Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:47 (GMT +7)
Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Thứ 4, 19/10/2022 | 19:15:45 [GMT +7] A A
Tiếp tục chương trình làm việc, trong ngày 19/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe và cho ý kiến về nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 11 - Kỳ họp chuyên đề của HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 đối với những nội dung thuộc thẩm quyền cùng nhiều nội dung quan trọng khác. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì.
Tại cuộc họp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe và cho ý kiến về một số nội dung dự kiến trình Kỳ họp chuyên đề lần này theo đề nghị của UBND tỉnh nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách trong những tháng cuối năm liên quan tới thu, chi ngân sách địa phương, đầu tư công...
Đối với dự thảo Nghị quyết điều chỉnh dự toán ngân sách cấp tỉnh năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu phải đảm bảo theo đúng chỉ đạo của Trung ương, quy định của pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý tài chính – ngân sách, đầu tư công; tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách, đầu tư công. Theo đó, phải đảm bảo đúng theo Nghị quyết số 68 ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và Nghị quyết số 77 ngày 09/12/2021 về dự toán thu ngân sách nhà nước, chi ngân sách địa phương, phân bổ dự toán chi ngân sách cấp tỉnh và cơ chế, biện pháp điều hành ngân sách địa phương năm 2022.
Cụ thể, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn không thấp hơn 52.600 tỷ đồng, trong đó thu ngân sách nội địa phấn đấu đạt 42.000 tỷ đồng và thu hoạt động xuất, nhập khẩu là 10.600 tỷ đồng. Cũng do bối cảnh tình hình hiện nay xuất hiện các yếu tố khách quan, đòi hỏi việc điều hành những tháng cuối năm phải linh hoạt hơn và có sự dịch chuyển, cân đối giữa các khoản thu. Cần tiếp tục cơ cấu thu nội địa theo hướng bền vững, tăng tỷ trọng các nguồn thu từ thuế, phí, lệ phí gắn với tăng cường các biện pháp quản lý thu, khai thác, nuôi dưỡng các nguồn thu, chống thất thu thuế. Nguồn thu tiền sử dụng đất phải theo hướng phù hợp với tình hình và quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên đất đai theo các chủ trương của Trung ương và của tỉnh, đảm bảo các chỉ tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
Giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND, các sở, ngành, địa phương rà soát chặt chẽ việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công, nhất là liên quan tới các dự án khởi công mới của năm 2022 đã có chủ trương của tỉnh, đảm bảo điều hành linh hoạt, hiệu quả số vốn đã bố trí, không để xảy ra tình trạng lãng phí và tỷ lệ vốn đầu tư công thấp so với chỉ đạo chung của Chính phủ, đảm bảo một trong những trụ cột rất quan trọng đóng góp vào tăng trưởng của tỉnh.
Đối với dự thảo Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung Nghị quyết số 50/NQ-HĐND ngày 13/11/2021 của HĐND tỉnh về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu: Sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết 50 cần phải tập trung những cơ chế, biện pháp điều hành để tăng cường trách nhiệm cấp huyện, cấp sở, ngành liên quan trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực đã được xác định trong Nghị quyết để đẩy nhanh tốc độ triển khai hoàn thành và đạt hiệu quả về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng đối với Chương trình 06.
Khắc phục những bất cập liên quan đến kéo dài thời gian triển khai chuẩn bị thủ tục đầu tư và phải tăng cường kiểm soát, chống ỷ lại, chống trông chờ, xin cho, chuyển cấp, chống dàn trải, manh mún, kéo dài, không có trọng tâm, trọng điểm. Đảm bảo sự công bằng, minh bạch giữa các địa phương, nhất là những địa phương còn quá khó khăn; quan tâm đến phát triển văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế, hỗ trợ phát triển sản xuất cho bà con nhân dân.
Đối với những nội dung mới bổ sung, cần tính toán kỹ nguồn lực cần thiết để điều chỉnh phù hợp đảm bảo mục tiêu sau hoàn thành nông thôn mới phải gắn được với thực hiện Chương trình 06 và gắn với NTM nâng cao. Chỉ đưa vào danh mục những công trình dự án thực sự cấp bách, đủ thủ tục pháp lý, đúng theo quy định và chỉ tập trung vào lĩnh vực giao thông, xóa ngập lụt, công trình nước sạch.
Đối với các tờ trình, dự thảo Nghị quyết khác trình tại Kỳ họp, yêu cầu Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia; rà soát kỹ lưỡng các nội dung, phối hợp chặt chẽ với HĐND tỉnh để tiếp tục hoàn thiện các báo cáo, tờ trình, dự thảo Nghị quyết phục vụ công tác thẩm định, thẩm tra đảm bảo chất lượng, nghiêm túc, đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo luật định.
Cũng trong ngày, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe và cho ý kiến về Đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục phổ thông tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025”. Mục tiêu của đề án nhằm xây dựng các nhiệm vụ, mô hình, giải pháp phù hợp, hiệu quả, để tiếp tục tạo được sự chuyển biến rõ rệt trong chất lượng dạy và học ngoại ngữ; giảm khoảng cách về chất lượng dạy và học ngoại ngữ giữa các trường ở vùng thuận lợi với vùng khó khăn, giữa các trường công lập và tư thục; nâng bậc xếp hạng chất lượng các kỳ thi quốc gia về ngoại ngữ ở hệ thống giáo dục phổ thông của tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhấn mạnh, đây là một đề án có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt là đối với một tỉnh được xác định là trung tâm du lịch quốc tế gắn kết với các trung tâm lớn trên thế giới, một vùng đất của sự hội nhập như tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, tỷ lệ đô thị hóa tỉnh cao nhưng vẫn có các xã miền núi, biên giới, hải đảo, tạo khoảng cách chênh lệch trong tiếp cận giáo dục đào tạo.
Giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp tục tiếp thu ý kiến tại hội nghị để hoàn thiện Đề án. Trong đó, nghiên cứu đề xuất một số cơ chế chính sách, tạo động lực, đột phá nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ ở tỉnh Quảng Ninh trong thời gian tới. Gồm cơ chế chính sách thúc đẩy xã hội hóa mạnh mẽ việc dạy và học ngoại ngữ theo hướng nâng cao chất lượng người dạy và người học; tạo phong trào cùng học ngoại ngữ trong toàn dân; cơ chế chính sách nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục ở khu vực nông thôn, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa; cơ chế chính sách khuyến khích học tiếng Anh tự chọn từ lớp 1, lớp 2 và cơ chế chính sách khuyến khích, động viên, khích lệ tinh thần tự học và hoàn thiện chứng chỉ ngoại ngữ theo các tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài tiếng Anh, nghiên cứu thêm một số ngoại ngữ khác như tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn Quốc… đáp ứng cho sự phát triển, thu hút đầu tư ở địa bàn.
Đối với Đề án phát triển giáo dục mầm non tư thục tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030, mục tiêu của đề án là khuyến khích phát triển số lượng, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non tư thục đáp ứng nhu cầu gửi trẻ, học tập của trẻ mầm non đang ngày càng tăng, qua đó sẽ giảm việc phát triển cơ sở giáo dục công lập ở những nơi có điều kiện xã hội hóa; phát triển hệ thống giáo dục mầm non tư thục đảm bảo đạt chuẩn chất lượng, hướng tới chất lượng cao nhằm tăng cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi trẻ em trong độ tuổi; tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng trong phát triển giáo dục mầm non.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu UBND tỉnh cần tiếp tục tham mưu các cơ chế chính sách đột phá để tạo ra bước phát triển mới, tăng cả về quy mô, số lượng, chất lượng giáo dục mầm non tư thục, đồng thời là cơ sở quan trọng để thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế.
Đối với số viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo Kết luận của Bộ Chính trị và chỉ tiêu biên chế Trung ương giao đối với Quảng Ninh giai đoạn 2021-2026, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhấn mạnh, việc phát triển các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập và việc xã hội hóa các cơ sở giáo dục mầm non công lập là giải pháp đột phá để thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế.
Đặc biệt, chỉ đạo rà soát, ưu tiên quỹ đất tại những vị trí thuận lợi để phục vụ mục tiêu phát triển văn hóa, giáo dục, trong đó có phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non tư thục.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()