Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 15:23 (GMT +7)
Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Thứ 3, 18/10/2022 | 19:05:36 [GMT +7] A A
Ngày 18/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị nghe và cho ý kiến về Đề án "Đổi mới phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030" cùng nhiều nội dung quan trọng khác. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì.
Trong suốt các giai đoạn cách mạng và phát triển của tỉnh, phong trào thi đua yêu nước luôn được tỉnh quan tâm phát động và triển khai đồng bộ đến cơ sở. Các phong trào thi đua có tiêu chí thi đua, bình xét khen thưởng rõ ràng, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương. Trong đó, đề ra các nội dung chỉ đạo thực hiện cụ thể, sát thực tiễn để phong trào thực sự trở thành động lực to lớn, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Tuy nhiên, việc tổ chức phong trào thi đua của các cơ quan, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, dẫn đến hiệu quả chưa thực sự đạt được như mong muốn, chưa xứng tầm với lợi thế, tiềm năng và phát triển của tỉnh. Các điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước phát triển chưa đồng đều; số lượng các tập thể được phong tặng các danh hiệu khen thưởng cấp Nhà nước chưa phản ánh đầy đủ và tương đồng với những thành tựu mà tỉnh đã đạt được trong quá trình đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội.
Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng, tạo động lực phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng Đề án “Đổi mới phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu của Đề án là đổi mới phong trào thi đua yêu nước tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước với nội dung, hình thức sáng tạo, hiệu quả trên mọi lĩnh vực; thi đua gắn chặt với nhiệm vụ xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; phát huy được sức mạnh của hệ thống chính trị. Phong trào thi đua phải thiết thực, có sức lan tỏa và bao quát toàn bộ các mặt của đời sống xã hội. Nội dung và phương pháp tổ chức phong trào thi đua phải được gắn kết chặt chẽ với thực hiện nhiệm vụ chính trị, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh. Thi đua là động lực thúc đẩy cá nhân, tổ chức hoàn thành tốt nhiệm vụ, làm cơ sở khoa học, thực tiễn để khen thưởng; khen thưởng là yếu tố thúc đẩy phong trào thi đua phát triển.
Trong giai đoạn 2022–2025, phấn đấu thi đua thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV; 100% các phong trào thi đua xây dựng được tiêu chí cụ thể, thiết thực, phù hợp trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, kinh tế - xã hội; 100% các cơ quan, địa phương, đơn vị xây dựng, bồi dưỡng nhân rộng các điển hình tiên tiến... Đến năm 2030, đổi mới toàn diện phong trào thi đua yêu nước, xây dựng, phát triển Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Trong giai đoạn từ 2026-2030 phấn đấu có 7-10 mô hình, điển hình tiêu biểu được Trung ương vinh danh, khen thưởng...
Trên cơ sở ý kiến thảo luận, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá cao những kết quả đạt được trong thực hiện phong trào đua yêu nước trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Tuy nhiên cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, công tác thi đua còn bị động, nhiều ngành chưa chú ý tới xây dựng các điển hình tập thể, cá nhân; phong trào thi đua ở cơ sở chưa có chiều sâu; khen thưởng trực tiếp cho các cá nhân người lao động chưa nhiều...
Để tạo sự chuyển biến sâu sắc hơn nữa trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu phải có chiến lược xây dựng các điển hình theo phương châm chủ động, tích cực, từ xa, từ sớm, từ cơ sở; phấn đấu có nhiều tập thể, cá nhân điển hình như Thầy thuốc Nhân dân, Nhà giáo Nhân dân.
Nghiên cứu xây dựng danh hiệu “Công dân Quảng Ninh ưu tú” để khơi dậy và phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh, tinh thần "Kỷ luật và Đồng tâm", truyền thống cách mạng, sự năng động và khát vọng đổi mới, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, vượt lên mạnh mẽ và bền vững của nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời, nghiên cứu phát động phong trào thi đua riêng có của Quảng Ninh, đặc biệt hướng vào ý chí tự lực, tự cường, không ngừng nỗ lực, đoàn kết, sáng tạo.
Khâu đột phá phải xác định vào các phong trào thi đua phát triển văn hóa, xã hội, con người, giáo dục đào tạo, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh và cổ vũ nhân dân các dân tộc, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu để xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; thi đua để xây dựng một xã hội trật tự kỷ cương.
Cùng ngày, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe và cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng khác.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()