Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 05:17 (GMT +7)
Hội LHPN huyện Đầm Hà Hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế
Thứ 7, 07/08/2021 | 10:24:56 [GMT +7] A A
Các cấp hội phụ nữ trên huyện Đầm Hà đã tích cực vận động cán bộ, hội viên tổ chức nhiều hoạt động tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, chung tay đẩy nhanh chương trình xây dựng NTM.
Xác định phát triển kinh tế, giảm nghèo, tăng thu nhập cho hội viên là một trong những mục tiêu quan trọng trong xây dựng NTM, Hội LHPN huyện đã tập trung đẩy mạnh các phong trào “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP của địa phương; tuyên truyền, vận động gia đình hội viên tích cực tham gia các mô hình phát triển kinh tế, như: Chăn nuôi gà, lợn, trâu, vịt đẻ trứng xã Tân Bình, xã Quảng Lâm; trồng cây ăn quả (ổi, táo, na...) xã Quảng Tân, xã Tân Lập; mô hình kinh doanh dịch vụ (hiện có 17 mô hình, 1.112 thành viên), từ đó tích cực tham gia xây dựng NTM.
Để tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ chị em phát triển kinh tế, từ năm 2016 đến nay, Hội LHPN huyện phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH huyện tổ chức 5 lớp dạy nghề cho 155 lao động nông thôn các xã Dực Yên, Quảng An, Quảng Tân, Tân Bình; 12 lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho 766 lượt hội viên phụ nữ trên địa bàn. Các cấp hội cũng hỗ trợ hội viên tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình; duy trì hoạt động ủy thác vay vốn Ngân hàng CSXH với tổng dư nợ 110,2 tỷ đồng cho 1.928 lượt hộ vay. Hội duy trì và phát huy hiệu quả Quỹ "Mái ấm tình thương" hỗ trợ trên 800 triệu đồng cho 15 phụ nữ đơn thân, tàn tật, phụ nữ nghèo xây nhà ở, giúp chị em vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Được hỗ trợ về nguồn vốn và nắm bắt được khoa học kỹ thuật, nhiều chị em đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, vươn lên làm giàu chính đáng.
Chị Nguyễn Thị Lương (thôn Tân Hòa, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà) cho biết: Nhận thấy giống gà bản địa của địa phương có tiềm năng, năm 2015 tôi quyết định đầu tư phát triển mô hình nuôi gà. Nhưng do lúc đó chưa có phương thức chăn nuôi hợp lý, sản xuất còn nhỏ lẻ, nên gà không bán được là bao. Nhờ sự khích lệ, động viên của hội phụ nữ, tôi nhận ra rằng để sản phẩm cạnh tranh trên được trên thị trường, đầu tiên phải khẳng định được chất lượng, thương hiệu của sản phẩm, phải chuyển đổi mô hình từ sản xuất nhỏ lẻ sang phát triển sản phẩm hàng hóa. Vì vậy, khi biết đến chương trình OCOP, tôi đã đăng ký tham gia phát triển gà bản địa Đầm Hà thành sản phẩm OCOP.
Cùng với hỗ trợ phát triển hội viên phát triển kinh tế, Hội LHPN huyện đã triển khai sâu rộng cuộc vận động xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch" gắn với các tiêu chí xây dựng NTM; chỉ đạo các chi hội vận động hộ hội viên giữ gìn vệ sinh môi trường.
Đến nay, các cấp hội đã xây dựng được 11 đoạn đường xanh - sạch - đẹp do phụ nữ quản lý; 19 chi hội “3 sạch”; mô hình “Dùng làn đi chợ” tại thị trấn Đầm Hà với 200 thành viên; duy trì, nhân rộng hoạt động của 48 tổ thu gom rác thải với 85 thành viên; xây dựng mô hình ”con đường hoa” và mô hình phân loại rác thải tại 9/9 xã, thị trấn.
Với sự tham gia tích cực, hiệu quả của hội viên phụ nữ, phong trào phụ nữ tham gia xây dựng NTM đã làm thay đổi nhận thức, tư duy của nhiều bà con nơi đây trong thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí về xây dựng NTM; góp phần đưa phong trào xây dựng NTM ở huyện ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, phát huy được hiệu quả rõ nét, cải thiện đời sống của người dân...
Vân Anh
Liên kết website
Ý kiến ()