Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 15:31 (GMT +7)
Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Thứ 4, 20/10/2021 | 19:16:46 [GMT +7] A A
Ngày 20/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp nghe và cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe và cho ý kiến vào tình hình thực hiện dự toán ngân sách năm 2021, dự toán thu, chi ngân sách địa phương năm 2022, Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024; Kế hoạch tài chính 5 năm 2021-2025; đánh giá phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi; tỷ lệ phần trăm phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách năm 2017 – 2021 và xây dựng quy định cho thời kỳ ổn định ngân sách 2022-2025; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của tỉnh.
Trong bối cảnh tiếp tục chịu tác động tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp, kéo dài, khó lường gây ảnh hưởng rất nặng nề tới các ngành, lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, động lực của tỉnh, nhưng bằng các giải pháp linh hoạt, quyết liệt, tình hình thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh 10 tháng năm 2021 vẫn đảm bảo kịch bản đề ra. Tổng thu ngân sách Nhà nước đến hết ngày 17/10 đạt trên 34.249 tỷ đồng, bằng 66% dự toán tỉnh giao. Trong đó, thu nội địa đạt 26.847 tỷ đồng, bằng 68% dự toán; thu xuất nhập khẩu đạt trên 7.401 tỷ đồng bằng 62% dự toán. Ước cả năm thực hiện thu ngân sách đạt trên 51.000 tỷ đồng.
Cuộc họp cũng tập trung đánh giá tình hình thu ngân sách năm 2021 so với kế hoạch HĐND tỉnh và Trung ương giao; làm rõ những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 từ năm 2020 tới nay, nhất là liên quan tới các khoản thu phí, lệ phí… và bám sát các chỉ đạo của Trung ương tại Kết luận số 11 Hội nghị lần ba BCH Trung ương Đảng; Chỉ thị số 20 của Chính phủ và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tỉnh Quảng Ninh tập trung xây dựng dự toán thu, chi ngân sách địa phương năm 2022, Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024; Kế hoạch tài chính 5 năm 2021-2025.
Bên cạnh chỉ ra những điều kiện thuận lợi, các ý kiến tại cuộc họp đã nêu rõ những khó khăn, thách thức đối với thực hiện tài chính ngân sách trên địa bàn tỉnh trong năm 2022, cũng như cả giai đoạn để qua đó có những giải pháp cụ thể, linh hoạt, đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra. Dự báo dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh trong nước, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ du lịch, vận tải, bán lẻ hàng hóa, nhà hàng khách sạn... Một số doanh nghiệp do khó khăn về tài chính chưa giải quyết; tiền thuế còn nợ đọng đã ảnh hưởng đến kết quả thu ngân sách nhà nước của ngành thuế; ngành than có đóng góp lớn cho số thu ngân sách nội địa của tỉnh, tuy nhiên hoạt động sản xuất kinh doanh lại phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết, nhu cầu tiêu thụ than của các hộ lớn như nhiệt điện, xi măng giảm. Các mặt hàng chính chiếm tỷ trọng lớn trong số thu của Hải quan Quảng Ninh là xăng dầu, than, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi nhập khẩu... đều chịu tác động lớn từ thị trưởng trong nước và thế giới, thiên tai, dịch bệnh.
Tại cuộc họp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất cho rằng, từ thực tiễn lãnh đạo chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, chi ngân sách địa phương trên địa bàn tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 và đặc biệt là trong năm 2020, 2021 – 2 năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, đã chỉ ra nhiều bài học kinh nghiệm cho năm 2022, cũng như cả giai đoạn từ nay tới 2025. Trước hết, trong khó khăn, tỉnh càng phát huy cao độ tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, quyết liệt cơ cấu thu ngân sách theo hướng chuyển dịch tích cực; đảm bảo cân đối vững chắc thu, chi ngân sách nhà nước địa phương; kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách được tăng cường. Tỉnh đã thực hiện tăng thu triệt để, tiết kiệm chi thường xuyên để tăng chi đầu tư phát triển, gắn với tái cơ cấu đầu tư công, tháo gỡ các nút thắt, những điểm nghẽn để khơi thông, kết nối, tổ chức lại các nguồn lực phát triển theo mô hình lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, tạo đột phá trong huy động hợp tác công – tư, từ đó huy động được nguồn lực lớn từ các thành phần kinh tế để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông, dịch vụ, du lịch, khu công nghiệp, khu kinh tế. Nhiều công trình trọng điểm được đưa vào hoạt động thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng và hợp tác quốc tế.
Với sự nỗ lực cao nhất, trong điều kiện khó khăn, năm 2021, tỉnh vẫn nỗ lực phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước so với dự toán Trung ương và HĐND tỉnh giao. Trong năm 2022, và giai đoạn 2022-2025, tốc độ tăng thu nội địa - không kể tiền đất, xổ số kiến thiết, cổ tức, tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, phấn đấu đạt thấp nhất 8%/năm và phấn đấu đạt theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra là đảm bảo tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 10%/năm. Tiếp tục đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách tỉnh trong hệ thống ngân sách chính quyền địa phương, phù hợp với phân cấp và tỷ lệ % điều tiết của ngân sách Trung ương cho địa phương. Khích lệ những địa phương nào đủ điều kiện phấn đấu tự chủ tài chính.
Trên cơ sở sử dụng tiết kiệm, căn cơ nguồn lực để ưu tiên vào những nội dung trọng tâm, trọng điểm, có địa chỉ cụ thể. Ngoài các công trình Đại hội Đảng bộ tỉnh quyết nghị, cần ưu tiên nguồn lực thực hiện các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ, kinh tế số, xã hội số và chính quyền số và môi trường, đảm bảo chống dịch trong mọi tình huống và 3 đột phá chiến lược, đặc biệt là đột phá về xây dựng văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh; tiếp tục thúc đẩy hợp tác công – tư trên cơ sở ngân sách đầu tư đúng hướng tạo động lực thu hút đầu tư tư.
Đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của tỉnh, thống nhất nguyên tắc: Quán triệt đầy đủ chỉ đạo của Trung ương, quy định của pháp luật; ưu tiên cho các dự án trọng điểm đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và dự án hợp tác công tư. Không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công hàng năm bình quân của giai đoạn 2021-2025 trên 95%; số dự án hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025 chiếm trên 85% số dự án được bố trí vốn. Đầu tư có trọng tâm trọng điểm, khắc phục đầu tư dàn trải, phân tán kéo dài; kiên quyết cắt giảm tối đa số lượng dự án, công trình khởi công mới. Trong đó, tập trung vào hạ tầng thiết yếu để phát triển quỹ đất tái định cư vừa đảm bảo an sinh xã hội, vừa thúc đẩy nhà ở công nhân ngoại tỉnh ở các KCN, KKT; đảm bảo chi đầu tư các địa phương mới thoát nghèo, địa phương còn nợ tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; hạ tầng y tế, giáo dục thiết yếu theo yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và y tế của giai đoạn vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Về nguyên tắc phân bố vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025, phải đảm bảo ngân sách cấp tỉnh giữ vai trò chủ đạo, tỷ trọng vốn chi đầu tư trong ngân sách tỉnh bằng giai đoạn trước; hằng năm bố trí vốn đầu tư phát triển tăng từ 4-6%. Việc bố trí vốn trung hạn và hàng năm được phân bổ chi tiết đến từng danh mục công trình cụ thể; tuân thủ thứ tự ưu tiên trong phân bổ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo đúng quy định của Luật đầu tư công và chủ trương của tỉnh.
Cũng trong chiều nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe và cho ý kiến về tiến độ triển khai lập Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 do Công ty TNHH McKinsey & Company Việt Nam tư vấn và được lập trong 9 tháng, gồm 5 giai đoạn với 6 sản phẩm. Hiện, đơn vị tư vấn đang triển khai giai đoạn 2 của dự án: Lập dự thảo báo cáo Lần 1 báo cáo quy hoạch tỉnh Quảng Ninh. Dự kiến hoàn thiện, gửi nghiệm thu sản phẩm 2 vào tuần cuối tháng 10 này.
Trên cơ sở ý tưởng của đơn vị tư vấn, các đại biểu dự họp đã tập trung trao đổi, thảo luận làm rõ một số quan điểm; đưa ra nhiều ý kiến đề xuất đơn vị tư vấn tham khảo, bổ sung vào quy hoạch tỉnh Quảng Ninh.
Trong bối cảnh mới, với vai trò cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của phía Bắc, cầu nối hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN khi có hệ thống giao thông đồng bộ từ cao tốc, sân bay, bến, cảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu làm rõ các vấn đề tỉnh Quảng Ninh rất quan tâm để bổ sung vào bản quy hoạch. Đó là làm rõ được những cơ hội phát triển mà tỉnh sẽ có được từ kinh tế biên mậu, liên kết vùng; phát triển đô thị gắn với hiệu quả kinh tế đô thị. Đặc biệt là tham vọng xây dựng tỉnh trở thành trung tâm logistics của ASEAN nhất là khi tỉnh đang có hệ thống hạ tầng giao thông, hệ thống cảng biển đồng bộ, hiện đại; làm rõ chiến lược không gian phát triển của tỉnh, nhất là không gian biển; tỷ lệ che phủ rừng theo từng giai đoạn. Cùng với đó, chia sẻ kinh nghiệm về việc xây dựng bộ công cụ quản trị và phát triển bền vững địa phương để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của thế giới và của Việt Nam.
Kỳ vọng bản quy hoạch mới của giai đoạn 10 năm sẽ tạo đột phát mới cho tỉnh Quảng Ninh phát triển vì vậy để đảm bảo tiến độ đề ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp thu chỉnh sửa, hoàn thiện quy hoạch. Lãnh đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp với đơn vị tư vấn đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()