Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:58 (GMT +7)
Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Thứ 6, 18/02/2022 | 19:13:48 [GMT +7] A A
Ngày 18/2, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp nghe và cho ý kiến tiến độ triển khai lập Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và một số nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe và cho ý kiến về tiến độ triển khai lập Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 do Công ty TNHH McKinsey & Company Việt Nam tư vấn gồm 5 giai đoạn với 6 sản phẩm. Qua các đợt lấy ý kiến tham gia của cố vấn cao cấp, sở, ngành, Hội đồng quy hoạch tỉnh và Ban chỉ đạo quy hoạch tỉnh, Quy hoạch tỉnh hiện đang được triển khai các bước dự thảo để hoàn thiện, xin ý kiến tham gia của các bộ, ngành, các địa phương trong vùng và lân cận, tổ chức, cá nhân, người dân và doanh nghiệp theo quy định.
Tại cuộc họp, đơn vị tư vấn báo cáo tổng quan về tiến độ và quy hoạch tỉnh; xin ý kiến về 5 chủ đề nghiên cứu: Hợp tác với các quốc gia và các tỉnh lân cận; thu hút đầu tư và khai thác hiệu quả các khu công nghiệp; phát triển bền vững; logistics; phát triển đại đô thị. Đồng thời, nêu rõ các định hướng, giải pháp phát triển cho từng ngành, lĩnh vực...
Trên cơ sở ý tưởng của đơn vị tư vấn, các chuyên gia cao cấp và các đại biểu dự họp đã tập trung trao đổi, thảo luận làm rõ một số quan điểm; đưa ra nhiều ý kiến đề xuất đơn vị tư vấn tham khảo, bổ sung vào quy hoạch tỉnh Quảng Ninh.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá bản dự thảo quy hoạch của đơn vị tư vấn được thực hiện công phu, nhất là đã cụ thể hóa được những ý tưởng của tỉnh Quảng Ninh. Để hoàn thiện bản quy hoạch đạt chất lượng cao nhất, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị đơn vị tư vấn trong bản quy hoạch tỉnh cần làm rõ hơn những mâu thuẫn, thách thức của Quảng Ninh. Đó là những thách thức giữa khai thác than góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển công nghiệp năng lượng xung đột với phát triển du lịch dịch vụ trên cùng 1 địa bàn; giữa đẩy mạnh phát triển kinh tế với đảm bảo độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ ở khu vực biên giới; giữa phát triển bền vững với hóa giải tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và các thách thức an ninh phi truyền thống; giữa đẩy mạnh công nghiệp hóa, đô thị hóa với phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh và phát triển môi trường. Và 1 thách thức đang hiện hữu lớn nhất là thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng của Quảng Ninh.
Về quan điểm, định hướng, cần bám sát 5 quan điểm, định hướng phát triển của tỉnh đã được nêu rõ trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Đó là, tiếp tục đổi mới toàn diện, mạnh mẽ tư duy phát triển nhanh – bền vững, đồng bộ về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường sinh thái, bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh và chủ quyền biên giới quốc gia. Phát huy tối đa, hiệu quả các tiềm năng, lợi thế riêng có, khác biệt; khai thác và sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh mang lại nhờ hệ thống kết cấu hạ tầng động lực về kinh tế - xã hội ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, hiện đại; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên nền tảng nguồn nhân lực chất lượng cao, yếu tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu KHCN. Chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột (thiên nhiên, con người, văn hóa), kết hợp với xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập và cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại. Kiên trì thực hiện tổ chức không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá”; phát triển đô thị theo mô hình đa cực, lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối. Phát triển Khu kinh tế Vân Đồn và Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái là hai mũi đột phá. Các hành lang giao thông hoàn thiện, đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông, tổng thể của 2 tuyến phía Đông, phía Tây gồm cả đường bộ cao tốc – sân bay – bến cảng định hình mới các hành lang đô thị, hành lang kinh tế.
Về các khâu đột phá, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược, đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông tổng thể; xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh.
Trong bối cảnh mới, với vai trò cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của phía Bắc, đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu, thiết kế các cơ chế đặc thù để Quảng Ninh thực sự phát huy vị trí chiến lược của tỉnh để trở thành một điểm trung chuyển chiến lược giữa Trung Quốc, ASEAN và Việt Nam; giữa các nước trong khu vực Đông Á, Đông Nam Á. Đặc biệt là điểm trung chuyển chiến lược trong hợp tác hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt Nam – Trung Quốc, hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ; trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ hội nhập quốc tế với thế giới của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; một trong 3 đầu tàu kinh tế của phía Bắc (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh). Tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh mang lại nhờ hệ thống kết cấu hạ tầng động lực về kinh tế xã hội ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, hiện đại để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng tự chủ, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên nền tảng nguồn nhân lực chất lượng cao, yếu tố đổi mới, sáng tạo, ứng dụng các thành tựu KHCN; tận dụng lợi thế phát triển từ không gian rừng, đồi núi cũng như cơ hội phát triển đột phá từ kinh tế chia sẻ, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm.
Về định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực của tỉnh, đơn vị tư vấn cần làm rõ được những định hướng, phát triển kinh tế biển, tập trung cho phát triển dịch vụ, du lịch biển bảo đảm chất lượng cao; các KCN, KKT, kinh tế biển đảo với công nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới gắn với các khu đô thị sinh thái, đô thị xanh ven biển, thích ứng với biến đổi khí hậu; nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, trọng tâm là nuôi biển công nghệ cao, thân thiện với môi trường và dịch vụ hậu cần nghề cá; phát triển cảng biển, dịch vụ cảng biển và vận tải biển – hàng không; tạo đột phá phát triển các KKT, KCN sinh thái ven biển gắn với hình thành phát triển các mô hình KCN – đô thị - dịch vụ tại các đô thị.
Đối với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, phải tập trung thu hút FDI thế hệ mới; sản xuất phụ tùng ô tô và sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo, chế biến thủy sản, dệt may công nghiệp số 4.0; phát triển công nghiệp chế biến gỗ để sớm đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm sản xuất chế biến, chế tạo công nghệ cao của cả nước. Về phát triển hạ tầng giao thông, tập trung giao thông kết nối nội vùng, giao thông thông minh, giao thông kết nối vùng.
Ngoài ra, đơn vị tư vấn cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung thêm định hướng phát triển cho ngành dịch vụ du lịch với mục tiêu mà Quảng Ninh hướng tới là trở thành trung tâm logistics của cấp vùng, quốc gia và cấp khu vực; đối với ngành nông, lâm, thủy sản là trở thành trung tâm chế biến thủy sản để đưa sản phẩm vươn ra thế giới.
Kỳ vọng bản quy hoạch mới của giai đoạn 10 năm sẽ tạo đột phá mới cho tỉnh Quảng Ninh phát triển vì vậy để đảm bảo tiến độ đề ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp thu chỉnh sửa, hoàn thiện quy hoạch đảm bảo sản phẩm khi trình duyệt thực hiện các bước lấy ý kiến các bộ, ngành, các địa phương trong vùng và lân cận đủ sức thuyết phục, đáp ứng yêu cầu đề ra.
Chiều cùng ngày, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp cho ý kiến về nội dung, chương trình Kỳ họp chuyên đề tháng 2/2022 HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026; nội dung các tờ trình, dự thảo nghị quyết về việc: Điều chỉnh Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Quảng Ninh; Điều chỉnh, phân bổ Kế hoạch Đầu tư công năm 2022; bổ sung, điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương năm 2022 tại Nghị quyết số 77/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh; về việc điều chỉnh Nghị quyết số 94/2017/NQ-HĐND ngày 13/12/2017 về việc thí điểm áp dụng một số chính sách đối với người làm việc theo chế độ hợp đồng tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh Quảng Ninh.
Thống nhất các ý kiến trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phải tích cực phối hợp một cách nghiêm túc, chặt chẽ, trách nhiệm hơn trong công tác chuẩn bị các báo cáo, tờ trình, dự thảo Nghị quyết, đảm bảo chất lượng kỳ họp chuyên đề tháng 2 của HĐND tỉnh nhằm chỉ đạo triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, trong đó trọng điểm là trong lĩnh vực đất đai, đầu tư công.
Cùng với việc bám sát đúng quy định của pháp luật, trong mỗi tờ trình phải làm rõ căn cứ, tính cấp thiết cũng như đáp ứng được những yêu cầu thực tiễn và mong muốn của cử tri. Đối với việc liên quan bổ sung, điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương, cần phải tập trung rà soát tất cả các nhiệm vụ năm 2021 về nguồn chi, đầu tư công, nguồn thu… tập trung chỉ đạo triển khai dứt điểm. Đối với nội dung về tờ trình thông qua danh mục thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng, chỉ xem xét đối với các dự án cấp tỉnh thực sự cấp thiết, cấp bách, dự án động lực của tỉnh, đáp ứng định hướng phát triển quy hoạch mới. Đối với các dự án do cấp huyện quyết định đề nghị thực hiện đúng kỷ cương, quy định, pháp luật Nhà nước.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Quảng Ninh sẽ dành nguồn tăng thu của tỉnh năm 2021 để triển khai thực hiện hệ thống giao thông kết nối đồng bộ giữa vùng thấp, vùng động lực, vùng phát triển của TP Hạ Long với vùng cao của TP Hạ Long và huyện Ba Chẽ, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo động lực để nhân dân thoát nghèo, giảm khoảng cách chênh lệch vùng miền, nhanh chóng kết nối từ vùng thấp lên vùng cao. Do đó, yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo ngành giao thông, UBND TP Hạ Long, UBND huyện Ba Chẽ nghiên cứu tổng thể hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, xác định rõ lộ trình đầu tư phù hợp. Bên cạnh đó, cùng với nguồn tăng thu của tỉnh năm 2021, nguồn hỗ trợ, chia sẻ của ngành Than, triển khai đầu tư, mở rộng, nâng cấp, phát triển Bệnh viện Phổi Quảng Ninh trở thành một bệnh viện chuyên sâu các bệnh về phổi có chất lượng cao.
Đối với Nghị quyết số 94/2017/NQ-HĐND, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, nhấn mạnh: Đây là nghị quyết riêng có của tỉnh Quảng Ninh, đề nghị Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, các đồng chí Tỉnh ủy viên chịu trách nhiệm về các lĩnh vực được phân công, rà soát, đánh giá toàn diện việc thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 94 và các chủ trương chính sách có liên quan của Trung ương như: Nghị định 161, Nghị quyết 102, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy để có đánh giá và đưa ra chủ trương tổng thể.
Tại hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe báo cáo về kết quả giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh về việc chấp hành các quy định trong quản lý và sử dụng tài sản công tại các cơ quan nhà nước, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018-2020; cho ý kiến về Đề án phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực, xây dựng thương hiệu của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Thu Chung - Trúc Linh
Liên kết website
Ý kiến ()