Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 15:22 (GMT +7)
Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Thứ 3, 08/03/2022 | 19:08:38 [GMT +7] A A
Ngày 8/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp để thảo luận, cho ý kiến chủ trương đầu tư nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Phổi Quảng Ninh; bàn các giải pháp thúc đẩy thu hút đầu tư vào KCN Đầm Nhà Mạc, KKT ven biển Quảng Ninh; sơ kết đánh giá 3 năm thực hiện Đề án mô hình Trung tâm Truyền thông tỉnh cùng nhiều nội dung quan trọng. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì.
Tại hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy dành thời gian cho ý kiến về chủ trương đầu tư nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Phổi Quảng Ninh.
Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, từ năm 2017 đến nay, Bệnh viện Phổi Quảng Ninh được giao 200 giường bệnh theo kế hoạch, thực hiện khám bệnh trung bình trên 16.600 lần/năm; số bệnh nhân điều trị nội trú trung bình trên 5.000 lượt bệnh nhân/năm, trong đó chủ yếu là bệnh về đường hô hấp. Với đặc thù của ngành Than có hàng nghìn công nhân lao động và nhiều khu vực dân cư của tỉnh chịu ảnh hưởng do các hoạt động khoáng sản, tỷ lệ người dân mắc các bệnh về phổi cao hơn trung bình của cả nước; nhu cầu khám chữa bệnh về phổi của nhân dân, nhất là công nhân lao động ngành Than rất lớn. Riêng năm 2019, có khoảng gần 3.000 công nhân mắc bệnh bụi phổi nghề nghiệp, được rửa phổi tại bệnh viện. Cũng trong 2 năm qua, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bệnh viện Phổi Quảng Ninh đã có nhiều đóng góp thiết thực vào phòng, chống Covid-19 và thực hiện hiệu quả nhiệm vụ thu dung, cách ly, điều trị cho các bệnh nhân Covid-19.
Tuy nhiên, cơ sở vật chất của Bệnh viện Phổi được đầu tư từ nhiều năm trước, hiện nay một số hạng mục đang bị xuống cấp. Ngoài ra, so với định mức về nhu cầu trang thiết bị phục vụ chuyên môn còn thiếu nhiều chủng loại trang thiết bị của chuyên khoa Phổi. Do đó việc đầu tư nâng cấp, cơ sở vật chất, trang bị hệ thống khám chữa bệnh của bệnh viện để triển khai các kỹ thuật mới, nâng cao chất lượng điều trị để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên và người dân trong tỉnh, đặc biệt là người lao động ngành Than được hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại tỉnh nhà, giảm phiền hà cho người bệnh là rất cần thiết.
Cũng theo báo cáo, quy mô dân số TP Hạ Long sau sáp nhập huyện Hoành Bồ vào là hơn 300.000 dân. Với quy mô dân số thời điểm hiện tại và xét đến năm 2025 thì thành phố sẽ thiếu nhà tang lễ để tổ chức các hoạt động tang lễ phục vụ yêu cầu của người dân do hiện nay thành phố mới có nhà tang lễ phía Tây tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Bãi Cháy.
Vì vậy, việc đầu tư nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Phổi Quảng Ninh và xây dựng nhà tang lễ phía Đông TP Hạ Long là cần thiết, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH tại địa phương, đảm bảo khám và chữa bệnh cho nhân dân, người lao động.
Mục tiêu đầu tư của dự án là đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đồng bộ để phục vụ quy mô giường bệnh của bệnh viện là 330 giường, kết hợp đầu tư Nhà tang lễ với quy mô đảm bảo phục vụ tối thiểu 4 đám tang cùng một thời điểm.
Cho ý kiến về nội dung này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương đầu tư nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Phổi Quảng Ninh. Đồng thời, giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh và các đơn vị liên quan nghiên cứu quy hoạch tổng thể mở rộng, nâng cấp bệnh viện theo mô hình bệnh viện thông minh, bệnh viện công viên, trong đó có nhà tang lễ đồng bộ các hạng mục ở trong khuôn viên bệnh viện để phục vụ nhu cầu của nhân dân ở phía Đông thành phố. Phương án quy hoạch, đầu tư phải đảm bảo xứng tầm, đưa Bệnh viện Phổi Quảng Ninh trở thành trung tâm chuyên khoa về phổi của quốc gia và khu vực, được đầu tư đồng bộ, hiện đại, thu hút được bác sỹ giỏi, nhân lực y tế chất lượng cao. Nhà tang lễ đảm bảo đáp ứng tốt nhất nhu cầu của nhân dân đối với đô thị loại 1. Đây cũng sẽ là công trình trọng điểm chào mừng 60 năm thành lập tỉnh. Nguồn vốn nâng cấp bệnh viện từ nguồn tăng thu năm 2021 và nguồn tài trợ của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và ngân sách TP Hạ Long.
Như vậy với việc đầu tư nâng cấp Bệnh viện Phổi, hệ thống y tế của Quảng Ninh sẽ ngày càng đồng bộ, với nhiều trung tâm chuyên sâu như tim mạch, sản nhi, ung bướu, lão khoa, phổi nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe và cho ý kiến về việc triển khai dự án KCN đô thị dịch vụ Đầm Nhà Mạc thuộc KKT ven biển Quảng Yên. Qua thảo luận, các ý kiến đều thống nhất cho rằng, đây là khu vực có nhiều lợi thế vượt trội để phát triển, thu hút được các nhà đầu tư tầm cỡ, có năng lực, kinh nghiệm, uy tín trong và ngoài nước, đồng thời, góp phần phát huy tối đa lợi thế riêng có cùng những cơ chế ưu đãi vượt trội của KKT ven biển Quảng Yên. Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và TX Quảng Yên tiếp tục nghiên cứu phạm vi, ranh giới phù hợp để thu hút các nhà đầu tư theo hướng tận dụng tối đa quỹ đất hiện có không có rừng ngập mặn, có thể triển khai ngay được các thủ tục đầu tư các dự án cụ thể, sớm phát huy hiệu quả.
Để tháng 6/2022 có thể đưa vào hoạt động một dự án công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ thông minh, tạo được giá trị gia tăng lớn, tham gia được vào mạng sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu, UBND tỉnh cần thành lập ngay một Tổ công tác hỗ trợ nhà đầu tư trong việc nghiên cứu, triển khai dự án theo đúng quy định của pháp luật, nhất là liên quan tới công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính, hỗ trợ đầu tư và tìm vật liệu san lấp. Mục tiêu trong năm 2022, tại đây sẽ thu hút đầu tư được ít nhất 2 tỷ USD.
Cũng tại hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiến hành sơ kết 3 năm thực hiện Đề án mô hình Trung tâm Truyền thông tỉnh. Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu đều thống nhất đánh giá: Việc thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh là một quyết sách chính trị mang tính đột phá của Tỉnh ủy, cho ra đời mô hình cơ quan báo chí hợp nhất cấp tỉnh đầu tiên của cả nước, tiếp tục khẳng định tư duy đổi mới, sáng tạo, hành động quyết liệt, tiên phong của tỉnh trong triển khai thực hiện các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung; sắp xếp, đổi mới mô hình hoạt động của cơ quan báo chí của tỉnh nói riêng.
Sau 3 năm đi vào hoạt động, mô hình Trung tâm Truyền thông tỉnh đã giải quyết có hiệu quả các vấn đề sau sáp nhập, hợp nhất từ tổ chức bộ máy, con người đến điều hành hoạt động chuyên môn, kinh tế truyền thông và có những bước phát triển quan trọng, vượt bậc; đã và đang tạo ra những thay đổi mạnh mẽ về phương thức vận hành, quản lý, quản trị áp dụng tối đa công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung, thực hiện các mô hình kinh doanh báo chí mới để đa dạng hóa nguồn thu. Qua đó khẳng định tính đúng đắn và phù hợp của mô hình Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh - mô hình thí điểm đầu tiên của cả nước thực hiện hợp nhất các cơ quan thông tin, báo chí cấp tỉnh, thể hiện trên các phương diện.
Cụ thể, đó là mô hình cơ quan báo chí hợp nhất của Trung tâm Truyền thông tỉnh đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh trong thực hiện mục tiêu đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với hoạt động các cơ quan báo chí của tỉnh, cũng như công tác thông tin, truyền thông, báo chí trên địa bàn.
Mô hình này đã hội tụ được nguồn lực về con người và cơ sở vật chất của các cơ quan báo chí cùng thực hiện chức năng thông tin, tuyên truyền trên một địa bàn; khắc phục được tình trạng chồng chéo trong tổ chức và giảm chi phí sản xuất các chương trình, các tác phẩm báo chí như trước đây. Đội ngũ cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên của Trung tâm có cơ hội trao đổi sâu sắc hơn về nghiệp vụ, trau dồi kỹ năng, tiếp cận với môi trường tác nghiệp báo chí rộng lớn hơn, chuyên nghiệp hơn, trong môi trường báo chí đa phương tiện, số hóa truyền thông, cả ở trong nước và quốc tế, nhờ đó trình độ chuyên môn ngày càng được nâng cao; đời sống, việc làm của cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên được đảm bảo và từng bước được nâng lên. Mô hình này cũng từng bước góp phần thay đổi tư duy, cách làm báo chí, tiệm cận với cách làm của các tập đoàn truyền thông quốc tế cũng như các cơ quan báo chí lớn của Việt Nam; tinh giản bộ máy, giảm được đầu mối cơ quan, vị trí lãnh đạo; tiết kiệm biên chế so với định mức theo quy định.
Những kết quả trên là minh chứng sinh động khẳng định việc thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh đi đúng hướng và bước đầu đạt được mục tiêu hợp nhất là hình thành một tập đoàn truyền thông được tổ chức thống nhất, đồng bộ, khoa học với mục tiêu cao nhất nhằm tối ưu hóa mô hình tổ chức, tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực truyền thông, từ đó nâng cao chất lượng chuyên môn, sản xuất các sản phẩm báo chí ngày càng có chất lượng, phục vụ tốt hơn nhu cầu công chúng truyền thông và làm tốt hơn nhiệm vụ chính trị được giao.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiếp thu ý kiến tại hội nghị, tiếp tục hoàn thiện để sớm báo cáo Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Cùng ngày, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe và cho ý kiến Đề án xây dựng Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ đạt chuẩn giai đoạn 2022-2027, định hướng 2030. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho rằng, việc xây dựng Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ đạt chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng là 1 trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng toàn diện từ đội ngũ, nội dung, chương trình, giảng dạy, nghiên cứu và công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh. Đồng thời, góp phần thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV xác định là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, hiện đơn vị đang bộc lộ một số khó khăn hạn chế liên quan tới cơ cấu, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức; công tác đào tạo bồi dưỡng, hoạt động khoa học…
Qua các ý kiến tại hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cơ quan liên quan cần tiếp thu và hoàn thiện đề án, trong đó chậm nhất đến tháng 6/2023, Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ sẽ đạt chuẩn mức 1 và chậm nhất đến năm 2027 sẽ đạt chuẩn mức độ 2 với các tiêu chí Quy định của Trung ương; xây dựng thành trường hoạt động theo mô hình thông minh, điển hình trong hệ thống giáo dục của tỉnh. Trước mắt, nhà trường cố gắng sớm đẩy nhanh hoàn thiện các tiêu chí, chỉ tiêu của trường liên quan tới nâng cao chất lượng hoạt động đảng bộ, đoàn thể, xây dựng văn hóa trường Đảng; hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn.
Cùng với đó, tiến hành rà soát tổng thể đội ngũ cán bộ, viên chức trong ngành giáo dục của toàn tỉnh để sắp xếp vị trí cần có những tiêu chí cụ thể như trình độ tiến sĩ. Vận dụng kinh nghiệm ở những nơi đã thành công, nên nghiên cứu chính sách riêng thu hút nhân tài cho trường.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()