Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 16:38 (GMT +7)
Hội nghị trực tuyến “Phát triển kinh tế dưới tán rừng các tỉnh trung du miền núi phía Bắc”
Thứ 6, 03/12/2021 | 16:44:56 [GMT +7] A A
Sáng 3/12, tại tỉnh Lai Châu, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến “Phát triển kinh tế dưới tán rừng các tỉnh trung du miền núi phía Bắc”. Đồng chí Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu Quảng Ninh có các đồng chí: Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh.
Vùng Trung du miền núi phía Bắc có tổng diện tích rừng là 5,7 triệu ha, chiếm 39,6% tổng diện tích rừng toàn quốc. Tính đến năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng vùng Trung du miền núi phía Bắc khoảng 52,6%, cao hơn trung bình chung của cả nước (42,01%). Tổng trữ lượng rừng toàn vùng là 381.896 triệu m3 gỗ, chiếm 28,1% trữ lượng gỗ toàn quốc. Hệ sinh thái rừng miền núi phía Bắc là trung tâm của đa dạng sinh học với thành phần loài động thực vật phong phú, cung cấp nguồn nước, gỗ, lâm sản ngoài gỗ… , nơi hội tụ nhiều giá trị văn hóa, xã hội, du lịch đặc trưng.
Tại Quảng Ninh, diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm gần 70% diện tích tự nhiên, Quảng Ninh có nhiều tiềm năng, lợi thế và dư địa cho phát triển kinh tế dưới tán rừng. Do đó, thời gian qua, tỉnh đã thực hiện một số giải pháp quan trọng nhằm phát triển kinh tế dưới tán rừng. Dự kiến đến năm 2025 diện tích trồng rừng gỗ lớn toàn tỉnh là gần 12.900ha, trong đó có gần 9.000ha trồng và trên 3.800ha chuyển hóa.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đưa ra những ý tưởng, sáng kiến, giải pháp khai thác tiềm năng các giá trị của hệ sinh thái rừng.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định: Bộ sẽ quan tâm tháo gỡ những vấn đề về thể chế và có chương trình, đề án riêng về phát triển dưới tán rừng cho vùng Trung du miền núi phía Bắc. Đồng thời, khai thác tất cả các giá trị của rừng dựa trên 3 trụ cột: Tài nguyên bản địa, tinh hoa dân tộc và tinh hoa sáng tạo. Mặt khác, các địa phương phát triển bền vững dưới tán rừng đảm bảo có kiểm soát, có chương trình, không làm mất đi giá trị hiện hữu của rừng. Các địa phương cũng cần tạo thêm nguồn lực kinh tế dưới tán rừng thành một chuỗi ngành hàng, tích hợp giữa du lịch sinh thái, du lịch miền núi nhằm tạo thu nhập cho người dân.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()