Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 12:31 (GMT +7)
Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 6 (Khóa XIII)
Thứ 3, 06/12/2022 | 11:01:52 [GMT +7] A A
Tiếp tục chương trình Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ngày 6/12, các đại biểu tiếp tục nghe 2 chuyên đề là: "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; "Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050". Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư dự và chỉ đạo hội nghị tại điểm cầu Trung ương. Dự tại điểm cầu Trung tâm Tổ chức hội nghị tỉnh Quảng Ninh có các đồng chí: Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh.
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, truyền đạt chuyên đề “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trong đó, nhấn mạnh đến chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công nghiệp hóa, hiện đại hóa; kết quả thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam giai đoạn 2011-2020; quan điểm chỉ đạo, mục tiêu tầm nhìn và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, Nghị quyết số 29-NQ/TW về "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đã xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là: Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đời sống mọi mặt của nhân dân được nâng cao; xây dựng được nền công nghiệp quốc gia vững mạnh với năng lực sản xuất mới, tự chủ và có khả năng thích ứng, chống chịu cao, từng bước làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nền của các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn; nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ tiên tiến; các ngành dịch vụ được cơ cấu lại đồng bộ, hiệu quả trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số với chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh được nâng cao rõ rệt, hình thành được nhiều ngành dịch vụ mới, có giá trị gia tăng cao.
Nghị quyết cũng đã đưa ra tầm nhìn đến năm 2045: Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á.
Để thực hiện các mục tiêu đã đặt ra, Nghị quyết số 29-NQ/TW đã đề ra 10 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu bao phủ những vấn đề lớn từ đổi mới tư duy, nhận thức cho đến hoàn thiện thể chế, chính sách và giải quyết những điểm nghẽn, khắc phục những hạn chế trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa thời gian qua.
Cụ thể, đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường; nâng cao năng lực ngành xây dựng. Ðẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy đô thị hóa nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ và tạo động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phát triển các thành phần kinh tế nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Ðổi mới chính sách tài chính, tín dụng thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhanh, bền vững. Quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả, đi đôi với bảo vệ và phát triển thị trường trong nước. Phát huy giá trị văn hóa, bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam; xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; đội ngũ trí thức và doanh nhân xung kích, đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo đảm tốt an sinh xã hội.
Truyền đạt chuyên đề “Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam thông tin về thực trạng phát triển và tổ chức không gian phát triển đất nước trong thời gian qua; những định hướng chủ yếu của Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, việc xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 dựa trên các nguyên tắc, quan điểm sau: Nhận thức, quán triệt sâu sắc, đầy đủ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; bám sát và cụ thể hóa các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Không gian phát triển quốc gia phải được tổ chức khoa học, hiệu quả, thống nhất trên phạm vi cả nước, bảo đảm liên kết nội vùng, liên vùng trên cơ sở 6 vùng kinh tế-xã hội hiện nay và khai thác lợi thế so sánh của từng địa phương trong vùng và toàn vùng; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, nhất là tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên rừng và các loại khoáng sản. Bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và nâng cao chất lượng đa dạng sinh học; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phải cân đối, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tổ chức không gian phát triển quốc gia, các vùng lãnh thổ, các hành lang kinh tế và hệ thống đô thị phải gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; gắn kết giữa đô thị và nông thôn; khu vực đất liền với không gian biển; khai thác và sử dụng hiệu quả không gian ngầm, vùng biển, vùng trời. Tập trung ưu tiên hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia; hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng văn hóa, xã hội, hạ tầng thủy lợi, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở tăng năng suất, ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo; ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn, gắn với không gian phát triển mới...
Kết luận hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, nhấn mạnh: Nội dung các Nghị quyết, Kết luận mà Hội nghị Trung ương 6 thông qua là rất hệ trọng, tiếp tục cụ thể hóa chủ trương lớn, nhất quán của Đảng được xác định trong Cương lĩnh và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đó là tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đồng chí yêu cầu sau hội nghị này, các cấp ủy, tổ chức Đảng cần tiếp tục tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các Nghị quyết, Kết luận Hội nghị Trung ương 6 với nhiều hình thức phù hợp, giúp cho các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, đảng viên và nhân dân biết rõ, thấm nhuần Nghị quyết, Kết luận của Hội nghị Trung ương 6. Việc tuyên truyền phải được tiến hành thường xuyên, xuyên suốt nhiệm kỳ; đồng thời xây dựng những mô hình, điển hình hay trong quá trình thực hiện, phê bình những tập thể, cá nhân thực hiện chưa tốt; chú trọng đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái.
Đặc biệt, cần quan tâm đổi mới mạnh mẽ công tác tổ chức thực hiện Nghị quyết, Kết luận của Trung ương đảm bảo khoa học, chặt chẽ. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là Đảng đoàn, Ban Cán sự Đảng của Trung ương khẩn trương nghiên cứu cụ thể hóa nội dung các Nghị quyết, Kết luận Hội nghị Trung ương 6; kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị thành chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể, có sự phân công, phân nhiệm, lộ trình thực hiện rõ ràng, khả thi, hiệu quả với phương châm “chủ trương 1, biện pháp 10, hành động 20”.
Tăng cường việc kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết, Kết luận ở các cấp. Các ban tham mưu của Đảng phải nắm chắc, kịp thời thông tin báo cáo kết quả thực hiện ở các cấp theo từng quý, năm. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt; xử lý nghiêm tập thể, cá nhân thực hiện không nghiêm túc, không hiệu quả.
Đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: Hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết, Kết luận của Hội nghị Trung ương 6 mới là bước đầu, thời gian tới cần tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn, bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện đạt kết quả cao, hiệu quả, kịp thời giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, phù hợp với điều kiện của các địa phương, cơ quan, đơn vị.
Đồng chí tin tưởng rằng với quyết tâm của toàn Đảng, hệ thống chính trị, sự đoàn kết đồng lòng của nhân dân, các Nghị quyết, Kết luận của Hội nghị Trung ương 6 cũng như những Nghị quyết, kết luận của Đảng sẽ sớm đi vào cuộc sống, tạo ra những thay đổi thực sự, mạnh mẽ trong các lĩnh vực được đề cập tới, góp phần củng cố tăng cường niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()