Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:51 (GMT +7)
Học trực tuyến cần được xác định là xu hướng tất yếu, lâu dài
Thứ 3, 09/11/2021 | 14:44:50 [GMT +7] A A
Nhiều đại biểu nhấn mạnh cần đánh giá hiệu quả học tập trực tuyến, xác định những vướng mắc, bất cập để giải quyết, phát huy ưu điểm của hình thức này, cần được xác định là xu hướng tất yếu, lâu dài.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng 9/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.
Liên quan đến việc học và thi trong thời gian chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều đại biểu nhấn mạnh cần đánh giá hiệu quả hình thức học tập trực tuyến, xác định những vướng mắc, bất cập để giải quyết, phát huy ưu điểm của hình thức này, được xác định không chỉ là giải pháp tình thế mà còn là một xu hướng tất yếu, lâu dài.
Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu lại phương thức xét tuyển đại học để tránh "bỏ sót" người tài; có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trở về nước cống hiến.
Khẩn trương đánh giá hiệu quả học trực tuyến
Trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19, cả hệ thống chính trị, toàn ngành Giáo dục và các giáo viên đã có nhiều cố gắng, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong triển khai dạy và học trực tuyến; qua đó thể hiện sự thích nghi nhanh chóng của ngành Giáo dục với tiến bộ khoa học công nghệ, biến “nguy” thành “cơ,” bảo đảm mục tiêu kép.
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Hà (tỉnh Bắc Ninh), việc học trực tuyến (học online) không thể thay thế được học trực tiếp, đặc biệt với học sinh Trung học Phổ thông, học tập trực tiếp vẫn là hình thức mang lại hiệu quả cao nhất. Đây là giải pháp tất yếu, tối ưu nhất đảm bảo cung cấp kiến thức, sự an toàn cho người học trong diễn biến phức tạp của đại dịch.
Nhấn mạnh những khó khăn, bất cập trong việc học online, đại biểu Nguyễn Thị Hà cho rằng chất lượng việc dạy và học chưa được đảm bảo do chất lượng đường truyền; một bộ phận thầy cô giáo, đặc biệt là giáo viên lớn tuổi, gặp khó khăn trong ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy; việc quản lý học sinh trong quá trình học tập chưa hiệu quả; thiết bị sử dụng dạy và học còn hạn chế cả về số lượng, chất lượng. Chính phủ đã phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em” nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế...
Bên cạnh đó, việc dạy và học trực tuyến kéo dài đã gây ra các vấn đề liên quan đến sức khỏe, tâm lý của người dạy và người học; trong khi nhiều phụ huynh chưa tương tác hợp lý với con trong quá trình học trực tuyến; giáo viên nảy sinh áp lực tâm lý khi “một tiết dạy, trăm mắt nhìn” bởi “khán thính giả” không chỉ là học sinh mà còn là phụ huynh, mạng xã hội…
Với những khó khăn nêu trên, đại biểu Nguyễn Thị Hà đề nghị Chính phủ có kế hoạch nâng cấp đường truyền để đảm bảo chất lượng băng thông ổn định; có chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia để mở rộng nhiều đối tượng trẻ em được tiếp cận với chương trình “Sóng và máy tính cho em,” sớm đạt được mục tiêu “không học sinh nào bị bỏ lại phía sau.”
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu điều chỉnh chương trình học trực tuyến, tăng thời lượng cho giáo viên và học sinh tương tác, chia sẻ, nâng cao kỹ năng mềm “cởi bỏ áp lực tâm lý” để việc dạy và học hiệu quả, thực tiễn; nghiên cứu, xây dựng các phần mềm quản lý dạy, học và tổ chức học online phù hợp, hiệu quả, tiên tiến và thân thiện với người dùng; tăng cường tập huấn sử dụng công nghệ thông tin nói chung, phần mềm dạy học nói riêng, để nâng cao chất lượng dạy và học online, ngay cả khi không có đại dịch.
Cho ý kiến về chương trình “Sóng và máy tính cho em,” đại biểu Trần Thị Thu Phước (tỉnh Kon Tum) cho rằng Báo cáo của Chính phủ chưa thống kê số lượng đối tượng trẻ em thực sự cần hỗ trợ và số lượng trẻ em đã nhận hỗ trợ để có thể xác định hành động, giải pháp kế tiếp. Trong khi đó, một khảo sát nhanh vào tháng 8/2021 trên 69.000 người lao động cho thấy, trong bối cảnh dịch COVID-19, chi phí cho con cái học trực tuyến là chi phí phát sinh lớn nhất của người lao động.
Đại biểu Trần Thị Thu Phước cho biết rất nhiều gia đình người đồng bào dân tộc thiểu số ở Kon Tum gặp khó khăn và không thể trang trải số tiền hơn 3 triệu đồng để mua điện thoại thông minh hoặc 10 triệu đồng để mua 1 chiếc máy tính. Do đó, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xem xét, bổ sung, làm rõ nội dung này trong báo cáo và có những định hướng, giải pháp cụ thể hơn trong thời gian tới.
Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh và xu hướng phát triển của khoa học, công nghệ như hiện nay, theo đại biểu Trần Thị Thu Phước, hình thức học trực tuyến cần được xác định không chỉ là giải pháp tình thế, mà còn là một xu hướng tất yếu, lâu dài. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương đánh giá hiệu quả học tập trực tuyến của học sinh, sinh viên thời gian qua; xác định những vướng mắc, bất cập và có giải pháp để giải quyết, phát huy ưu điểm của hình thức giáo dục đào tạo trực tuyến trong thời gian tới.
Hạn chế "bỏ sót" người tài ngay từ khâu tuyển sinh
Liên quan đến tuyển sinh Đại học trong thời gian qua, đại biểu Nguyễn Thị Hà (tỉnh Bắc Ninh) cho biết điểm chuẩn đầu vào của nhiều trường đại học tăng mạnh và việc nhiều thí sinh điểm gần như tuyệt đối vẫn trượt đại học là vấn đề cần được xem xét.
Năm học 2020-2021, học sinh phải ôn tập trực tuyến thay vì đến trường học trực tiếp nhiều tháng trước kỳ thi, đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng bài thi của học sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thiết kế đề thi phù hợp với mục tiêu thi tốt nghiệp Trung học phổ thông nên điểm thi tốt nghiệp của học sinh khá tốt.
“Tuy nhiên, bài toán về xét tuyển đại học lại rất cam go. Câu chuyện điểm cao, điểm gần như tuyệt đối vẫn không đỗ nguyện vọng 1 hoặc trượt đại học không phải là câu chuyện mới nhưng nếu tiếp tục diễn ra, liệu các trường đại học có “bỏ sót” tài năng thực sự. Liệu học sinh còn thực sự tin tưởng vào năng lực bản thân,” đại biểu Nguyễn Thị Hà băn khoăn.
Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu lại phương thức xét tuyển đại học, tìm giải pháp mở cánh cửa cho những học sinh điểm cao có thể vào được đúng trường đại học mơ ước cũng như giải bài toán hướng nghiệp để đặt mục tiêu khuyến học và lựa chọn nhân tài lên cao nhất.
Nhấn mạnh hạn chế trong đào tạo nguồn nhân lực hiện nay, đại biểu Khương Thị Mai (tỉnh Nam Định) cho rằng số lượng các trường đại học ngày càng nhiều, đầu vào tuyển sinh của một số trường thấp, định hướng nghề nghiệp trong phổ thông chưa cao dẫn đến một số phụ huynh, học sinh thiếu định hướng.
Bên cạnh đó, công tác tuyển sinh của các trường nghề rất khó khăn; tỷ trọng lao động qua đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ từ 3 tháng trở lên khoảng 24,5% - chưa đạt mục tiêu đề ra. Trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, đại biểu Khương Thị Mai cho rằng cần đẩy mạnh cơ chế tự chủ trong giáo dục đại học, siết chặt tổ chức giáo dục đại học.
Đối với giáo dục nghề nghiệp cần đẩy mạnh xã hội hóa để thu hút nguồn vốn đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, đặc biệt kiểm định chất lượng giáo dục là giải pháp rất quan trọng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nếu doanh nghiệp phục hồi và phát triển sẽ tạo nguồn thu bền vững trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
Hòa thượng Thích Thanh Quyết (tỉnh Quảng Ninh) cho rằng, trong bối cảnh dịch COVID-19, Chính phủ đã chỉ đạo ngành Giáo dục tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, tuyển sinh cao đẳng, đại học; các kỳ thi quốc tế đạt kết quả cao; tổ chức khai giảng năm học mới tốt; duy trì dạy và học trực tuyến linh hoạt, phù hợp với thực tiễn tình hình dịch bệnh từng địa phương.
Tuy nhiên, Hòa thượng Thích Thanh Quyết đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nhanh chóng có những biện pháp "lấp lỗ hổng kiến thức" cho học sinh học trực tuyến; giảm tải một số chương trình không cần thiết, đặc biệt là việc áp dụng sách giáo khoa mới.
Đồng quan điểm, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (tỉnh Hà Tĩnh) cho rằng: "Để phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, vấn đề cốt lõi và quan trọng nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Thời gian qua, một trong những nguồn nhân lực chất lượng cao chúng ta đã bỏ sót, khai thác không hiệu quả hay nói cách khác là bị chảy máu chất xám, đó là các du học sinh nhận được học bổng từ các trường đại học nước ngoài.
Nhiều em sau khi tốt nghiệp không trở về nước mà ở lại làm việc; được các tập đoàn, công ty nước ngoài trả lương cao, môi trường làm việc tốt, thậm chí trong đại dịch có nhiều người bản địa ở một số nước thất nghiệp nhưng những lưu học sinh của chúng ta ở lại làm việc lại không bị ảnh hưởng. Điều đó cho thấy chất lượng nguồn nhân lực này là rất cao."
Nhấn mạnh bài học quý báu trong thu hút và trọng dụng nhân tài, "chiêu hiền, đãi sỹ" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng để Việt Nam trở thành một nước hùng cường theo văn kiện Đại hội XIII của Đảng, triển khai thành công mục tiêu kinh tế số và chuyển đổi số, cần có chiến lược, chính sách mạnh mẽ trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tài trở về nước công tác và cống hiến./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()