Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 14:57 (GMT +7)
Hội nghị quản lý cấp mã số vùng trồng và kỹ thuật phòng chống lúa cỏ
Thứ 6, 08/07/2022 | 16:54:11 [GMT +7] A A
Sáng ngày 8-7, tại TP Hạ Long, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Ninh tổ chức hội nghị quản lý cấp mã số vùng trồng và kỹ thuật phòng chống lúa cỏ tại Quảng Ninh cho đội ngũ lãnh đạo, cán các Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, Phòng kinh tế, Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn các địa phương.
Theo đó việc cấp mã số vùng trồng phải đảm bảo đáo ứng yêu cầu sử dụng thống nhất một quy trình quản lý sinh vật gây hại ở mức độ phổ biến thấp và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của các nước nhập khẩu. Vùng trồng phải được kiểm tra và cấp mã số lần đầu trước vụ thu hoạch nội dung kiểm tra tùy thuộc vào từng đối tượng cây trồng và yêu cầu kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu.
Trước mỗi vụ thu hoạch, các mã số vùng trồng cần đăng ký lại; trong trường hợp không đăng ký lại thì mã số sẽ bị thu hồi. Trường hợp có thay đổi về diện tích vùng trồng, người đại diện, số hộ nông dân tham gia; người đại diện phải cập nhật, báo cáo cho Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh xác minh lại thông tin và báo cáo cho Cục Bảo vệ thực vật. Hiện nay mã số vùng trồng là điều kiện cần thiết, bắt buộc cho việc truy xuất nguồn gốc nông sản và được xem là “tấm vé” thông hành với những mặt hàng xuất khẩu.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã được tập huấn về kỹ thuật phòng chống lúa cỏ tại Quảng Ninh. Tại các tỉnh phía Bắc, lúa cỏ xuất hiện rải rác từ năm 2015 – 2016, nhưng với tỷ lệ và diện tích nhiễm thấp. Tuy nhiên từ năm 2019 đến nay tỷ lệ lúa cỏ trên đồng ruộng cũng như diện tích nhiễm tăng nhanh, có nguy cơ lây lan và gây hại trên diện rộng trong các vụ tiếp theo. Riêng ở vụ xuân năm 2022 này, đã có gần 1.800 ha bị nhiễm lúa cỏ ở các tỉnh phía Bắc.
Để chủ động phòng ngừa, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo các địa phương cần tập trung hướng dẫn nông dân vệ sinh sạch máy gặt trước và sau khi gặt để hạn chế lúa cỏ lây nhiễm sang các ruộng, các vùng, các địa phương khác nhau. Đồng thời vệ sinh đồng ruộng và kênh mương sạch sẽ trước khi gieo cấy. Nông dân nên sử dụng giống lúa nguyên chủng, giống xác nhận. Hạn chế việc tự để giống qua các vụ, tuyệt đối không sử dụng lúa tự để ở những vùng đã bị lúa cỏ xâm nhiễm để gieo cấy ở vụ sau. Quá trình gieo cấy nếu phát hiện có cây lúa cỏ cần tiến hành nhổ bỏ lúa cỏ vào các giai đoạn mạ, đẻ nhánh.
Đối với diện tích sau gieo cấy mà phát hiện có lúa cỏ nông dân cần khoanh vùng bị nhiễm. Những diện tích nhiễm nặng lúa cỏ trên 70% không cho thu hoạch mà cần cắt, tiêu hủy toàn bộ hoặc làm thức ăn cho gia súc tránh để hạt lúa cỏ rơi rụng trên ruộng, đưa nước vào sau đó tiến hành cày lật gốc, sử dụng chế phẩm vi sinh AT-YTB (100-200g/sào) để phân hủy nhanh phế phụ phẩm tại đồng ruộng, không để gốc lúa cỏ tái sinh trở lại.
Hải Hà
Liên kết website
Ý kiến ()