Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 17:19 (GMT +7)
Hội chứng hậu Covid-19 và những điều cần lưu ý
Thứ 5, 20/01/2022 | 08:31:36 [GMT +7] A A
Hầu hết những người mắc Covid-19 khỏe lại trong vòng vài tuần sau khi bị nhiễm bệnh; tuy nhiên người bệnh đối mặt với nhiều vấn đề khác, không nên xem thường.
Đầu tháng 10/2021, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố định nghĩa chính thức đầu tiên về hội chứng hậu Covid-19. Theo đó, tình trạng hậu Covid-19 xảy ra ở những người từng nhiễm SARS-CoV-2, thường là 3 tháng kể từ khi mắc bệnh với các triệu chứng kéo dài ít nhất 2 tháng và không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế.
Có thể chia hội chứng hậu Covid-19 thành 2 nhóm: Nhóm triệu chứng Covid-19 bán cấp hoặc tiếp diễn, bao gồm triệu chứng và những bất thường kéo dài từ 4-12 tuần sau khi khởi phát các triệu chứng Covid-19 cấp; nhóm triệu chứng mạn tính hoặc hội chứng hậu Covid-19, gồm triệu chứng và những bất thường dai dẳng hoặc kéo dài hơn 12 tuần sau khi khởi phát các triệu chứng Covid-19 cấp nhưng không gợi ý các chẩn đoán khác.
Theo WHO, có tới khoảng 20% số người nhiễm virus SARS-CoV-2 tiếp tục có các triệu chứng kéo dài sau 4 tuần, trong số đó có khảng 10% không thấy khỏe lại sau 12 tuần, thậm chí có một số bệnh nhân gặp phải tình trạng suy nhược cơ thể. Các nghiên cứu trên thế giới ghi nhận hậu Covid-19 không chỉ xảy ra ở bệnh nhân nặng, bệnh nhân nguy kịch cần nhập viện, bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh nền, mà còn gặp ở những người trẻ tuổi (cả trẻ em), mắc bệnh nhẹ, cả những người không có các triệu chứng Covid-19 và biểu hiện ở đa dạng các triệu chứng, sự kết hợp của các vấn đề sức khỏe trong các khoảng thời gian khác nhau.
Bác sĩ Vũ Minh Hạnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần tỉnh, cho biết: Nhiều báo cáo khoa học cho thấy, một số tác động còn sót lại hậu Covid-19, như mệt mỏi, ho, khó thở, hụt hơi, đau tức ngực, đau khớp, tim đập nhanh, đau đầu, chóng mặt, ù tai, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, chán ăn, thay đổi khứu giác hoặc vị giác, phát ban ở da, rụng tóc. Đặc biệt, nhiều bệnh nhân có các vấn đề về sức khỏe tâm thần, như rối loạn thần kinh thực vật, rối loạn nhận thức (hội chứng não sương mù), suy giảm trí nhớ, trầm cảm, lo âu, rối loạn giấc ngủ, rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) và suy giảm chất lượng cuộc sống. Đây có thể là hậu quả do virus SARS-CoV-2 gây tổn thương tế bào, sản sinh cytokine gây viêm, rối loạn đông máu, sản sinh chất độc với não hoặc mạng lưới mạch máu. Một giả thuyết khác là tình trạng tự miễn, trong đó virus đánh lạc hướng hệ thống miễn dịch, khiến cơ thể sản sinh kháng thể chống lại các mô của chính mình và tình trạng này có thể tồn tại suốt nhiều tháng.
Hậu Covid-19 có thể khiến sức khỏe con người bị suy giảm kéo dài, có tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội của người bệnh. Họ bị ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và có thể gây ra những hậu quả kinh tế đáng kể cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội.
Bởi vậy, người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh vẫn cần thực hiện một số biện pháp duy trì thời gian ngủ nghỉ hợp lý, xây dựng chế độ dinh dưỡng để tăng sức đề kháng, tạo sức khỏe và năng lượng, đồng thời loại trừ nguy cơ nhiễm các loại bệnh về sau. Người khỏi bệnh có thể xuất hiện triệu chứng khó thở khi nghỉ ngơi, khi gắng sức hoặc lúc tập đi bộ, vì vậy cần vận động nhẹ nhàng, thả lỏng, mang tính chất làm quen. Đồng thời, cần tập thở, hít vào, thở ra chậm, hít sâu dần dần và thở ra nhẹ nhàng, không vội vã và nhịp độ tăng lên từng ngày, nên chọn chỗ thoáng, giàu oxy để tập thở hằng ngày.
Nhấn mạnh giai đoạn hậu Covid-19 có thể để lại tâm lý nặng nề cho bệnh nhân do phải trải qua giai đoạn chiến đấu với bệnh dịch, bác sĩ Vũ Minh Hạnh cũng khuyên người bệnh nên thoải mái tư tưởng, suy nghĩ về những điều tốt và tích cực. Không suy diễn tiêu cực, tránh gặp tình trạng đau đầu hay mất ngủ do hoảng loạn. Đặc biệt, trò chuyện cùng người thân, bạn bè sẽ giúp giảm sự lo lắng, kích thích hoạt động não sau khi khỏi bệnh. Người bệnh nên đi khám để kiểm tra sức khỏe hậu Covid-19, nhất là trẻ em, người già, người có bệnh nền hoặc có vấn đề về sức khỏe tâm thần, những người từng phải thở máy, thở oxy, nằm phòng hồi sức tích cực (ICU). Việc tiếp cận và can thiệp sớm nhằm quản lý, chăm sóc, điều trị hiệu quả người mắc di chứng, đảm bảo về sức khỏe thể chất, tinh thần và xã hội cho người bệnh.
Nguyễn Hoa
- F0 khỏi bệnh bao lâu thì nên đi tầm soát di chứng hậu COVID-19?
- Á hậu Kim Duyên mệt mỏi do di chứng hậu COVID-19
- Người tiêm đủ vaccine có gặp di chứng hậu Covid-19?
- Chế độ dinh dưỡng giúp phục hồi sức khỏe hậu Covid-19
- Chăm sóc sức khỏe bệnh nhân hậu COVID-19
- Cấp cứu thành công bé trai 5 tuổi mắc hội chứng hậu COVID-19
- Rối loạn khứu giác hậu COVID-19: Khi nào có thể hồi phục ?
Liên kết website
Ý kiến ()