Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 12:30 (GMT +7)
Hoàn thiện thể chế về giao dịch điện tử
Thứ 5, 14/09/2023 | 07:21:30 [GMT +7] A A
Giao dịch điện tử nói chung, hoạt động thương mại điện tử nói riêng có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp 4.0, giao dịch điện tử được thiết lập như một biểu hiện tất yếu trong xã hội.
Từ khi mạng Internet trở nên phổ biến, công nghệ số ngày càng phát triển mạnh mẽ thì các giao dịch điện tử cũng được thiết lập rộng rãi hơn bởi những ưu điểm mà loại hình giao dịch này đem lại cho các bên tham gia: Không bị trở ngại bởi không gian địa lý; tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, mặt bằng; minh bạch; mở rộng phạm vi tiếp cận đối tác, khách hàng... so với giao dịch truyền thống.
Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, đặc biệt do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhu cầu giao dịch điện tử đã bùng phát mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực hành chính, dân sự, kinh tế và xã hội, môi trường và phương thức giao dịch cũng có nhiều thay đổi với sự xuất hiện ngày càng nhiều các nền tảng số làm trung gian cho các giao dịch điện tử trực tuyến.
Không ngoại lệ, tại Quảng Ninh, giao dịch điện tử đã phát huy vai trò, hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Trong lĩnh vực hành chính công, tỉnh đẩy mạnh tăng cường ứng dụng CNTT, từng bước hiện đại hóa nền hành chính với mục tiêu phục vụ doanh nghiệp, người dân ngày càng tốt hơn. Quảng Ninh là một trong những địa phương chủ động báo cáo, đề xuất Chính phủ được lựa chọn “làm điểm” để triển khai thực hiện Đề án 06.
Đến nay, hệ thống Chính quyền điện tử của tỉnh đã hoàn thành kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; 100% TTHC đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn tỉnh, 100% hồ sơ TTHC theo quy trình “5 bước trên môi trường điện tử” tại các trung tâm hành chính công; áp dụng thành công hóa đơn điện tử; toàn tỉnh hiện có hơn 1,6 triệu tài khoản đang hoạt động có chức năng thanh toán không dùng tiền mặt; 100% cơ sở khám, chữa bệnh (bệnh viện, trung tâm y tế), trường học, trung tâm hành chính công, điện lực, công ty cấp nước đều đã triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt…
Hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp vào phát triển kinh tế số. Đến đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 148 website về thương mại điện tử, trong đó có 143 website có chức năng bán hàng, 5 website có chức năng là sàn giao dịch. Trong 2,5 năm (từ năm 2021 đến nửa đầu năm 2023), doanh thu từ hoạt động thương mại điện tử ước đạt 9.976 tỷ đồng, đóng góp 10,8% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa. Tỉnh triển khai áp dụng mô hình “Chợ 4.0 - Thanh toán không dùng tiền mặt” tại tất cả các chợ trên địa bàn TP Hạ Long và triển khai thí điểm tại chợ trung tâm các huyện, thị xã, thành phố còn lại…
Những lợi thế của giao dịch điện tử là vô cùng rõ ràng đối với bất kỳ ai đã hoặc đang sử dụng các dịch vụ này. Tuy nhiên, đi kèm với lợi thế đó, giao dịch điện tử vẫn tiềm ẩn những rủi ro nhất định. Bởi vậy, việc ban hành quy định, khung pháp lý nhằm tăng cường quản lý hoạt động giao dịch điện tử đã được các cấp, ngành chú trọng thực hiện. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 cùng các luật chuyên ngành khác tạo hành lang pháp lý hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy giao dịch điện tử, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào cải cách hành chính.
Tuy nhiên, trước bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh chóng, mặc dù có những đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, qua thực tiễn triển khai Luật Giao dịch điện tử 2005 vẫn bộc lộ một số vấn đề tồn tại, hạn chế nảy sinh một số bất cập khó thực thi trong thực tế, đặc biệt là đối với vấn đề đảm bảo giá trị pháp lý của giao dịch điện tử, đòi hỏi phải có khung pháp lý phù hợp đáp ứng nhu cầu thực tế, đảm bảo thể chế pháp luật phải theo kịp sự phát triển.
Trước tình hình đó, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 22/6/2023 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024). Việc sửa đổi luật nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng trong việc chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, về chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy phát triển ổn định kinh tế - xã hội của đất nước; tạo hành lang pháp lý hoàn thiện để thực hiện chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực; luật hóa các vấn đề thực tiễn yêu cầu và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành.
Việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử cũng được kỳ vọng khi áp dụng vào thực tiễn khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn hơn 17 năm thi hành cũng như những bất cập nảy sinh giữa các quy định của luật với các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()