Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 15:03 (GMT +7)
Hội nghị An ninh Munich không đạt được kết quả mang tính đột phá
Thứ 2, 19/02/2024 | 23:19:22 [GMT +7] A A
Nhiều quốc gia ngày càng lo ngại được hưởng lợi ít hơn từ hợp tác quốc tế so với các nước khác và xu hướng này có thể ảnh hưởng đến hợp tác và làm suy yếu trật tự quốc tế hiện tại.
Hội nghị An ninh Munich lần thứ 60 (MSC 60), với chủ đề "Hòa bình thông qua đối thoại," đã kết thúc sau 3 ngày họp, dù không đạt được kết quả mang tính đột phá, song ít nhất cũng tạo ra những không gian đối thoại và hòa giải.
Có thể nói chưa bao giờ thế giới cùng lúc phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng đến như vậy kể từ hội nghị MSC đầu tiên cách đây 60 năm.
Những cuộc xung đột tại Ukraine và Dải Gaza của Palestine, cạnh tranh địa chính trị ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang thành các điểm nóng, ảnh hưởng đến an ninh không chỉ ở châu Âu và Trung Đông mà cả nhiều khu vực trên thế giới.
Chủ tịch MSC 2024 Christoph Heusgen nhấn mạnh: "Chúng tôi không muốn giới hạn hội nghị trong cuộc xung đột ở chính châu Âu. Chủ đề chính sẽ là làm thế nào chúng ta có thể tìm thấy điểm sáng trong tất cả những cuộc khủng hoảng này. Chúng tôi hy vọng Hội nghị An ninh Munich tạo cơ hội cho những bước tiến dù nhỏ. Thông điệp mà chúng tôi muốn gửi đi là 'Hòa bình thông qua đối thoại' và chúng tôi muốn cung cấp một nền tảng cho các cuộc đối thoại này."
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng cơ chế quản trị toàn cầu theo mô hình hiện nay đang làm gia tăng tình trạng chia rẽ. Thế giới đang đối mặt với những thách thức hiện hữu nhưng cộng đồng quốc tế lại bị phân tán và chia rẽ sâu sắc nhất trong 75 năm qua. Người đứng đầu Liên hợp quốc nêu bật sự cần thiết phải xây dựng "một trật tự thế giới mới vận hành vì tất cả mọi người dân."
Theo ông, nếu các quốc gia hoàn thành nghĩa vụ quốc tế của mình theo Hiến chương Liên hợp quốc, tất cả người dân trên thế giới đều được sống trong hòa bình và phẩm giá. Tuy nhiên, nhiều chính phủ không thực hiện những cam kết này và hàng triệu dân thường đang phải trả những cái giá khủng khiếp, số người phải chạy nạn trên thế giới hiện đã tăng cao kỷ lục.
Không phải ngẫu nhiên mà "Lose-Lose" (Cùng thua) chính là tiêu đề Báo cáo an ninh thường niên 2024 của MSC, trong đó các tác giả quan ngại do căng thẳng địa chính trị và bất ổn kinh tế ngày càng gia tăng, nhiều chính phủ không còn tập trung vào lợi ích của hợp tác toàn cầu. Thay vào đó, nhiều quốc gia ngày càng lo ngại được hưởng lợi ít hơn từ hợp tác quốc tế so với các nước khác. Xu hướng này có thể ảnh hưởng đến hợp tác và làm suy yếu trật tự quốc tế hiện tại.
Tình hình ở Dải Gaza là minh chứng rõ ràng cho thấy sự bế tắc trong quan hệ toàn cầu, mức độ thương vong và tính chất hủy diệt của cuộc xung đột tại đây thực sự gây choáng váng. Trong những phiên thảo luận về cuộc xung đột Hamas-Israel, lãnh đạo các tổ chức quốc tế và quan chức các nước đều nhất trí rằng chỉ có giải pháp hai nhà nước mới có thể bảo đảm hòa bình lâu dài.
Nhiều nhà lãnh đạo cũng kêu gọi khôi phục nền hòa bình bền vững và công bằng cho cả Ukraine, cho Nga và thế giới, nhấn mạnh vai trò của việc thúc đẩy tái khởi động các cuộc đàm phán giải quyết xung đột sớm nhất có thể.
Đa số các ý kiến nêu ra đều nhấn mạnh tới sự cần thiết phải đối thoại nhằm chấm dứt các cuộc xung đột hiện nay dựa trên quan điểm không nên có "người thắng" hay "kẻ thua" giữa các quốc gia trên thế giới mà thay vào đó, mỗi quốc gia đều có thể hưởng lợi từ hợp tác quốc tế. Đó cũng là lý do tại sao đại diện từ các quốc gia Nam bán cầu, vốn là các nước thuộc địa cũ và đang phát triển, được mời tham dự Hội nghị An ninh Munich 2024, bên cạnh các đại biểu truyền thống từ các quốc gia công nghiệp hóa phương Tây.
Các đại biểu đến từ châu Á, châu Phi hay Nam Mỹ đều tham gia thảo luận và có tiếng nói của mình, khiến hội nghị năm nay trở thành một diễn đàn đa dạng và công bằng hơn.
Nhiều cuộc tiếp xúc bên lề Hội nghị An ninh Munich cũng cho thấy ý nghĩa của việc duy trì đối thoại trong giải quyết các bất đồng.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc gặp song phương thảo luận một loạt vấn đề chiến lược, tham vấn trong những lĩnh vực quan trọng, thể hiện hai nước đang nỗ lực tăng cường tiếp xúc cấp cao sau thời gian dài căng thẳng. Phía Trung Quốc khẳng định hai bên đã có cuộc thảo luận thẳng thắn, thực chất, và xây dựng.
Sau một cuộc gặp 3 bên, Thủ tướng Đức Olaf Scholz thông báo Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã nhất trí giải quyết bất đồng giữa hai nước liên quan khu vực Nagorny-Karabakh thông qua các biện pháp hòa bình.
Trong bối cảnh lo ngại về nguy cơ Trí tuệ Nhân tạo (AI) sẽ thao túng các cuộc bầu cử, thông qua các cuộc thảo luận, một nhóm gồm 20 công ty công nghệ hàng đầu thế giới đã nhất trí ký hiệp định nhằm ngăn chặn các nội dung giả mạo về chính trị do AI tạo ra. Hiệp định trên được công bố tại MSC 2024, có sự tham gia của nhiều tên tuổi lớn như Meta, X, Google, OpenAI, Microsoft, TikTok, Snap, Adobe, LinkedIn, Amazon và IBM...
Kể từ khi được hình thành cách đây 60 năm, Hội nghị An ninh Munich là diễn đàn hàng đầu thế giới về chính sách an ninh quốc tế, là nơi hình thành các sáng kiến ngoại giao nhằm giải quyết những mối quan ngại an ninh cấp bách nhất của thế giới. Những cơ hội đối thoại tại MSC 2024 tạo ra hy vọng cộng đồng quốc tế có thể biến “Lose-Lose” (cùng thua) sang “Win-Win” (cùng thắng), bởi đối thoại cũng chính là lợi ích của tất cả các bên./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()