Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:36 (GMT +7)
Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Thứ 5, 14/04/2022 | 17:43:11 [GMT +7] A A
Ngày 14/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp để thảo luận, cho ý kiến về Đề án thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 và nghe báo cáo 3 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì.
Báo cáo với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, triển khai Đề án thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, Quảng Ninh gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững KT-XH gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng – an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi…
Trong đó xác định, mục tiêu xây dựng NTM “Hiệu quả, toàn diện và bền vững”, đời sống người dân ngày càng khá giả; môi trường, cảnh quan được bảo vệ; hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp; nâng cao chất lượng đào tạo nghề, giải quyết việc làm; đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; hướng tới nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giàu, nghèo và chênh lệch vùng miền; khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, địa phương...
Mục tiêu đến hết năm 2022 có ít nhất 40% số thôn thuộc các xã khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt chuẩn NTM; 50% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 25,5% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; tỉnh Quảng Ninh đạt tiêu chí hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đến năm 2025, có ít nhất 80% số thôn thuộc các xã khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt chuẩn NTM; thu nhập bình quân tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020 (cả nước là 1,5 lần)...
Tại hội nghị, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã dành thời gian phân tích, đánh giá, tham gia ý kiến đóng góp vào Đề án. Trong đó, tập trung vào việc nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng NTM theo quy hoạch; phát triển hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền; phát triển mạnh các ngành nghề tại nông thôn; nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân, đào tạo nghề cho lao động nông thôn… góp phần nâng cao thu nhập người dân, giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững.
Chỉ đạo nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: 10 năm qua, triển khai xây dựng NTM, Quảng Ninh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nổi bật. Đặc biệt, đời sống nhân dân khu vực nông thôn được nâng cao, hạ tầng được cải thiện, phong trào có sức lan tỏa mạnh.
Đối với nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ ra 3 thách thức lớn nhất hiện nay. Đó là khâu tổ chức thực hiện ở một số nơi vẫn còn yếu, chậm được khắc phục; còn tư tưởng trông chờ ỷ lại, nặng về tư duy đầu tư, có phần chủ quan, tự mãn với kết quả đạt được. Trong khi đó, để thu hẹp khoảng cách giàu, nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh không phải là việc có thể thực hiện trong một sớm, một chiều.
Quảng Ninh đặt mục tiêu với tốc độ tăng trưởng (GRDP) bình quân cả giai đoạn đạt khoảng 10%/năm, thu nhập bình quân đầu người được nâng lên, tỷ lệ đô thị hóa cao… trong bối cảnh hiện nay, sẽ đặt ra yêu cầu rất cao về tiêu chí đặc thù cho Quảng Ninh khi xây dựng NTM kiểu mẫu và NTM nâng cao.
Vì thế, các mục tiêu đạt được phải thực sự đo đếm được; người dân phải được thụ hưởng hạ tầng KT-XH phát triển, đảm bảo đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể, tiệm cận với tiêu chí đô thị văn minh. Xây dựng NTM phải đảm bảo tiêu chí giàu đẹp, văn minh, hiện đại; tổ chức Đảng, hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; môi trường sáng xanh, sạch đẹp, văn hóa giàu bản sắc để nhân dân có được cuộc sống ấm no, bình yên, hạnh phúc.
Việc tổ chức thực hiện Đề án cần gắn chặt với Nghị quyết số 06-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh, nhất là việc thực hiện 3 khâu đột phá về phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, bảo đảm liên thông, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng và nội vùng, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho lao động.
Đặc biệt, cần phải kết hợp chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, kinh tế biển với nông nghiệp; lấy du lịch - dịch vụ và kinh tế biển làm mũi nhọn để thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn; huy động toàn dân đoàn kết xây dựng NTM thông qua việc dân biết, dân làm, dân giám sát, dân kiểm tra, dân thụ hưởng.
Trong tổ chức thực hiện, phải gắn trách nhiệm cụ thể của từng cấp chính quyền địa phương, từng sở, ngành liên quan. Sau khi tiếp thu và hoàn thiện Đề án, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ ban hành Chỉ thị về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 – 2025.
Về nội dung thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, theo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Nghị quyết được triển khai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài và tác động ảnh hưởng lớn đến kinh tế, dịch vụ cảng biển do chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ bị đứt gãy.
Tuy nhiên, với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, kinh tế cảng biển và dịch vụ cảng biển đã cơ bản phát triển đúng hướng. Tầm nhìn và định hướng chiến lược đề ra trong Nghị quyết đã từng bước được định hình rõ nét, bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng như: nhận thức về vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển từng bước được nâng lên; công tác rà soát, đề xuất xây dựng quy hoạch hệ thống cảng biển, cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ được đẩy mạnh; hạ tầng kết nối được ưu tiên đầu tư...
Bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn nhận thấy những tồn tại, hạn chế như: tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác đúng tầm; tinh thần chủ động của các sở, ngành và địa phương chưa cao; công tác thu hút đầu tư phát triển kinh tế biển còn chậm; dịch vụ cảng biển còn yếu, năng lực cạnh tranh kém, chưa có nhiều đổi mới...
Cho ý kiến về nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy bày tỏ đồng tình và đánh giá cao việc triển khai Nghị quyết số 15-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh trong 3 năm qua. Nghị quyết đã góp phần quan trọng hình thành tư duy phát triển kinh tế biển rõ nét, đóng vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH của Quảng Ninh và góp phần vào tăng trưởng của tỉnh.
Đồng chí nhấn mạnh: Bối cảnh hiện nay đã có nhiều thay đổi, tỉnh có nhiều công trình, dự án mới hình thành; vị thế trong liên kết vùng được nâng cao… Quảng Ninh đang thúc đẩy triển khai quy hoạch tỉnh, tham vấn nhiều chuyên gia đầu ngành về các lĩnh vực, đặc biệt kinh tế biển, từ đó hình thành không gian phát triển, quỹ đất dành cho dịch vụ logistics…
Do đó, đồng chí yêu cầu cần định vị vai trò kinh tế biển – là mũi nhọn kinh tế quan trọng của Quảng Ninh; chỉ rõ những khó khăn, hạn chế về khai thác lợi thế, tiềm năng, tinh thần chủ động, tích cực, đầu tư hạ tầng… để từ đó gắn với bối cảnh mới, có giải pháp triển khai mới nhằm nâng cao sức cạnh tranh.
Mục tiêu đến 2025 Quảng Ninh sẽ phát triển mạnh kinh tế biển, xây dựng Quảng Ninh là một trong những trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ trung chuyển của khu vực Đông Nam Á, động lực phát triển của vùng và cả nước.
Trên cơ sở cơ hội, bối cảnh mới, đồng chí yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp tục hoàn thiện báo cáo, bổ sung thêm các lợi thế như thuận lợi trong phát triển năng lượng tái tạo; vận tải đa phương thức để khai thác, tối ưu hóa hạ tầng đang có; lợi thế từ việc hình thành các khu đô thị, khu công nghiệp ven biển… Mục tiêu đến năm 2025, kinh tế biển sẽ tiếp tục là động lực đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của tỉnh để thực hiện sơ kết Nghị quyết số 15-NQ/TU.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()