sản xuất và chiến đấu hối hả ở Vùng mỏ, cụ thể là ở Nhà máy điện Uông Bí.
Viết một cách lãng mạn và tài hoa là Lý Biên Cương. Có thể nói suốt cuộc đời, nhà văn Lý Biên Cương gắn bó với Vùng mỏ và những người thợ mỏ với di sản văn học khá đồ sộ: “Người đãi vàng” (1972), “Người tôi yêu mến” (1974), “Bây giờ ta lại nói về nhau” (1976), “Tháng giêng” (1979), “Gắn bó” (1982), “Quả trong lòng tay” (1984), “Bây giờ trăng khuyết” (1990). Nhà văn Nguyễn Trí Huân nhận xét: “Mặc dù cả đời ông chỉ gắn bó với vùng than, chỉ viết về than, về đất và người Vùng mỏ nhưng do mỗi tác phẩm của ông đều tích tụ nhiều sự chiêm nghiệm sâu xa về cuộc đời nên nó luôn có sức toả sáng đến mọi miền đất nước”. Nhân vật của ông luôn có sức nóng của sự lan tỏa. Văn của Lý Biên Cương như ký gửi tấm lòng người viết với bao cốt truyện xảy tới, thành công có, thất bại có. Nó góp phần cùng bản đồng ca của người viết, ca lên những vất vả, lo toan, của những người thợ lao động cần lao. Lý Biên Cương có khả năng thâm nhập sâu vào đời sống nội tâm của nhân vật để phản ánh được cả những góc khuất của nó. Ông đã tạo ra một lối viết rất riêng dựa trên sự kết hợp rất nhuần nhuyễn giữa chất hiện thực với chất lãng mạn bay bổng khi miêu tả cuộc sống. Nói đúng hơn, nhà văn luôn tìm tòi, khai thác những nét lấp lánh thi vị của cuộc sống từ những chi tiết về tính cách, về mối quan hệ giữa con người với con người v.v.. hết sức dung dị trong đời thường. Đọc truyện của ông, người đọc như được hoà vào không khí chung của cuộc sống lao động sản xuất xây dựng đời sống công nghiệp từ những buổi ban đầu của con người và thiên nhiên Vùng mỏ.
Mới hơn Võ Huy Tâm, Nguyễn Sơn Hà, Lý Biên Cương và Nam Ninh là Võ Khắc Nghiêm. Xuất thân nghề cơ điện mỏ, cả đời gắn bó với vùng than và người thợ mỏ, để rồi khi chuyển sang cầm bút viết văn, Võ Khắc Nghiêm như hòn than cháy hết mình, tỏa ra thứ nhiệt lượng mãnh liệt. Những năm tháng ở Quảng Ninh đã trang bị cho Võ Khắc Nghiêm không chỉ vốn sống, tri thức mới mà còn nâng tầm nhìn cao rộng hơn. Nhờ vậy, khi động đến những mảng đề tài khác trong cuộc sống, ngòi bút Võ Khắc Nghiêm vẫn dễ dàng “tung hoành”. Hàng loạt tác phẩm của ông đã đua nhau ra đời, phần lớn trong số đó là tiểu thuyết như: “Nhân danh công lý”, “Mười sáu tấn vàng”, “Cướp ngày”, “Sự huyền diệu của tình yêu”, “Đại dương trong mắt em”, “Người tình 15 năm”, “Phúc họa đời người”, “Trăng lạnh Hạ Long” v.v..
Sau Võ Khắc Nghiêm còn có Trần Tâm, Vũ Thảo Ngọc, Trần Ngọc Dương, Bùi Văn Phúc và nhiều cây bút khác, những người trước khi cầm bút đều là thợ mỏ. Các trang văn đã hiện diện một đội ngũ công nhân đa dạng, đa tính cách, đa số phận với mức độ thể hiện nông sâu khác nhau. Cả những nhà văn được cấy vào Vùng mỏ sống cùng người thợ là những thợ mỏ cầm bút viết văn đều phải thừa nhận một thực tế hiện nay là viết về thợ mỏ rất khó, chính là khó bởi sự hiểu biết còn mỏng, cách thể hiện còn đơn giản và chưa thể súc tích.
Khoảng chừng hơn chục năm lại đây, ngoài bộ tiểu thuyết “Đất bỏng” của Trần Tâm, người ta ít thấy có những tác phẩm viết về thợ mỏ thực sự tạo được tiếng vang trong công chúng. Không phải vô cớ mà mỗi khi có một công trình, luận văn hay chuyên luận nào đó về hình tượng người thợ mỏ, thì hầu như đều lấy tư liệu từ các tác phẩm, tác giả trong quá khứ, rất ít đề cập đến văn học viết về thợ mỏ ngày hôm nay. Họa chăng có một người theo đuổi đề tài này bền bỉ nhất có lẽ là Trần Tâm với “Người kế nghiệp”, “Đất bỏng” và “Miền nắng đỏ”.
Thế nhưng, văn xuôi Quảng Ninh đang tồn tại một nghịch lý, đó là đề tài, chất liệu vô cùng phong phú nhưng dường như rất thiếu những cây bút lực lưỡng, thiếu những tác phẩm đỉnh cao, nhất là tác phẩm viết về công nhân mỏ. Có lẽ, nguyên nhân cũng một phần xuất phát từ sự chuyển hướng trong đề tài khai thác của văn xuôi Việt Nam nói chung. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, sau ngày nước nhà thống nhất, trong văn xuôi Việt Nam, đề tài công nhân mờ dần nhường chỗ cho những đề tài thời hậu chiến. Thậm chí, mấy năm lại đây, có người đã báo động về tình trạng thiếu vắng tác phẩm có chất lượng viết về đề tài công nhân. Không ít tờ báo đã báo động cảnh độc giả, nhà nghiên cứu “Đốt đuốc đi tìm văn học công nhân” mà không thấy tác phẩm ưng ý.
Nói là nói vậy, nhưng nguyên nhân đầu tiên vẫn nằm ở yếu tố con người. Văn xuôi Quảng Ninh đang có hẫng hụt rất lớn từ lực lượng kế cận. Có lúc niềm hy vọng được nhen nhóm lên khi lực lượng sáng tác trẻ ở Quảng Ninh xuất hiện một vài cây bút như: Uông Triều, Nguyễn Thanh Nga, Đinh Phương, Cao Nguyệt Nguyên, Quỳnh Giao, Hàn Băng Vũ, Vũ Thanh Vân, Trần Thị Loan, Nguyễn Tiến Kim Thu, Trần Thị Thu Trang, Trần Minh Phượng. Tuy nhiên, trên con đường văn chương vốn có quá nhiều lối rẽ, không ít người trong số các cây bút trẻ đó đã dừng bước, chuyển hướng sang làm việc khác hay có người vẫn viết nhưng dần đánh mất đi cái xông xáo buổi ban đầu. Có người viết nhưng đã cạn vốn, mãi quẩn quanh với lối đi quen thuộc dễ tạo cảm giác nhàm chán cho người đọc. Bởi vậy, để kế thừa, phát triển thành quả của các nhà văn đi trước, xây dựng diện mạo mới cho văn xuôi Quảng Ninh, các cây bút trẻ vẫn còn cần thêm thời gian và nỗ lực.
Nhà văn Dương Hướng, Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi, Hội Nhà văn Việt Nam, cho biết: Chúng ta phải thừa nhận, đội ngũ sáng tác văn học tỉnh nhà hiện nay đa phần ở lớp già đã nghỉ hưu có điều kiện, có thời gian. Còn lớp trẻ thì lại có tư duy khác, họ được đào tạo bài bản, với xu thế thời đại họ phải viết khác, phải đổi mới. Muốn có những tác phẩm hay trong tương lai, lực lượng sáng tác trẻ hôm nay rất cần được đào tạo bài bản.
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()