Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 22:27 (GMT +7)
Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam
Thứ 4, 21/12/2022 | 14:14:15 [GMT +7] A A
Sáng 21/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với đầu cầu 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi có các điểm du lịch thu hút khách quốc tế. Dự tại đầu cầu Quảng Ninh, có đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Với sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành và nỗ lực của toàn ngành du lịch, thị trường du lịch đã dần khôi phục trở lại. Tuy nhiên, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam còn hạn chế do nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đón 2,9 triệu khách quốc tế (tăng 21,1 lần so cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn giảm 81,9% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19).
Tính chung cả năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3,5 triệu lượt, bằng 70% so với chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm. Trong khi đó, khách nội địa ước đạt 101,3 triệu lượt (tăng hơn gấp rưỡi so với mục tiêu đặt ra 60 triệu lượt khách, vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495.000 tỷ đồng, vượt hơn 23% so với kế hoạch năm 2022 và bằng 66% so với năm 2019.
Tại Quảng Ninh, lượng khách quốc tế 10 tháng năm 2022 đạt gần 177.000 lượt. Tổng doanh thu du lịch là 20.864 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ năm ngoái và vượt mục tiêu 19.000 tỷ đồng đặt ra từ đầu năm, đồng thời đưa Quảng Ninh trở thành địa phương đứng thứ hai trong nước về thu hút khách du lịch.
Cùng với tiếp tục chủ động phát huy hiệu quả liên kết du lịch giữa các địa phương và tập trung vào thị trường khu vực phía Nam, Quảng Ninh tập trung khai thác các thị trường quốc tế đang có những dấu hiệu tăng trưởng tốt như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… thông qua việc nỗ lực làm mới sản phẩm, dịch vụ, triển khai nhiều gói kích cầu để thu hút khách quốc tế, khai thác hiệu quả mùa cao điểm du lịch quốc tế (mùa trú đông, đón Giáng sinh, năm mới 2023).
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh: Ngành du lịch và các địa phương phải "cung cấp những dịch vụ mà khách du lịch cần chứ không chỉ những thứ chúng ta sẵn có".
Về những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trước hết, Thủ tướng yêu cầu cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng tăng cường kết nối vùng miền, đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội để Việt Nam thực sự là một điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn, nhân văn, hiếu khách, thuận lợi, làm ấm lòng du khách, hài lòng chủ nhà.
Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định khuyến khích phát triển du lịch, tạo thuận lợi cho khách du lịch cả nội địa và quốc tế, trong đó các vấn đề liên quan visa, thuế…
Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế trong lĩnh vực du lịch về hạ tầng, cơ sở vật chất, chi phí logistics, nhân lực, cách làm, tổ chức các tuyến du lịch... cơ cấu lại các hoạt động du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, đáp ứng với xu thế toàn cầu và thích ứng với những biến động trên thị trường du lịch thế giới.
Đơn giản hóa quy trình, thủ tục, tạo thuận lợi về nhập cảnh, xuất cảnh, đi lại, lưu trú cho khách du lịch quốc tế; tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước và quốc tế mở các đường bay mới, trực tiếp kết nối Việt Nam với các thị trường du lịch trọng điểm và tiềm năng.
Tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách, chú trọng vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; tạo dựng môi trường du lịch văn hóa, văn minh, thân thiện, mến khách.
Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, thông tin, truyền thông, quảng bá về hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam tới bạn bè, du khách quốc tế.
Phối hợp chặt chẽ, phát huy hiệu quả vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức, cá nhân Việt Nam, các kênh ngoại giao… nhằm quảng bá, phát triển du lịch. Đồng thời, chú trọng công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.
Việc phát triển du lịch phải chú trọng tính chuyên nghiệp, hiện đại, đa dạng, bản sắc độc đáo riêng có của Việt Nam; phải kiên định mục tiêu nhưng hết sức linh hoạt, thích ứng, luôn đổi mới sáng tạo, gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số, giải quyết các khó khăn, thách thức mới.
Thu Phương
Liên kết website
Ý kiến ()