Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 02:36 (GMT +7)
“Hội nghị Diên Hồng” hiện đại và khát vọng non sông
Thứ 4, 24/11/2021 | 15:23:33 [GMT +7] A A
Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng được tổ chức vào thời điểm có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đánh dấu một giai đoạn chuyển mình mới của cả dân tộc. Điều đó nói lên tính thời sự, tầm quan trọng của vấn đề xây dựng văn hoá, con người Việt Nam trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Báo Lao Động thực hiện cuộc phỏng vấn với Thiếu tướng, Tiến sĩ, Nhà văn Nguyễn Hồng Thái - Phó Cục trưởng Cục Khoa học Chiến lược và Lịch sử Công An, Tổng Biên tập Tạp chí Công an Nhân dân - một trong những đại biểu trực tiếp tham dự Hội nghị Văn hoá toàn quốc diễn ra ngày 24.11 tại Hà Nội.
Thưa Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái, sau 75 năm, kế thừa những tinh hoa đã đúc rút được từ hai Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 1946, 1948, Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 đang được kỳ vọng sẽ nối tiếp mạch nguồn “văn hóa soi đường quốc dân đi”. Xin Thiếu tướng cho biết đánh giá của ông về sự kiện Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần này?
- Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã tiếp tục khẳng định xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xác định, phát triển nhanh và bền vững đất nước dựa chủ yếu vào việc phát huy tối đa nhân tố con người; lấy con người là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước. Vì vậy, “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại” là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Xây dựng, hoàn thiện các giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam thời đại mới, đảm bảo phát triển toàn diện về, đạo đức, trí tuệ, nhân cách, sức khỏe, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm với xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức chấp hành pháp luật, năng lực đổi mới sáng tạo, khả năng làm việc độc lập và phối hợp trong môi trường quốc tế...
Tuy nhiên, Đại hội XIII của Đảng đã nêu yêu cầu: “Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam” Các mặt hạn chế của con người Việt Nam cần phải được nhận biết, cần phải được sửa chữa, khắc phục để phục vụ hiệu quả cho dân giàu, nước mạnh.
Cuộc CMCN 4.0 đã và đang tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội nước ta, nó vừa đặt ra những yêu cầu, thách thức mới cho sự phát triển của con người, đồng thời cũng tạo ra những tiền đề, điều kiện thuận lợi cho việc phát triển con người ở Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì thế Hội nghị Văn hoá năm 2021 lần này với tiêu đề: “Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” đóng vai trò hết sức quan trọng. Có thể ví như “Hội nghị Diên Hồng” về văn hóa nhằm huy động sức mạnh nội lực của nền tảng tinh thần xã hội, của nền văn hóa Việt Nam nhằm thực hiện khát vọng phát triển đất nước trước vận hội và thách thức mới.
Thưa Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái, hiện nay, hệ giá trị văn hóa Việt Nam hiện nay đang có những biểu hiện tiêu cực đáng ngại như đạo đức xuống cấp, xuất hiện những biểu hiện lệch lạc, lệch chuẩn nên bị kẻ xấu, các thế lực thù địch lợi dụng khai thác nhằm chống phá nhà nước, hạ thấp giá trị, uy tín con người và văn hóa Việt Nam. Muốn đất nước phát triển, văn hóa trở lại với các chân giá trị thẩm mỹ và sức mạnh mềm tiến bộ là điều được cả xã hội quan tâm. Vậy Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021 đóng vai trò như thế nào trong việc xây dựng diện mạo hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới?
- Văn hóa được đề cập theo tinh thần nghị quyết XIII của Đảng hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm các lĩnh vực chủ yếu tạo nên đời sống văn hóa như: Tư tưởng, đạo đức, lối sống; Môi trường văn hóa; Giáo dục và Đào tạo; Khoa học và Công nghệ; Văn học nghệ thuật; Thông tin đại chúng; Giao lưu văn hóa với thế giới; Thể chế và thiết chế văn hóa... Với tính cách bao trùm như vậy, văn hóa được coi là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Vì thế, xét theo nghĩa rộng và cái nhìn toàn diện, chúng ta có thể nhìn thấy những biểu hiện lệch lạc trong ứng xử văn hóa ở đời sống, nhưng theo tôi, ý kiến nói văn hóa xuống cấp thì không hoàn toán đúng. Thử nhìn vào những đặc điểm như 2 năm đại dịch COVID-19 đã gây nhiều tổn thất, thậm chí cả sự lúng túng cho người Việt Nam chúng ta, nhưng trong khó khăn, nguy cấp, người dân Việt Nam lại thổi bùng lên lòng “thương người như thể thương thân”.
Dù trong nước còn thiếu thốn trăm bề, Đảng, Nhà nước vẫn quyết định bỏ tiền ra đưa bà con ta đi làm ăn, sinh sống bị kẹt ở nước ngoài trở về quê hương chia ngọt sẻ bùi. Trong nước xuất hiện những cây ATM cấp gạo miễn phí, ôxy miễn phí, hàng vạn những tấm lòng thơm thảo “một miếng khi đói bằng một gói khi no” “hàng xóm tắt đèn tối lửa có nhau”, hàng triệu người góp tiền mua vacine, những người dân hỗ trợ tiền, lương thực, xăng, xe tiếp tế cho người dân trên dọc đường họ buộc phải trở về quê cũ...
Đó là những ngọn lửa ấm của văn hóa xứng xử ẩn sâu trong truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam chúng ta. Đó là bức tranh rộng, đẹp, nhiều màu sắc ấm áp trải dài khắp đất nước mà ai cũng nhìn thấy, khiến bạn bè quốc tế cũng nể trọng. Tuy vẫn có những hình ảnh phản văn hóa nhưng làn sóng lớn nhất vẫn là lòng yêu thương, giúp đỡ nhau đùm bọc lẫn nhau trong hoạn nạn. Đây chính là nét văn hóa Việt Nam mà chúng đã và đang xây dựng, bồi đắp, phát triển. Đó là gì nếu không phải là nghĩa tình, lòng nhân ái, khoan dung, đạo lý của người Việt Nam?
Hiện nay, khi đất nước càng hội nhập kinh tế sâu sắc với thế giới, các nền văn hóa giao thoa với nhau thì chúng ta ứng xử với các nền văn hóa khác như thế nào? Chúng ta xây dựng bản lĩnh văn hóa của người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, thời kỳ dịch bệnh bất ngờ ra sao? Để giữ vững sự ổn định để phát triển đất nước trong sự va đập với thế giới phức tạp khó lường, thì chúng ta càng phải xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam, hệ giá trị con người Việt Nam đủ sức mạnh và bản sắc ứng xử với văn hóa loài người. Một trong những đặc trưng của hệ giá trị con người Việt Nam là phải xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện: Yêu nước nồng nàn, có ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức gắn kết cộng đồng giữa cá nhân gia đình xã hội và Tổ quốc, lòng nhân ái khoan dung, trọng nghĩa, đạo đức cần cù, giản dị trong lối sống...
Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021 lần này với tầm vóc và sự chuẩn bị chu đáo, với lòng tự trọng và khát vọng phát triển đất nước của con người Việt Nam lên tầm cao hướng tới Kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng (2030), 100 năm thành lập nước (2045), tôi tin kết quả của Hội nghị này sẽ phát lên tiếng trống văn hóa hiệu triệu trái tim, khối óc của mỗi người Việt Nam vì đất nước phồn vinh.
Là đại biểu tham dự Hội nghị Văn hoá toàn quốc diễn ra vào 24.11 tới đây, cảm xúc và kỳ vọng của ông về hội nghị đặc biệt quan trọng của ngành văn hóa tới đây là gì?
- Tham dự Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần này, tôi mong muốn được nghe, nghiên cứu và tiếp nhận sâu sắc bài phát biểu, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư về văn hóa. Tôi tin tưởng sau hội nghị này, nền văn hóa của chúng ta sẽ có những bước phát triển mới, chắc chắn, toàn diện bằng các giải pháp đột phá, khoa học; có cơ chế chính sách để làm sao phát triển được nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và xây dựng phát triển con người Việt Nam như nghị quyết của Đại hội XIII đã đề ra.
Tôi cũng tin rằng, Hội nghị sẽ đề ra nhiều giải pháp đúng đắn, sáng tạo khoa học và có cơ chế chính sách để phát triển nền văn hóa trở thành sức mạnh nội lực to lớn, tác động tích cực toàn diện vào đời sống xã hội, đóng góp tích cực phát triển kinh tế, xã hội và phát triển đất nước trong thời kỳ cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.
Giá trị của Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 như một ngọn đuốc lớn soi sáng, tiếp tục soi đường cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện được khát vọng xây dựng phát triển đất nước vững mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ từng mong muốn.
- Xin cảm ơn ông!
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()