Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 19:22 (GMT +7)
Học và làm theo Bác ngày càng thấm sâu, lan toả
Chủ nhật, 19/05/2024 | 10:39:00 [GMT +7] A A
Thực hiện Kết luận số 01-KL/TW (ngày 18/5/2021) của Bộ Chính trị, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đã triển khai nghiêm túc, bài bản, thiết thực với nhiều cách làm sáng tạo. Từ đó tạo sức lan tỏa, đưa việc học và làm theo Bác trở thành việc làm thường xuyên, liên tục đối với mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần quan trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Lan tỏa những giá trị tốt đẹp
Những năm qua, việc học và làm theo Bác đã trở thành nếp nghĩ, cách làm thường xuyên của cán bộ, đảng viên và người dân khu Bình Lục Hạ (phường Hồng Phong, TX Đông Triều). Mô hình “Phát huy nội lực, sức mạnh toàn dân, huy động các nguồn lực xây dựng đô thị văn minh” của Chi bộ khu phố đã phát huy hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Đây là mô hình học và làm theo Bác được đề nghị điển hình cấp tỉnh năm 2024.
Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố Bình Lục Hạ Nguyễn Văn Ngát chia sẻ: Chi bộ lựa chọn vận động nhân dân hiến đất mở rộng các tuyến đường và chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, góp phần xây dựng khu phố văn minh, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, là việc học và làm theo Bác thiết thực, phù hợp nhất. Chi bộ ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo xây dựng khu phố, nêu cao vai trò gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên trong tổ chức thực hiện. Mọi chủ trương đều được công khai, bàn bạc thống nhất, tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhờ đó, cán bộ, đảng viên, nhân dân luôn tin tưởng, đồng hành cùng Chi bộ, tình nguyện hiến đất, ngày công để mở rộng các tuyến đường. Đặc biệt, tư duy phát triển sản xuất của nhân dân thay đổi tích cực, mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng phù hợp, kết hợp phát triển du lịch trải nghiệm theo chủ trương của Chi bộ, Đảng ủy phường.
Từ năm 2022 đến nay, khu Bình Lục Hạ có 118 hộ gia đình tự nguyện hiến 24.355m2 đất để mở rộng đường trung tâm khu, đường phục vụ sản xuất, xây dựng các công trình hồ, khuôn viên nhà văn hóa, khuôn viên cây xanh, tổng kinh phí xã hội hóa trên 11,4 tỷ đồng. Nhờ đó diện mạo cảnh quan Bình Lục Hạ ngày càng khởi sắc với những con đường bê tông thẳng tắp, rộng rãi, sạch đẹp.
Ông Phạm Minh Hòe (tổ 4, khu Bình Lục Hạ) chia sẻ: Con đường ngõ 4 dài gần 1km, trước xuống cấp, chật hẹp, ô tô không đi được. Nhờ sự vận động của Chi bộ, cán bộ, đảng viên và nhân dân khu đều nhận thấy đây là công trình dân sinh phục vụ lợi ích cho chính người dân, nên đồng thuận cao, tình nguyện hiến đất, góp công, góp sức để mở rộng đường. Riêng gia đình tôi hiến hơn 40m2 đất ở cùng một số cây ăn quả để làm đường. Đến nay con đường rộng rãi, khang trang đã hoàn thành, tổng với kinh phí cải tạo hơn 1,7 tỷ đồng. Bà con ai cũng phấn khởi.
Cùng với hiến đất làm đường, Chi bộ vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân đổi mới tư duy làm kinh tế nông nghiệp. Nhiều hộ dân và HTX đã đăng ký chuyển đổi 15ha đầm lầy, ao hồ, ruộng trũng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây sen, hoa huệ, hoa thiên lý… Các mô hình liên kết sản xuất hiệu quả giúp thu nhập bình quân hiện đạt 120 triệu đồng/người/năm. Đời sống nhân dân ngày càng nâng lên. Bình Lục Hạ hiện không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí trung ương.
Những cách làm cụ thể, kết quả thực chất, bền vững từ mô hình học và làm theo Bác, khơi sức dân, làm lợi cho dân của Chi bộ khu Bình Lục Hạ đang lan tỏa rộng khắp ở TX Đông Triều. Những nỗ lực của cán bộ, đảng viên Chi bộ Bình Lục Hạ thời gian qua đã củng cố niềm tin, động lực cho nhân dân hăng hái phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống mới ở khu dân cư.
Mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn tỉnh đều nỗ lực học và làm theo Bác trong chính công việc hằng ngày, trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, những hoạt động vì cộng đồng. Cô giáo dạy Tiếng Anh Bùi Thị Hồng, Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Lê Quý Đôn (TP Cẩm Phả), là cá nhân điển hình trong học và làm theo Bác. Mô hình “Kết nối trái tim - Chia sẻ cộng đồng” của cô giáo Hồng được đề nghị là mô hình “Học và làm theo Bác” cấp tỉnh năm 2024.
Cô giáo Hồng tâm sự: Tôi luôn khắc ghi câu nói của Bác "Dân tộc ta là một dân tộc giàu lòng bác ái"; “việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm”. Đây là động lực để tôi luôn cố gắng, bền bỉ làm thiện nguyện hơn 20 năm qua. Để giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh hơn nữa, năm 2012 tôi đã thành lập Nhóm Từ thiện Quảng Ninh thân yêu, đến nay có hơn 1.000 thành viên nhiều địa phương trong tỉnh. Mọi hoạt động của nhóm đều công khai, minh bạch, được mọi người tin tưởng, ủng hộ. Nhờ đó hoạt động của nhóm ngày càng có chiều sâu, hiệu quả, sức lan tỏa rộng hơn.
Từ năm 2021 đến nay, riêng cô giáo Hồng đã huy động khoảng 1,5 tỷ đồng giúp đỡ kịp thời nhiều hoàn cảnh khó khăn. Bà Ngô Thị Duyên, 75 tuổi, là người già có hoàn cảnh neo đơn phường Cẩm Thành (TP Cẩm Phả), cho biết: Tôi ốm đau 17 năm nay, sức yếu, con cái không có, cuộc sống khó khăn. Cô giáo Hồng cùng mọi người trong Nhóm thiện nguyện thường xuyên quan tâm chăm sóc, động viên, giúp đỡ tôi. Những ngày lễ, Tết mọi người còn tặng quà, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn cùng tôi. Tôi rất xúc động và cảm ơn tình cảm của mọi người.
Với những thành tích xuất sắc trong công tác chuyên môn và xã hội, cô giáo Hồng đã nhận được nhiều danh hiệu, bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành trao tặng. Mô hình học và làm theo Bác của cô được công nhận cấp thành phố. Qua đó nêu một tấm gương sáng về người đảng viên, nhà giáo, hết mình vì sự nghiệp trồng người và hoạt động cộng đồng.
Đây chỉ là 2 trong số hàng trăm mô hình điển hình học và làm theo Bác trên địa bàn tỉnh trong 3 năm qua. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 586 tập thể, 515 cá nhân đăng ký mô hình cấp tỉnh. Hầu hết các mô hình lựa chọn những vấn đề cấp thiết gắn với nhiệm vụ chính trị của từng cá nhân, cơ quan, đơn vị, địa phương, sát với tình hình thực tiễn, có lộ trình và giải pháp thực hiện cụ thể. Năm 2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức đoàn công tác đánh giá kết quả thực hiện phong trào thi đua “Học và làm theo Bác”, thẩm định 16 mô hình tập thể, cá nhân tại 8 địa phương, đơn vị. Đồng thời thành lập Hội đồng cấp tỉnh thẩm định, rà soát, xem xét 36 hồ sơ đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng phong trào thi đua “Học và làm theo Bác” năm 2022-2023 do các địa phương, sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh đề nghị.
Đưa việc học và làm theo Bác đi vào chiều sâu
Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh luôn xác định học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nhiệm vụ, nội dung trọng tâm, xuyên suốt, gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp.
Cụ thể hoá việc học và làm theo Bác, tỉnh xác định quan điểm lấy người dân làm trung tâm, mọi quyết sách, hành động đều vì hạnh phúc của nhân dân như lời dạy của Bác “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”. BTV Tỉnh ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kết hợp chặt chẽ giữa học tập với làm theo Bác trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, đơn vị. Quảng Ninh là địa phương đầu tiên đưa việc học và làm Bác trở thành một phong trào thi đua cùng với phong trào thi đua khác của tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Hồng Dương, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, nhấn mạnh: Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được Đảng bộ tỉnh thực hiện đồng bộ với quyết tâm chính trị cao nhất, trở thành công việc thường xuyên của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, CCVC. Trong đó phong trào thi đua “Học và làm theo Bác” bước đầu đi vào nền nếp, đạt kết quả tích cực, ngày càng lan tỏa trong đời sống xã hội, thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng của cán bộ, đảng viên, CCVC, người lao động, góp phần cổ vũ, động viên, tuyên truyền, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến, những mô hình hay, cách làm mới trong học và làm theo Bác. Nhận thức, tinh thần trách nhiệm, tính nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo quản lý, người đứng đầu, trong công tác và trong cuộc sống, trong tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên, CCVC, người lao động được nâng lên, ngày càng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Thực hiện Kết luận số 01-KL/TW đã góp phần quan trọng đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với xây dựng tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ chiến lược, cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ, gắn với tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cùng với đó, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và năng lực điều hành, quản lý của chính quyền được nâng lên. Nhiều mô hình mới, cách làm đột phá, sáng tạo đạt hiệu quả rõ nét được thực tiễn chứng minh.
Những kết quả toàn diện và sự chuyển biến tích cực trong hệ thống chính trị, phát triển KT-XH của tỉnh thời gian qua là minh chứng sinh động của việc học và làm theo Bác. Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2023 của tỉnh đạt 11,03%, gấp hơn 2 lần so với trung bình cả nước, đứng thứ nhất trong các tỉnh Vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 3 toàn quốc. Đây là năm thứ 9 liên tiếp (từ năm 2015 đến nay), Quảng Ninh đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số, cho thấy giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của tỉnh trong 60 năm qua, đặc biệt là sau gần 40 năm đổi mới. Quảng Ninh đã hoàn thành trước 3 năm Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 theo tiêu chí của trung ương; tỉnh hiện chỉ còn 102 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,026% tổng số hộ dân, không có huyện nghèo, xã nghèo. Hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ, được đầu tư đồng bộ, bảo đảm liên thông, tổng thể. Quảng Ninh hiện là địa phương có số km đường cao tốc lớn nhất nước, tạo bước đột phá mới của nhiệm kỳ 2020-2025 về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng và hợp tác hội nhập quốc tế.
Cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh không ngừng được cải thiện, nằm trong nhóm đứng đầu cả nước. Quảng Ninh xuất sắc đón nhận những thành tựu nổi bật khi lần thứ 2 dẫn đầu cả 4 chỉ số cải cách hành chính quan trọng: PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI năm 2022. Năm 2023 Quảng Ninh tiếp tục xướng tên ở vị trí quán quân PCI, nối dài thành tích đứng đầu Chỉ số PCI năm thứ 7 liên tiếp (2017-2023). Đây chính là những kết quả quan trọng, cụ thể của việc học và làm theo Bác. Qua đó tiếp tục tạo động lực, phát huy mạnh mẽ hơn nữa ý chí, khát vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh nỗ lực vượt khó, xây dựng tỉnh Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.
Trúc Linh
Liên kết website
Ý kiến ()