Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 08:04 (GMT +7)
Hội nghị Ủy ban công tác liên hợp lần thứ 14
Thứ 4, 22/02/2023 | 12:15:00 [GMT +7] A A
Trong khuôn khổ chương trình “Gặp gỡ đầu xuân 2023”, sáng 22/2, đã diễn ra Hội nghị lần thứ 14 Ủy ban Công tác liên hợp giữa các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang (Việt Nam) và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc).
Hội nghị do Chủ tịch Ủy ban công tác liên hợp song phương gồm 4 đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) 4 tỉnh của Việt Nam và Phó Chủ tịch Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) đồng chủ trì. Dự hội nghị, về phía tỉnh Quảng Ninh có đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ngành và địa phương liên quan.
Cơ chế hợp tác của Ủy ban công tác liên hợp giữa 4 tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang (Việt Nam) với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các cơ quan Trung ương hai nước Việt Nam – Trung Quốc đánh giá cao; được coi là cơ chế hợp tác, giao lưu kiểu mẫu cấp địa phương biên giới. Đánh giá lại kết quả thực hiện các nội dung trong bản ghi nhớ tại Hội nghị Ủy ban công tác liên hợp lần thứ 13 năm 2022, các bên đều thống nhất, mặc dù bị ảnh hưởng không nhỏ của đại dịch Covid-19 song các tỉnh/khu đã có những nỗ lực sáng tạo, linh hoạt, thay đổi phương thức để duy trì hợp tác và đã đạt được một số kết quả nhất định. Hoạt động giao lưu, hợp tác giữa các bên ngày càng toàn diện và đi vào thực chất, mang lại lợi ích thiết thực.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh trên cơ sở các nội dung hợp tác, các văn kiện đã ký kết tại Gặp gỡ đầu xuân 2022 và Hội nghị lần thứ 13 của Ủy ban công tác liên hợp, dưới sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Khu ủy, chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng, địa phương tương ứng hai bên đã tích cực triển khai cụ thể hóa thông qua những hoạt động hợp tác thiết thực, hiệu quả trên các lĩnh vực.
Trong đó, các cơ quan chức năng của hai tỉnh - khu đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, phòng chống xuất nhập cảnh và vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới. Thống nhất các hoạt động hợp tác thương mại trong bối cảnh dịch bệnh, triển khai xây dựng các công trình biên giới, khôi phục hoạt động xuất nhập khẩu, thuận lợi hoá thông quan, thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa hai chiều qua cầu Bắc Luân II, cầu phao tạm Móng Cái - Đông Hưng. Bên cạnh đó, phối hợp triển khai có hiệu quả “Thỏa thuận khung về hợp tác xét nghiệm và điều trị Covid-19 cho người xuất cảnh, nhập cảnh qua các cửa khẩu đường bộ giữa Quảng Ninh và Quảng Tây”.
Tỉnh Quảng Ninh đã thiết lập, tổ chức hiệu quả “Vùng xanh an toàn” và thực hiện các giải pháp phòng chống dịch ở mức cao nhất, nhằm giữ vững an toàn khu vực cửa khẩu, lối mở. Đây là tiền đề quan trọng khôi phục thông quan hàng hoá qua cửa khẩu, lối mở, đảm bảo duy trì hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá giữa hai tỉnh - khu. Với các giải pháp được triển khai một cách đồng bộ, năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới của tỉnh Quảng Ninh đạt gần 3,3 tỷ USD. Đặc biệt, cuối năm 2022, hai tỉnh - khu đã khôi phục được các hoạt động trao đổi đoàn trực tiếp, giao lưu hữu nghị chúc Tết Nguyên đán, giao lưu văn hoá – thể thao giữa các địa phương biên giới hai bên.
Về định hướng hợp tác trong năm 2023, đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị tỉnh Quảng Ninh và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây tập trung triển khai một số nội dung liên quan đến quan hệ thương mại, đầu tư, mở, nâng cấp cửa khẩu, thuận lợi hóa thông quan và một số nội dung quan trọng khác.
Qua trao đổi, hội đàm, các tỉnh/khu thể hiện sự thống nhất, xác định cơ chế hợp tác của Ủy ban công tác liên hợp là cơ chế quan trọng cần thiết, để thúc đẩy nhau cùng phát triển. Để lan tỏa chủ đề hợp tác năm 2023, 5 tỉnh/khu quyết tâm khắc phục khó khăn, chủ động thích ứng, hiện đại hóa các nội dung hợp tác, tăng cường giao lưu hội đàm đối thoại bằng nhiều phương thức linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với tình hình mới.
Trong đó, tăng cường trao đổi thông tin, hợp tác trên lĩnh vực y tế công cộng; thúc đẩy khôi phục lại hoạt động xuất/nhập cảnh, thông quan hàng hóa; nghiên cứu đề xuất các giải pháp hiệu quả có chiều sâu trên các lĩnh vực hợp tác như văn hóa, giáo dục, thể thao, du lịch, nông nghiệp, KHCN giữa 5 tỉnh/khu… Từ đó, tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện, phát huy tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương, tạo sự liên kết bền vững trên cơ sở cùng có lợi, góp phần xây dựng khu vực biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()