Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:59 (GMT +7)
Hội Khuyến học tỉnh Quảng Ninh: 20 năm nỗ lực phấn đấu, sáng tạo
Thứ 5, 24/02/2022 | 17:06:43 [GMT +7] A A
Ngày 27/2/2002, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh ký Quyết định số 765/QĐ-UB “Cho phép thành lập Hội Khuyến học tỉnh Quảng Ninh”. Sau đó, ngày 8/1/2004 ký tiếp Quyết định số 27/QĐ-UB “Bổ sung và kiện toàn Ban Chấp hành lâm thời Hội Khuyến học tỉnh” và từ đó, Hội Khuyến học tỉnh chính thức hoạt động.
Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh
Ngay sau khi thành lập, Hội đã tập trung xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, phát huy vai trò nòng cốt liên kết phối hợp các tổ chức, các lực lượng xã hội tham gia khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Mở đầu cho việc xây dựng tổ chức, Hội đã kết nạp 175 cựu cán bộ Đoàn Thanh niên, cựu Giáo chức và nhà quản lý giáo dục tâm huyết với sự nghiệp giáo dục và đào tạo làm hội viên đầu tiên. Đây là lực lượng tin cậy, nhanh chóng, lan tỏa ra công chúng.
Ban Chấp hành lâm thời Hội Khuyến học tỉnh đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thành lập và công nhận tổ chức Hội từ cơ sở; thành lập các trung tâm khuyến học cộng đồng xã, phường, thị trấn (nay là Trung tâm Học tập cộng đồng); quyết tâm “Năm 2005, phủ kín tổ chức Hội trong toàn tỉnh kể cả ở vùng sâu, vùng xa, hầu hết cơ quan, trường học, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Khoảng 10% dân số từ 18 tuổi trở lên là hội viên Hội Khuyến học để đến năm 2010 tỷ lệ này đạt khoảng 20%”.
Do toàn Hội, nhất là ở cơ sở quyết tâm phấn đấu cao nên ngay năm đầu tiên thành lập, Hội đã kết nạp trên 3 vạn hội viên, 100% số huyện, thị xã, thành phố; trên 2/3 (nhiều cấp huyện 100%) số xã, phường, thị trấn có tổ chức Hội Khuyến học. Đến nay đã có 309 tổ chức Hội, 2.540 chi hội, 1.378 Ban Khuyến học với gần 40 vạn hội viên, đạt 32% dân số. Quảng Ninh là một trong số tỉnh dẫn đầu cả nước về tỉ lệ hội viên Hội Khuyến học so với dân số.
Để đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, tạo cảm hứng cho việc học tập, tỉnh Hội đã nhanh chóng mở lớp bồi dưỡng kiến thức tin học cho toàn bộ cán bộ Hội Khuyến học huyện, thị xã, thành phố và tỉnh; đồng thời mở lớp học tiếng Anh cho cán bộ Hội Khuyến học tỉnh.
Phát huy vai trò làm nòng cốt trong việc liên kết, phối hợp với các tổ chức, các lực lượng xã hội tham gia khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập theo Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị, Hội Khuyến học tỉnh đã ký chương trình phối hợp công tác với 11 cơ quan, ban, ngành, đoàn thể. Chương trình phối hợp với nội dung cụ thể, thực chất đã huy động được nhiều lực lượng tham gia công cuộc xây dựng xã hội học tập phát triển mạnh mẽ, vững chắc.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Cũng chỉ 3 tháng sau khi thành lập, Bản tin “Khuyến học Quảng Ninh” số đầu tiên được phát hành. Các bản tin được duy trì liên tục, đều đặn, phát hành tận cơ sơ đã đăng tải đầy đủ, kịp thời các Chỉ thị, Quyết định của Đảng, Nhà nước, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; những hoạt động nổi bật, những tấm gương hiếu học; góp phần rất quan trọng vào việc nâng cao nhận thức; thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh.
Hội Khuyến học tỉnh đã thường xuyên phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Quảng Ninh, nay là Trung tâm Truyền thông tỉnh trong công tác tuyên truyền vận động.
“Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” theo chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Trung ương Hội khuyến học Việt Nam được Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học phối hợp tổ chức công phu huy động hàng vạn người tham gia mỗi kỳ là những đợt tuyên truyền quy mô, bài bản; thực sự có tác động trong các tầng lớp nhân dân.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về học suốt đời, xây dựng xã hội và tấm gương sáng ngời về tự học, học suốt đời của Người là nội dung cốt lõi, xuyên suốt quá trình tổ chức vận động phong trào học tập. Nhiều cuộc hội thảo, nói chuyện, trao đổi được tổ chức về chủ đề này, tạo động lực mạnh mẽ đối với mọi người.
Công tác tuyên truyền ngày càng đi vào chiều sâu đã làm chuyển biến nhận thức của mọi người về quyền lợi và trách nhiệm trong việc học tập và tham gia xây dựng xã hội học tập và là một trong những kết quả hoạt động khuyến học, khuyến tài mang lại trong những năm qua.
Tự hào “trái ngọt”
Ngay từ khi mới thành lập, Hội đã lấy việc xây dựng Gia đình, Dòng họ, Cộng đồng, Đơn vị hiếu học (nay là Gia đình, Dòng họ, Cộng đồng, Đơn vị học tập), trong đó Gia đình học tập đóng vai trò hạt nhân là nhiệm vụ cơ bản xuyên suốt. Tiếp đó là các mô hình “Công dân học tập” gắn với “Công dân toàn cầu”, “Cộng đồng học tập cấp xã”; tiến tới xây dựng “Thành phố, huyện, thị xã học tập”; tạo điều kiện để TP Hạ Long tham gia mạng lưới “Thành phố học tập” do UNESCO điều hành.
Đặc biệt Hội Khuyến học tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định 3111/2012/QĐ-UBND quy định Danh hiệu “Gia đình, dòng họ, đơn vị, khu dân cư hiếu học” (nay là Gia đình, dòng họ, đơn vị, khu dân cư học tập). Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước thể chế hóa về nhà nước các danh hiệu học tập; tạo bước ngoặt, đột phá cho việc phấn đấu xây dựng các mô hình học tập.
Phong trào phấn đấu đạt danh hiệu mô hình học tập nhanh chóng được nhân dân hưởng ứng, nhân rộng không chỉ ở đô thị mà cả ở miền núi, hải đảo. Đến năm 2021 đã có 71,4% “Gia đình học tập”, 62,2% “Dòng họ học tập”, 81,6% “Cộng đồng học tập”, 82,9% “Đơn vị học tập”; vượt các mục tiêu Quyết định 281/QĐ-TTg đề ra.
Qua 3 lần tổ chức Hội nghị biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu và 2 Đại hội thi đua, đã có 130 tập thể, 107 cá nhân được UBND tỉnh trao Bằng khen; 125 tập thể, 107 cá nhân được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng Bằng khen, Hội Khuyến học tỉnh tặng Giấy khen cho 155 tập thể và 242 cá nhân, Mặt trận Tổ quốc tỉnh tặng Bằng khen cho 5 tập thể và 5 cá nhân.
Thực tế chỉ rõ các danh hiệu “Công dân học tập”, “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”,… có mối quan hệ tương tác, bổ trợ cho nhau, thúc đẩy lẫn nhau cùng phát triển; trong đó, “Công dân học tập” gắn với “Gia đình học tập” là hạt nhân.
Trung tâm Học tập cộng đồng (TTHTCĐ) được đánh giá là phát kiến của nhân loại thế kỷ 20 có nhiều ưu điểm nổi trội; đặc biệt là gắn với khu dân cư, thực hiện phương châm “Cần gì học nấy” đáp ứng nhu cầu của người học; thực sự là mô hình học tập của cộng đồng, do cộng đồng và vì cộng đồng. Ý thức sâu sắc về điều này, Hội Khuyến học đã phối hợp thường xuyên, chặt chẽ, cụ thể với ngành Giáo dục và Đào tạo để chỉ đạo; tập trung chủ yếu vào các khâu quản lý, nôi dung giảng dạy học tập, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị; gắn học tập với vận dụng kiến thức vào thực tiễn kinh tế, xã hội. Tuy còn gặp không ít khó khăn, TTHTCĐ đã được thành lập và duy trì hoạt động ở 177/ 177 xã, phường, thị trấn liên tục mở lớp, tiếp nhận bình quân trên 2 vạn lượt người học mỗi năm. Người học đã được cung cấp nhiều kiến thức bổ ích, thiết thực về kỹ thuật, pháp luật, văn hóa, kỹ năng sống; góp phần thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho các tầng lớp nhân dân.
Xây dựng nguồn lực để góp phần động viên, khích lệ những tấm gương học tốt, đóng góp tích cực cho sự nghiệp Giáo dục Đào tạo là vấn đề các cấp hội trong tỉnh luôn trăn trở, tìm mọi cách để thực hiện.
Ngày 15/9/2007, Ban Chấp hành Hội Khuyến học tỉnh có Nghị quyết số 147/NQ-KHQN về việc phát động cuộc vận động “Ba đỡ đầu” khuyến học khuyến tài (Đỡ đầu học sinh nghèo vượt khó, đỡ đầu học sinh khuyết tật vươn lên, đỡ đầu học sinh giỏi thành tài). Phong trào mang tính nhân văn sâu sắc, riêng có của Quảng Ninh. Suốt 15 năm duy trì, thực hiện phong trào ngày càng mở rộng; các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, lực lượng biên phòng, nhà chùa,.. hăng hái tham gia; tạo điều kiện cho gần 2 vạn học sinh nghèo, học sinh khuyết tật duy trì việc học tập và học tốt..
Quỹ Khuyến học được xây dựng theo phương thức đa dạng hóa. Theo đó, có Quỹ khuyến học gia đình, quỹ khuyến học dòng họ, quỹ khuyến học khu dân cư, quỹ khuyến học cơ quan, trường học,… Hằng năm toàn tỉnh có hơn 10 tỷ đồng Quỹ khuyến học; được quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch.
Hội khuyến học tỉnh đã ban hành Quyết định số 22/QĐ-KHQN ngày 04/09/2004 thành lập Hội đồng bảo trợ với 2 nhiệm vụ chính là: Vì sự nghiệp xã hội hóa Giáo dục, xây dựng xã hội học tập góp phần xây dựng nền kinh tế tri thức; tự nguyện đóng góp, huy động đóng góp vật chất cho hoạt động khuyến học.
Với những giải pháp năng động, sáng tạo kể trên đã tạo nguồn lực thúc đẩy hoạt động khuyến học, khuyến tài ngày càng thiết thực, hiệu quả.
Bên cạnh đó, Hội Khuyến học các cấp đã phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo động viên, khích lệ, khen thưởng những tấm gương dạy tốt, học tốt. Hội Khuyến học tỉnh đã khen thưởng kịp thời học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia hằng năm; học sinh đạt giải thi quốc tế; học sinh đạt giải trong các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật; học sinh quán quân Đường lên đỉnh Olympia.
Các Hội nghị tuyên dương học sinh, sinh viên vượt khó học giỏi, rèn luyện tốt; các thầy, cô giáo xuất sắc trong cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo” kết hợp với trao học bổng liên tục được tổ chức. Đã góp phần rất quan trọng vào việc thúc đẩy phong trào thi đua dạy tốt, học tốt.
Hai mươi năm hoạt động, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức Hội Khuyến học tỉnh và Hội khuyến học các cấp trong tỉnh đã không ngừng nỗ lực phấn đấu đạt kết quả khả quan; được cấp ủy, chính quyền, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Kết quả các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đã tạo nền tảng xã hội vững chắc cho việc phát triển, nâng cao chất lượng Giáo dục - Đào tạo.
Với những thành tích xuất sắc đã đạt được, Hội Khuyến học tỉnh Quảng Ninh đã được tặng 2 cờ thi đua và 8 Bằng khen của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, 10 Bằng khen của UBND tỉnh Quảng Ninh; 1 Bằng khen, 1 cờ thi đua của Chính phủ và năm 2016 được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Trung ương Hội đã tặng 582 Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp khuyến học” để ghi nhận công lao đóng góp của các đồng chí lãnh đạo, quản lý, cán bộ, hội viên khuyến học, những người đã có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của tỉnh.
PV
Liên kết website
Ý kiến ()