Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 19:24 (GMT +7)
Triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025
Thứ 5, 21/04/2022 | 14:17:43 [GMT +7] A A
Sáng 21/4, đồng chí Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (GNBV) giai đoạn 2021-2025. Dự tại điểm cầu Quảng Ninh có đồng chí Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Theo báo cáo tại hội nghị, đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, mục tiêu đặt ra đến năm 2025, cả nước có 80% số xã đạt chuẩn NTM; 50% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM; 60% thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn được công nhận đạt chuẩn NTM. Cả nước có từ 17-19 tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, tăng từ 12-17 tỉnh, thành phố so với hiện nay. Dự kiến ngân sách bố trí cho chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 tối thiểu đạt 196.332 tỷ đồng.
Về Chương trình GNBV giai đoạn 2021-2025, mục tiêu tổng quát là thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Chương trình đặt mục tiêu hàng năm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm 1-1,5%, hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3%, hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm 4-5%; trong cả giai đoạn sẽ có 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện chương trình tối thiểu là 75.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, tạo động lực, đồng thời huy động tối đa các nguồn lực thực hiện mục tiêu GNBV.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nhấn mạnh trách nhiệm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia chủ yếu nằm ở các tỉnh, thành phố. Do đó, các địa phương phải tập trung quán triệt, chỉ đạo triển khai đồng bộ, toàn diện tất cả các nội dung, yêu cầu của từng chương trình mục tiêu quốc gia; ưu tiên bố trí ngân sách, huy động tối đa các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tuyên truyền để bảo đảm triển khai hiệu quả các chương trình; đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phản biện kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Trong tháng 5/2022, các bộ, ngành chủ quản phải khẩn trương ban hành các thông tư hướng dẫn, phê duyệt các chương trình chuyên đề, dự án thành phần, đồng thời, xây dựng kế hoạch lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia.
Tôn Vũ
Liên kết website
Ý kiến ()