Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 00:29 (GMT +7)
Hội nghị trực tuyến về phòng chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò
Thứ 5, 27/05/2021 | 13:45:07 [GMT +7] A A
Ngày 27/5, Bộ NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Tại điểm cầu Quảng Ninh, đồng chí Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, chủ trì.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò xuất hiện lần đầu tại Việt Nam vào tháng 10/2020. Đến ngày 25/5/2021, dịch bệnh đã xảy ra tại 2.306 xã của 32 tỉnh, thành phố với tổng số 60.176 con gia súc mắc bệnh và 9.539 con gia súc chết và tiêu hủy. Dịch bệnh xảy ra nặng nhất tại tỉnh Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Bình, Nghệ An. Nguy cơ dịch bệnh viêm da nổi cục tiếp tục phát sinh và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao do: Thời tiết thay đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho các vật chủ trung gian truyền bệnh phát triển; một số địa phương chưa triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tỷ lệ tiêm phòng vắc xin viêm da nổi cục còn thấp, trong khi tối thiểu 21 ngày sau tiêm vắc xin mới đáp ứng miễn dịch phòng bệnh hiệu quả.
Cũng theo Bộ NN&PTNT, Bộ đã cho phép 2 doanh nghiệp nhập khẩu 3 loại vắc xin của 3 nhà sản xuất tại Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập, số lượng là 4,12 triệu liều, bảo đảm đủ số lượng tiêm phòng cho trên 50% tổng đàn trâu, bò Việt Nam. Kể từ tháng 12/2020 đến nay, đã tiêm phòng được trên 2 triệu liều vắc xin tại 33 tỉnh, thành phố và 28 cơ sở chăn nuôi.
Các địa phương thực hiện tốt công tác tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục, đạt trên 80% tổng đàn thuộc diện tiêm như: Sơn La, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Nghệ An… Nhờ đó, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, số ổ dịch đã giảm rõ rệt từ 30 đến 60%, không phát sinh thêm gia súc mắc bệnh.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, tháng 11/2020, phát sinh dịch bệnh tại khu Minh Hòa, phường Đông Mai (TX Quảng Yên). Đầu năm 2021, ca bệnh đầu tiên phát sinh là tại thôn Nà Sa, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu. Tính đến ngày 25/5, dịch đã xảy ra tại 113 hộ/64 thôn, khu; 39 xã, phường ở 8 huyện, thị xã, thành phố. Tổng số gia súc mắc bệnh là 217 con, đã có 61 con bị tiêu hủy. Trên địa bàn tỉnh, hiện có TX Đông Triều đã qua 35 ngày và huyện Đầm Hà đã qua 20 ngày không phát sinh ca bệnh mới.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh viêm da nổi cục như các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác; quản lý chặt chẽ, không di chuyển số trâu, bò đã khỏi triệu chứng lâm sàng ra khỏi vùng dịch trong khoảng thời gian tối thiểu 30 ngày. Cùng với đó, đôn đốc các địa phương gấp rút hoàn thành kế hoạch tiêm vắc xin đảm bảo tỷ lệ trên 90% tổng đàn; tổ chức tuyên truyền sâu rộng về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng chống dịch, nhấn mạnh vào nguy cơ lây lan dịch nhanh, rộng, gây tổn thất về kinh tế rất lớn…
Kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã ghi nhận những nỗ lực phòng chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò ở tất cả các địa phương trên cả nước. Thứ trưởng cũng yêu cầu, các địa phương tiếp tục quyết liệt các giải pháp để phòng chống dịch bệnh, xử lý dứt điểm các ổ dịch theo đúng quy định, không để ổ dịch lây lan kéo dài. Đồng thời, tổ chức tốt việc tiêm vắc xin; giám sát chặt chẽ việc buôn bán trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc; hướng dẫn chủ chăn nuôi tăng cường các biện pháp phòng dịch như vệ sinh, tiêu độc, khử trùng; kịp thời cung cấp các thông tin về tình hình dịch bệnh và đẩy mạnh tuyên truyền về các biện pháp phòng chống dịch bệnh…
Vân Anh
Liên kết website
Ý kiến ()