Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 21:28 (GMT +7)
Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quy hoạch
Thứ 4, 02/03/2022 | 13:52:31 [GMT +7] A A
Ngày 2/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, tham vấn về định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Dự tại điểm cầu Quảng Ninh có các đồng chí: Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.
Thực hiện Luật Quy hoạch, Chính phủ đang xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia và Quy hoạch không gian biển quốc gia để trình Quốc hội phê duyệt; các bộ, ngành xây dựng quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và các địa phương xây dựng quy hoạch tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Để đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo xuyên suốt, trong đó đề ra mục tiêu hoàn thành việc lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 theo quy định của pháp luật về quy hoạch trước ngày 31/12/2022.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, hiện mới lập được gần 10% quy hoạch cần phải lập trong hệ thống toàn quốc. Tiến độ này là rất chậm so với yêu cầu, quy định của luật pháp. Cụ thể, đến nay mới có 4/38 quy hoạch ngành quốc gia đã được phê duyệt và 14/38 quy hoạch ngành quốc gia đã lập xong, lấy ý kiến, trình thẩm định; quy hoạch của 5 vùng đang thực hiện và dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ tháng 12/2022.
Đối với quy hoạch tỉnh, hiện mới phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch 63 tỉnh, thành phố; riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chưa phê duyệt nhiệm vụ nên trong năm 2022 là thách thức, nhất là đối với cơ quan thẩm định.
Tại Quảng Ninh, tỉnh nhận thức được tầm quan trọng của công tác lập quy hoạch tỉnh, coi đó là quy hoạch nền tảng triển khai các quy hoạch chuyên ngành tại địa phương, là công cụ quan trọng để phân bổ nguồn lực theo cơ chế thị trường và thúc đẩy việc huy động các nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển, góp phần thực hiện các kế hoạch phát triển KT-XH… Vì thế, tỉnh đã chủ động tổ chức lập quy hoạch, thành lập Ban chỉ đạo, Hội đồng quy hoạch, mời các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế, quy hoạch xây dựng, biển, hải đảo tham gia làm cố vấn cao cấp.
Mục tiêu đến năm 2030, Quảng Ninh có cơ cấu kinh tế hiện đại, tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững, dựa trên sự phát triển mạnh của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ cao, du lịch đẳng cấp quốc tế và dịch chuyển sang các nguồn năng lượng xanh hơn… Từ đó, định hướng rõ 6 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”; nâng cao tay nghề lao động trên địa bàn tỉnh; thực hiện chuyển đổi số toàn diện; cải thiện chất lượng cuộc sống; trở thành đầu mối giao thông quan trọng của cả nước; tăng cường hợp tác quốc tế và 2 khâu đột phá là chuyển đổi số và phát triển bền vững.
Định hướng phát triển không gian là: “Một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, 3 vùng động lực phát triển, 2 vành đai đô thị ven biển và vùng đồi”. Phấn đấu đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với 7 đơn vị hành chính cấp quận. Phát triển tỉnh trở thành trung tâm kinh tế biển đứng đầu các tỉnh ven biển phía Bắc, đạt đẳng cấp khu vực và thế giới về phát triển đô thị biển, công nghiệp biển, du lịch dịch vụ biển và dịch vụ hàng hải.
Tiến độ lập quy hoạch của Quảng Ninh đang bám sát lộ trình. Tỉnh đã ký hợp đồng tư vấn với các đơn vị tư vấn; các sở, ngành, chủ động cung cấp các nội dung tích hợp quy hoạch tỉnh; tổ chức nhiều cuộc họp và khảo sát chuyên ngành.
Đến nay, Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh đã cơ bản hoàn thành, dự kiến gửi xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương, địa phương lân cận trước ngày 6/3/2022; trình Hội đồng thẩm định và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phấn đấu hoàn thành trong quý II/2022.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Tiến độ lập quy hoạch vẫn chưa được như kế hoạch đề ra và chất lượng còn nhiều băn khoăn là do tác động của dịch Covid-19; cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quy hoạch còn nhiều yếu kém. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan vẫn là chính, khi nhận thức về công tác quy hoạch của một số bộ, ngành, địa phương chưa đúng tầm; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số nơi chưa đúng mức; đầu tư cho công tác quy hoạch còn hạn chế, nhất là bố trí nguồn lực con người; việc tổ chức xây dựng, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chưa chủ động, khoa học, hợp lý, mang lại hiệu quả cao; các quy định hiện hành trong luật, nghị định còn vướng mắc.
Nhấn mạnh hai điểm mấu chốt trong công tác lập quy hoạch là đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu nâng cao chất lượng quy hoạch, Thủ tướng nêu rõ, trước hết phải nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác quy hoạch. Quy hoạch phải đi trước một bước, sát thực tế, khả thi, khai thác, chỉ ra, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của các lĩnh vực, khu vực, địa phương và tháo gỡ, hóa giải những hạn chế, yếu kém, mâu thuẫn, thách thức, khó khăn. Muốn phát triển tốt thì phải có quy hoạch tốt, vì quy hoạch tốt thì mới có chương trình, dự án tốt, có chương trình, dự án tốt thì mới có nhà đầu tư tốt.
Thủ tướng yêu cầu phải xác định công tác quy hoạch là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của năm 2022, bám sát Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, văn bản, chỉ đạo của Trung ương. Cùng với đó, tăng cường sự giám sát, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền và các cơ quan dân cử trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch.
Thủ tướng lưu ý không cầu toàn, cũng không nóng vội trong công tác quy hoạch, phải có phương pháp luận, cách tiếp cận mới, tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược. Quy hoạch phải có tính chất lâu dài, ổn định nhưng không bất biến, bám sát thực tiễn để điều chỉnh khi cần thiết, đề xuất được cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững.
Thủ tướng nhấn mạnh, quy hoạch cần phát huy cao độ tính độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, tự vươn lên của mỗi lĩnh vực, khu vực, địa phương và của cả quốc gia, kết hợp hài hòa giữa độc lập, tự chủ và đẩy mạnh hội nhập sâu rộng, giữa nội lực và ngoại lực, lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá.
Về tổ chức thực hiện, Thủ tướng lưu ý phải lựa chọn những nhà thầu tư vấn tốt cả trong nước và ngoài nước, lắng nghe ý kiến nhiều chiều từ chuyên gia, nhà khoa học; công tác thông tin, tuyên truyền, công khai, minh bạch trong quy hoạch; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia hiện đại, thuận lợi cho việc khai thác, sử dụng chung; công tác công bố, quản lý quy hoạch đúng quy định, thực chất, chống hình thức…
Cần tính toán, nghiên cứu, xây dựng quy hoạch vùng, ngành, quốc gia trong gắn kết với sự phát triển của khu vực và toàn cầu, lựa chọn vị trí "mắt xích" nào trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị để phát huy lợi thế, cơ hội, tiềm năng, nâng cao hiệu quả cạnh tranh toàn cầu của đất nước…
Ngay sau cuộc họp của Chính phủ, phát biểu chỉ đạo công tác tham gia ý kiến vào Quy hoạch tổng thể quốc gia, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Quy hoạch là căn cứ quan trọng trong triển khai phát triển KT-XH. Thực tế không có quy hoạch thì rất khó trong thu hút đầu tư, huy động nguồn lực một cách bài bản, hiệu quả cao nhất; không tạo được môi trường thuận lợi cho đầu tư phát triển KT-XH; không khai thác được tối đa tiềm năng, cơ hội nổi trội, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh.
Do vậy, Quảng Ninh triển khai quy hoạch bài bản, thận trọng, trên cơ sở kế thừa và phát triển, phát huy hiệu quả các lợi thế như kinh tế biển, trọng điểm logistics, điểm trung chuyển chiến lược Asian với Trung Quốc từ các lợi thế hạ tầng đồng bộ, hiện đại… Trên cơ sở đó, đồng chí yêu cầu các đơn vị phải nâng cao chất lượng ý kiến tham gia đóng góp vào Quy hoạch tổng thể quốc gia, đặc biệt Quy hoạch không gian biển quốc gia. Lưu ý, bày tỏ rõ quan điểm, lợi thế vượt trội, so sánh, đóng góp của kinh tế biển Quảng Ninh với khu vực, với không gian biển quốc gia.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()