Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 19:05 (GMT +7)
Hội đồng Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông triển khai nhiệm vụ năm 2024
Thứ 6, 15/12/2023 | 18:48:44 [GMT +7] A A
Ngày 15/12, tại TP Hạ Long, Hội đồng Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông (VEHEC) tổ chức hội nghị đánh giá tổng kết nhiệm vụ năm 2023 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2024, triển khai thỏa thuận kết nối kinh tế tiểu vùng.
Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh; Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng; Lê Văn Hiệp, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương; Nguyễn Lê Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên; Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cùng lãnh đạo các ban, ngành VCCI và 4 địa phương.
VEHEC được hình thành từ thỏa thuận giữa VCCI và 4 tỉnh, thành phố gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên trên cơ sở trục cao tốc liên vùng từ Thủ đô Hà Nội – Hải Phòng - Quảng Ninh. Đây là sáng kiến trong thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh liên kết vùng, nhằm tăng cường phối hợp khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Kết nối có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hướng tới xây dựng mô hình liên kết kinh tế tiểu vùng, tạo không gian phát triển mới, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tăng trưởng kinh tế cao và có cộng đồng doanh nghiệp phát triển mạnh, tạo ra cực tăng trưởng khu vực phía Bắc.
Tháng 2/2023, VEHEC đã cùng thống nhất, thỏa thuận kết nối, thống nhất 8 nội dung hợp tác, tập trung vào liên kết, hợp tác trong một số lĩnh vực như: Xúc tiến thương mại, đầu tư; Giao thông và logistics; Phát triển chuỗi cung ứng sản xuất; Phát triển du lịch, dịch vụ; Nông nghiệp công nghệ cao và chế biến nông sản; Cải thiện môi trường kinh doanh; Chuyển đổi số và kết nối số...
Quan điểm hợp tác đó là, ưu tiên các hoạt động cụ thể, đem lại hiệu quả thiết thực, bắt đầu từ các việc đơn giản, dễ thống nhất, phối hợp, rồi mới mở rộng tới các hoạt động phức tạp hơn, đòi hỏi sự phối hợp có chiều sâu về chính sách và cơ chế hợp tác để liên kết các lợi thế về kết nối hạ tầng giao thông, mở rộng không gian phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu; có đầy đủ tiềm năng và điều kiện để tạo thành một khu vực kinh tế phát triển năng động như: Có cửa khẩu trên bộ và trên biển với Trung Quốc - thị trường lớn nhất thế giới (tại Quảng Ninh); có cảng biển lớn quốc tế (tại Hải Phòng); có nguồn nhân lực dồi dào (tại Hải Dương và Hưng Yên) cùng không gian phát triển kinh tế còn rộng lớn và nhiều tiềm năng tại các địa phương…
Phát biểu chào mừng đại biểu dự VEHEC, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: Năm 2023, các tỉnh trong kết nối VEHEC đã hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, với Quảng Ninh vừa kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh với khí thế vui mừng, phấn khởi, đầy tự hào và tin tưởng của Đảng bộ, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tỉnh đã hoàn thành 15/15 tiêu chí, mục tiêu, nhiệm vụ năm; giữ vững sự ổn định, thống nhất, tinh thần cải cách, đà tăng trưởng kinh tế 2 con số liên tục trong 9 năm; quy mô nền kinh tế đạt trên 310.000 tỷ đồng; tạo đột phá trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 3 tỷ USD dẫn đầu cả nước...
Đồng chí đánh giá cao hoạt động của VEHEC. Đây là sáng kiến phù hợp và hiệu quả nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh liên kết vùng, tăng cường phối hợp khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế trong bối cảnh Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 30-NQ/TW về phát triển KTXH vùng đồng bằng sông Hồng. Đây cũng là sáng kiến tìm kiếm cơ chế quản trị vùng phát triển theo hướng bền vững, đảm bảo các mục tiêu về kinh tế - xã hội – môi trường và an ninh hướng tới mục tiêu vì hành phúc nhân dân.
Liên kết dù thời gian hình thành chưa dài, nhưng có thể thấy rõ các bước đi, cách làm hiệu quả bằng các công trình kết nối cụ thể, những hợp tác toàn diện, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, doanh nghiệp và các địa phương.
Với các vị trí chiến lược, hạ tầng cơ sở đồng bộ, tốc độ phát triển kinh tế đồng đều, các địa phương trong kết nối đang giữ vai trò, vị trí đặc biệt của vùng và liên vùng, đồng chí đề nghị, với tinh thần xây dựng, kiến tạo, hành động, phát triển, các đại biểu quan tâm, suy nghĩ, đóng góp cho phát triển của liên kết VEHEC. Đồng thời, cần tranh thủ, đón bắt các cơ hội, xu thế chuyển đổi mới, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi nguồn nhân lực chất lượng cao để thúc đẩy các cơ chế hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất; giải quyết hài hòa các bất cập về thu hút đầu tư, xử lý tài nguyên môi trường, các vấn đề xã hội và khắc phục khó khăn cục bộ... để tạo cộng hưởng phát triển bền vững. Quảng Ninh cam kết thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận, hành động của VEHEC.
Đánh giá kết quả triển khai các công tác trong kết nối, đồng chí Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: Năm 2023 là năm khởi đầu thực hiện Thoả thuận liên kết VEHEC, chứng kiến sức mạnh và khả năng thích ứng phi thường của bốn địa phương trong liên kết. Cả 4 tỉnh, thành phố đều kết thúc năm 2023 với mức tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) rất ấn tượng, vượt trội so với kết quả trung bình của khu vực Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Trong năm 2023, Quảng Ninh sánh bước cùng Hải Phòng trở thành hai địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hải Dương và Hưng Yên vẫn phát huy rất hiệu quả lợi thế của những địa phương lân cận thủ đô Hà Nội để phát triển kinh tế và thu hút đầu tư, bên cạnh lợi thế về nguồn lao động dồi dào và có chất lượng cao.
Trong các nội dung hợp tác, VEHEC đã tiến hành được nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư – thương mại quan trọng, tổ chức thành công “Diễn đàn các khu công nghiệp năm 2023” nhằm kết nối các nhà phát triển KCN, các nhà đầu tư và chính quyền theo định hướng xanh, bền vững trong tương lai; phối hợp chặt chẽ trong các chương trình tập huấn, các hoạt động truyền thông chung và nhiều hoạt động hợp tác phát triển khác.
Những nội dung nói trên là kết quả bước đầu của năm hoạt động đầu tiên của Hội đồng kết nối, nhưng cũng cho thấy tiềm năng và triển vọng mở rộng kết nối, hợp tác 4 địa phương, cùng nhau xây dựng từng địa phương và cả tiểu vùng phát triển bền vững, có sức cạnh tranh cao, có đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp năng động, phát triển.
Để giải quyết những thách thức này và tiến lên phía trước, trong hoạt động năm 2024, VEHEC cần có những nhóm hoạt động mới nhằm không chỉ thúc đẩy hợp tác kinh tế mà còn tập trung vào phát triển bền vững hơn. Đồng chí mong muốn mỗi địa phương khi triển khai các kế hoạch và dự án chung cần hướng đến mục tiêu lớn hơn - phát triển kinh tế tiểu vùng năng động, hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống người dân, kiến tạo bền vững cho sự phát triển lành mạnh của cộng đồng doanh nghiệp và tạo dựng một tương lai thịnh vượng chung cho cả vùng.
Tại hội nghị, các chuyên gia, các nhà khoa học và doanh nghiệp đã thảo luận nhiều vấn đề liên quan tới thúc đẩy phát triển hiệu quả hợp tác kết nối VEHEC; đồng thời dành thời gian để làm rõ các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, kế hoạch của năm 2024 và triển khai thỏa thuận kết nối kinh tế tiểu vùng trục cao tốc phía Đông với mục tiêu tạo cơ chế kết nối doanh nghiệp của mỗi địa phương và các địa phương với nhau; mở rộng không gian phát triển kinh doanh và đầu tư cho doanh nghiệp; khai thác các cơ hội và phát huy tiềm năng, thế mạnh của doanh nghiệp; thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện mạnh mẽ chất lượng điều hành kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh; tạo mô hình điểm trong triển khai các liên kết doanh nghiệp theo mô hình vùng theo Nghị quyết của Chính phủ.
Hội đồng VEHEC cũng đã chuyển giao nhiệm vụ đồng Chủ tịch VEHEC luân phiên năm 2024 cho tỉnh Quảng Ninh và ra mắt Hội đồng doanh nghiệp vùng.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()