Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 04:54 (GMT +7)
Triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025
Thứ 6, 05/08/2022 | 15:29:56 [GMT +7] A A
Ngày 5/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM, chủ trì hội nghị. Đồng chí Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì tại điểm cầu tỉnh Quảng Ninh.
Đến 2025, cả nước phấn đấu có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM. Trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và không còn xã dưới 15 tiêu chí. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020; 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; từ 17-19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 60% số thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn NTM.
So với giai đoạn 2016-2020, Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 bổ sung thêm một số mục tiêu phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và cấp thôn đạt chuẩn NTM. Đồng thời, để cụ thể hóa mục tiêu phấn đấu xây dựng NTM các cấp (tỉnh, huyện, xã) theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu) đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021 về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 cho từng vùng, miền, làm cơ sở để các địa phương xác định mục tiêu cụ thể và triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Tại Quảng Ninh, đến nay 100% xã đạt chuẩn NTM, 48,9% xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 22,4% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đối với cấp huyện, toàn tỉnh có 9/13 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tập trung thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu theo Bộ Tiêu chí NTM cấp xã, huyện giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu trong năm 2022, tỉnh Quảng Ninh sẽ có 4 đơn vị cấp huyện gồm TP Hạ Long và các huyện Vân Đồn, Bình Liêu, Ba Chẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 2 đơn vị cấp huyện là Đầm Hà, Tiên Yên đạt chuẩn NTM nâng cao và tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Hiện, Quảng Ninh cũng nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước, với tỷ lệ 0,41%. Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) của tỉnh được tập trung triển khai đạt hiệu quả cao và có sức lan tỏa mạnh, đến nay toàn tỉnh có 499 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM, nhấn mạnh tới tầm quan trọng của Chương trình MTQG xây dựng NTM trong chuyển đổi nền nông nghiệp, nâng cao chất lượng sống cho người dân nông thôn, mang lại giá trị bền vững cho nông thôn trong giai đoạn mới. Chương trình giai đoạn 2021-2025 được thiết kế không chỉ chú trọng việc xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, mà còn chú trọng nhiều đến phát triển kinh tế, phát huy văn hóa truyền thống, giữ gìn bản sắc nông thôn, nâng cao năng lực cộng đồng, cư dân trong xã hội nông thôn. Do đó, cần thay đổi cách tiếp cận chương trình với tư duy mới, xây dựng NTM phát triển hài hòa, thân thiện với môi trường thiên nhiên, với không gian làng quê nông thôn. Mỗi địa phương dựa vào đặc điểm của mình sẽ tạo ra sự đa dạng trong nông thôn.
Các địa phương cần chú ý quan tâm phát triển kinh tế nông thôn, tạo ra cơ hội việc làm cho lao động nông thôn; phát triển du lịch nông nghiệp để thu hút người đô thị về nông thôn, góp phần quảng bá hình ảnh làng quê gắn với tiêu thụ nông sản, sản phẩm làng nghề, thay đổi nếp sống nông thôn theo hướng văn minh.
Sau hội nghị, Bộ NN&PTNT sẽ chia nhỏ những vấn đề cần làm, đặc biệt ở những khu vực đặc thù để có những tư vấn, hướng dẫn sâu. Mỗi vùng, Bộ sẽ có cách tiếp cận để mỗi địa phương thấy rằng dù khó khăn về hạ tầng nhưng họ có giá trị sinh thái, văn hóa cao…, từ đó, kích hoạt được những giá trị chứ không chỉ trông vào nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng.
Minh Hiền - Phạm Hưng
Liên kết website
Ý kiến ()