Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:00 (GMT +7)
Học Bác để xây dựng đội ngũ cán bộ vừa “hồng” vừa “chuyên”
Thứ 2, 27/05/2024 | 08:48:26 [GMT +7] A A
Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ, những năm qua, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã lãnh đạo triển khai đồng bộ, hiệu quả, sáng tạo, đổi mới nhiều giải pháp, tạo những đột phá trong công tác cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ vừa "hồng", vừa "chuyên" như mong ước của Người.
Cán bộ là gốc của mọi công việc
Thấm nhuần tư tưởng về công tác cán bộ của Người, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã không ngừng phát triển nhận thức lý luận, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả vào thực tiễn phù hợp với tình hình cụ thể ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, nhất là giai đoạn bắt tay vào công cuộc đổi mới đến nay. Ở mỗi kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, công tác cán bộ luôn là một trong những vấn đề quan trọng được xem xét, bàn thảo kỹ lưỡng và đưa vào Nghị quyết.
Giai đoạn 1986-2006, các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII, IX, X, XI đều xác định đến chăm lo xây dựng và rèn luyện đội ngũ cán bộ đủ đức, tài đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Công tác tổ chức cán bộ được chăm lo; công tác đào tạo, đề bạt, giải quyết chính sách được thống nhất và cụ thể hóa việc phân cấp quản lý cán bộ. Tỉnh đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Các cấp ủy đã xây dựng quy hoạch cán bộ dự nguồn cho các chức danh chủ chốt; thực hiện điều động, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý.
Còn ở giai đoạn 2006-2015, công tác tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ cũng có nhiều đổi mới và được chú trọng. Tỉnh đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 6/8/2008 của BCH Trung ương Đảng về “xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; ban hành Nghị quyết về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030; chỉ đạo xây dựng và triển khai các đề án quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và dành nguồn kinh phí lớn tổ chức thực hiện Đề án đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của tỉnh.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2015 đến nay - đây là giai đoạn Đảng bộ tỉnh có nhiều đổi mới, đột phá trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn liền với đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xây dựng đội ngũ cán bộ được chú trọng quan tâm. Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và XV cũng xác định nhiệm vụ công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ là 1 trong các nhiệm vụ trọng tâm.
Nổi bật, giai đoạn này có thể kể đến là tỉnh đã xây dựng, triển khai Nghị quyết 19-NQ/TU và Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” với những giải pháp đồng bộ, toàn diện. Đồng thời, ban hành Chương trình hành động số 21-CTr/TU nhằm cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập gắn liền với đổi mới toàn diện, đồng bộ công tác cán bộ. Tỉnh đã quyết liệt tập trung chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu đảm bảo chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ gắn đồng bộ với sắp xếp bộ máy hệ thống chính trị, tinh giản biên chế. Cùng với đó, tỉnh đã xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định về công tác cán bộ. Chỉ tính từ giai đoạn 2020-2023, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 2 quy chế, 3 quy định, 10 kế hoạch, 3 chương trình hành động cùng nhiều quyết định, kết luận, đề án, thông báo chỉ đạo liên quan đến công tác này…
PGS.TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, khẳng định: Qua từng giai đoạn phát triển có thể thấy rõ, tư tưởng của Hồ Chí Minh về công tác cán bộ đã được tỉnh Quảng Ninh nghiên cứu, vận dụng nhuần nhuyễn. Qua gần 40 năm đổi mới, tỉnh đã xác lập hệ quan điểm, nguyên tắc, quy chế, quy định về công tác tổ chức, cán bộ và đổi mới kiện toàn tổ chức của hệ thống chính trị tỉnh. Trên cơ sở xác định đúng đắn nhiệm vụ chính trị, bao gồm cả chiến lược cơ bản, lâu dài và nhiệm vụ trọng tâm cấp thiết đặt ra, Tỉnh ủy Quảng Ninh vừa vận dụng sáng tạo, linh hoạt các chủ trương chính sách của Trung ương về công tác tổ chức cán bộ, vừa ban hành hệ thống những chủ trương, chính sách riêng phù hợp với đặc thù của Quảng Ninh từ đòi hỏi thực tiễn công cuộc đổi mới trên địa bàn tỉnh.
Các quy chế được ban hành đã tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, đồng thời, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của từng tổ chức trong hệ thống chính trị và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, bảo đảm tính khoa học, khả thi và mở rộng dân chủ trong công tác quy hoạch; xây dựng các tiêu chí đánh giá cán bộ công khai, minh bạch, khách quan, toàn diện. Hệ thống các quy định về công tác cán bộ ngày càng hoàn thiện, bài bản, có những bước phát triển quan trọng về tư duy, nhận thức và hành động, có sự kế thừa và phát triển qua mỗi giai đoạn.
Không ngừng chăm lo, bồi dưỡng
Sau gần 40 năm đổi mới kiên trì nghiên cứu, vận dụng, bổ sung và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác cán bộ, tỉnh Quảng Ninh đã gặt hái được “quả ngọt". Công tác tiếp nhận, tuyển dụng công chức ngày càng thực chất và chặt chẽ hơn. Công tác quy hoạch cán bộ được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy trình, chất lượng ở tất cả các bước thực hiện.
Nhiệm kỳ 2010-2015 và 2015-2020, quy hoạch các chức danh diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý là 54 lượt; diện BTV Tỉnh ủy quản lý là 550 lượt. Trong giai đoạn 2020-2025, quy hoạch các chức danh diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý là 39 lượt; diện BTV Tỉnh ủy quản lý là 3.040 lượt. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được quan tâm dành nguồn lực; đổi mới về phương thức, đa dạng hóa về loại hình. Tính giai đoạn 2015-2020, tỉnh đã dành trên 250 tỷ đồng để chi đào tạo, bồi dưỡng cho trên 46.100 lượt cán bộ. Giai đoạn 2020-2030, tỉnh bố trí hơn 53,6 tỷ đồng cho tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch hàng năm.
Công tác điều động, luân chuyển cán bộ thực hiện đúng quy trình, đảm bảo thận trọng, kỹ lưỡng theo hướng “làm đến đâu, chắc đến đó”, tạo môi trường thuận lợi để cán bộ phát huy khả năng, sở trường trong thời gian luân chuyển. Giai đoạn từ 2015-2020, toàn tỉnh đã luân chuyển, điều động 3.349 lượt cán bộ; giai đoạn từ 2020 đến nay, tỉnh đã luân chuyển 39 trường hợp, cấp huyện và các đơn vị trực thuộc đã luân chuyển 257 trường hợp. Hầu hết cán bộ luân chuyển đã tiếp cận nhanh với công việc mới trách nhiệm, tâm huyết, được bồi dưỡng, thử thách, rèn luyện, am hiểu lĩnh vực, đóng góp công sức, trí tuệ cho địa phương. Công tác kiểm tra, giám sát về công tác cán bộ được thực hiện thường xuyên, kịp thời phát hiện những vi phạm khi mới phát sinh, những tồn tại, hạn chế để uốn nắn, chấn chỉnh và khắc phục.
Đến nay, trên bình diện chung, hệ thống chính trị của Quảng Ninh không ngừng được đổi mới, kiện toàn, củng cố vững chắc. Tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Qua nhiều lần sắp xếp và bố trí lại, năng lực lãnh đạo của các cấp ủy, năng lực tổ chức thực hiện ngày càng hiệu quả. Toàn tỉnh đã dần xây dựng được đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản, có bước trưởng thành, phát triển nhiều mặt.
Chỉ tính riêng nhiệm kỳ 2020-2025, ở cấp tỉnh, hiện số lượng Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh là 51 đồng chí, trong đó trình độ tiến sĩ chiếm 11,76%, thạc sĩ chiếm 76,47%; số lượng Ủy viên BTV Tỉnh ủy là 14 đồng chí, trong đó trình độ tiến sĩ chiếm 28,57%, thạc sĩ chiếm 57,14%; cán bộ lãnh đạo sở, ban, ngành của tỉnh (không tính Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy) là 156 đồng chí, trong đó tiến sĩ chiếm 5,78%, thạc sĩ chiếm 72,44%, cao cấp lý luận chính trị là 100%. Ở cấp huyện, Ủy viên BCH Đảng bộ cấp huyện và tương đương là 593 đồng chí, trong đó trình độ tiến sĩ chiếm 2,19%, thạc sĩ chiếm 60,03%; Ủy viên BTV cấp ủy cấp huyện và tương đương là 173 đồng chí, trong đó tiến sĩ chiếm 5,2%, thạc sĩ chiếm 61,85%...
Đội ngũ cán bộ trong tỉnh đã có tính chuyên môn hóa cao hơn, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu được nâng lên. Thể hiện qua việc nhiều cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược của tỉnh đã mạnh dạn đổi mới tư duy, nâng cao tầm nhìn, mạnh dạn đề xuất những vấn đề chưa có tiền lệ để tập trung nghiên cứu, thực hiện; kiên trì, bền bỉ, quyết liệt trong chỉ đạo và thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng.
PGS.TS Trần Quốc Việt, Nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, cho biết: Theo dõi quá trình trưởng thành và phát triển của tỉnh Quảng Ninh trong những năm gần đây, tôi thật sự ấn tượng với sự phát triển chung của tỉnh. Đặc biệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là trong công tác cán bộ đã có nhiều chuyển biến. Bằng những mô hình, cách làm đổi mới, đột phá đi đầu trong cả nước trong công tác tổ chức, cán bộ, toàn tỉnh đã xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Sự trưởng thành, phát triển của đội ngũ cán bộ nói chung, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nói riêng đã góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới của tỉnh Quảng Ninh. Trải qua 60 năm xây dựng, phát triển tỉnh, gần 40 năm đổi mới, hơn 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011 đưa Quảng Ninh từ một tỉnh còn yếu kém phải dựa vào hỗ trợ của Trung ương “vươn lên, đã và đang trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc”. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị có nhiều đổi mới. Đảng bộ tỉnh nhiều năm liền đạt trong sạch, vững mạnh. Hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền nhiều tiến bộ và tạo ra được những bước đột phá mới, đưa Quảng Ninh trở thành địa phương duy nhất nhiều năm liền dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và các chỉ số phản ánh chính quyền liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()