Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:58 (GMT +7)
Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 25
Thứ 7, 21/05/2022 | 17:52:55 [GMT +7] A A
Ngày 21/5, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV tổ chức hội nghị lần thứ 25 để nghe và cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì hội nghị.
Hội nghị đã cho ý kiến về Đề án “tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”. Đây là một trong 15 đề án, chương trình trọng điểm đã được Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV quyết nghị.
Trong những năm qua, đặc biệt giai đoạn 2012-2022, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng từ tỉnh đến cơ sở đã có nhiều đổi mới, đột phá. Các cấp ủy Đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xây dựng đội ngũ CB,CC,VC từng bước đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, trọng tâm là triển khai Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 3/3/2015 của Tỉnh ủy với nhiều mô hình mới về tổ chức, cán bộ, kiêm nhiệm chức danh để tinh gọn đầu mối và kiểm soát quyền lực, đã khẳng định hiệu quả trong thực tế.
Các cấp ủy đảng lãnh đạo, chỉ đạo đi sâu vào sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và các đầu mối của từng tổ chức, cơ quan chuyên môn; cơ cấu lại, chuyển đổi mô hình và giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công lập, hoàn thành trước 1 năm mục tiêu giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015; triển khai hiệu quả sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; quyết liệt tinh giản biên chế, cơ cấu, nâng cao chất lượng đội ngũ; từng bước xây dựng đồng bộ hệ thống các quy chế, quy định, đảm bảo triển khai tốt các khâu trong công tác cán bộ, cơ bản đủ nguồn cán bộ đáp ứng yêu cầu ổn định, kế thừa, chuyển tiếp giữa các thế hệ; đã trở thành một trong những động lực quan trọng giúp Quảng Ninh đạt được những kết quả toàn diện, nổi bật trên các lĩnh vực, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế phía Bắc.
Nhằm tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế đi đôi với nâng cao chất lượng, bảo đảm nhân lực thực hiện nhiệm vụ, tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã quyết nghị và xác định Đề án “tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh theo hướng tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” là một trong những đề án, chương trình trọng điểm trong nhiệm kỳ này.
Đề án được xây dựng công phu với sự tham gia, lấy ý kiến sâu rộng của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh, trên tinh thần kế thừa và phát triển trong giai đoạn mới của Đề án 25, Nghị quyết 19-NQ/TU của Tỉnh ủy và Nghị quyết 18-NQ/TW, 19-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng, Kết luận số 28-KL/TW ngày 21/2/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.
Tại hội nghị, bên cạnh việc tham gia ý kiến vào việc hoàn thiện các mô hình thí điểm, đặc thù riêng có của Quảng Ninh gắn với cơ chế phân công, kiểm soát quyền lực và công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên nhằm đảm bảo tính bền vững, các đại biểu cũng tập trung phân tích sâu vào một số nội dung mới mà Đề án đề cập tới như phát triển hệ thống trường tiên tiến hoặc chất lượng cao, lớp chất lượng cao, đảm bảo tới năm 2025, có 15% trường ngoài công lập trên tổng số các trường trên địa bàn tỉnh; việc sắp xếp một số trung tâm của một số sở, ngành theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả phù hợp với thực tiễn hơn và giảm 10% số người ở các đơn vị sự nghiệp công lập không hưởng lương ngân sách giai đoạn 2021-2025 theo chỉ đạo chung của Trung ương, của tỉnh và đảm bảo yêu cầu phát triển mạnh mẽ và hội nhập quốc tế của tỉnh.
Qua thảo luận, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thể hiện tinh thần thống nhất cao với nội dung Đề án và việc ban hành một nghị quyết mới thay thế cho Nghị quyết 19-NQ/TU của Tỉnh ủy với mục tiêu lớn nhất là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; phát huy dân chủ trên các lĩnh vực đời sống xã hội; tiếp tục củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền và tới năm 2025, xây dựng Quảng Ninh là tỉnh công nghiệp, dịch vụ hiện đại, một trong những trung tâm phát triển năng động của phía Bắc.
Để đảm bảo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ theo chỉ đạo của Trung ương liên quan tới phấn đấu giảm 10% người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước; giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập; tăng 10% đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ so với năm 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng cho rằng, trong nghị quyết phải xác định cụ thể các chỉ tiêu, chỉ tiêu tới năm 2025 và năm 2030 liên quan tới tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời, đề ra được những kế hoạch, lộ trình, giải pháp phù hợp với từng giai đoạn.
Trước hết, phải bổ sung giải pháp riêng về công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra của cấp ủy, chính quyền các cấp, trong đó phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; giải pháp về việc xây dựng cơ chế chính sách liên quan tới thực hiện nghị quyết này. Dành ít nhất 50% nhu cầu tuyển dụng hàng năm để tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số, nguồn nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao, cán bộ chuyên môn sâu, làm việc trong môi trường quốc tế. Có chính sách hỗ trợ tuyển nguồn nhân lực chất lượng cao cho những ngành nghề mà tỉnh đang thu hút như công nghệ thông tin, cảng biển, logistics, chế biến chế tạo…; ưu tiên quỹ đất cho cơ sở giáo dục để phát triển theo đúng định hướng về mô hình đào tạo chất lượng cao.
Sau khi ban hành nghị quyết, cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị cần tăng cường quán triệt, nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất ý chí và hành động trong cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, đặc biệt là người đứng đầu để việc triển khai nghị quyết có hiệu quả cao nhất.
Cùng ngày, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh kiểm điểm công tác điều hành dự toán ngân sách tỉnh năm 2021 theo Thông báo số 573-TB/TU ngày 25/4/2022. Năm 2021, công tác lập dự toán thu, chi ngân sách của tỉnh đã chấp hành quy định của Luật Ngân sách nhà nước, chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy và HĐND tỉnh. Dự toán chi ngân sách địa phương đã được xây dựng theo các quy định. Công tác điều hành dự toán thu, chi ngân sách của tỉnh được quan tâm, chỉ đạo linh hoạt, trong đó đặc biệt là thu ngân sách và chi đầu tư phát triển. Về thu ngân sách đã có điều hành tăng thu nội địa kịp thời để bù hụt thu xuất nhập khẩu do nhiều yếu tố khách quan tác động. Trong thời điểm 10 tháng đầu năm 2021, số thu ngân sách chưa đạt tiến độ, song UBND tỉnh đã điều hành ưu tiên, cân đối nhiệm vụ chi thường xuyên chưa cần thiết bổ sung vốn đầu tư. Nhờ đó kết quả giải ngân vốn đầu tư của tỉnh đến hết năm đạt 95% góp phần vào kết quả tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Qua thảo luận đánh giá những kết quả đạt được, cùng một số tồn tại hạn chế, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thống nhất một số nội dung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách và đầu tư công. Trong đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính - ngân sách, kết hợp đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp quản lý, điều hành thu, chi ngân sách nhà nước, đầu tư công, quản lý, khai thác và nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công ở tất cả các cấp ngân sách.
Cùng với đó, tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thu ngân sách nhà nước, bảo đảm thu đúng, thu đủ; tăng cường giải pháp chống thất thu thuế, chống chuyển giá, trốn thuế, giảm tỷ lệ nợ thuế, mở rộng triển khai hóa đơn điện tử; cải cách, hiện đại hóa hệ thống cơ quan thuế, hải quan, kho bạc nhà nước. Cơ cấu lại nguồn lực và nhiệm vụ chi đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tập trung nguồn lực triển khai hoàn thành dứt điểm các công trình, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa rộng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước và đảm bảo phát triển hài hòa giữa các vùng miền trong tỉnh.
Cũng tại hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thống nhất việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, làm Trưởng ban. Đây là chủ trương có ý nghĩa quan trọng nhằm góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta theo đúng chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị lần thứ 5.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()