Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 17:39 (GMT +7)
Hoàn thiện quy định pháp luật về bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc
Thứ 6, 23/06/2023 | 17:01:53 [GMT +7] A A
Các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc xây dựng Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự góp phần hoàn thiện quy định pháp luật về lĩnh vực này, qua đó giúp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong tình hình mới.
Tiếp tục thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 23/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Xác định phạm vi bảo vệ khoảng cách an toàn các khu vực công trình quốc phòng và khu quân sự
Bày tỏ đồng tình và thống nhất với việc ban hành luật, đại biểu Đặng Văn Lẫm (Thành phố Hồ Chí Minh) nêu rõ, việc xây dựng luật là thực sự cần thiết nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật quân sự, quốc phòng, giúp cho công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự được chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Đại biểu nhấn mạnh, công trình quốc phòng không chỉ có ý nghĩa trong chiến tranh mà còn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, chuẩn bị cho đất nước ngay từ thời bình, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống xảy ra, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Vì vậy, nếu công trình quốc phòng và khu quân sự bị xâm hại có thể làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Theo đại biểu, việc xác định phạm vi bảo vệ khoảng cách an toàn các khu vực công trình quốc phòng và khu quân sự dựa vào phương pháp tính toán khoa học và thực tiễn công tác quản lý, bảo vệ như mức độ thiệt hại ảnh hưởng đối với con người và tài sản khi xảy ra sự cố cháy, nổ kho đạn dược, mức độ ảnh hưởng của chướng ngại vật và các hoạt động khác đe dọa đến hành lang an toàn kỹ thuật của hệ thống ăng-ten quân sự.
Đây là một trong những nội dung rất cơ bản quan trọng, là cơ sở pháp lý để Nhà nước, quân đội tập trung nguồn lực xây dựng, bố trí lực lượng bảo vệ các công trình quốc phòng và khu quân sự, bí mật an toàn, vững chắc, giữ vững thế trận khu vực phòng thủ.
Việc xác định phạm vi bảo vệ và các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự trong dự thảo luật nhằm bảo đảm tính minh bạch, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.
Đồng thời, tạo điều kiện chủ động ổn định các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt trong phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, kịp thời đáp ứng tình hình thực tiễn, tạo hành lang pháp lý chặt chẽ cho các lực lượng có thẩm quyền và đơn vị quân đội thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự…
Thực tiễn trong thời gian qua, việc xâm phạm công trình quốc phòng và khu quân sự diễn ra phức tạp. Do vậy, đại biểu Đặng Văn Lẫm nhấn mạnh, việc quy định các hoạt động trong phạm vi bảo đảm công trình quốc phòng và khu quân sự nhằm đáp ứng tình hình thực tiễn và kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật liên quan về công trình quốc phòng và khu quân sự là hết sức cần thiết và phù hợp.
Bổ sung chế tài xử lý vi phạm, xâm phạm công trình quốc phòng và khu quân sự
Chung quan điểm, đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng nêu thực tiễn tại các địa phương trên toàn quốc, tình hình vi phạm, xâm phạm công trình quốc phòng và khu quân sự ngày càng phức tạp.
Tình trạng lấn chiếm, chồng lấn đất quốc phòng vẫn diễn ra, điển hình như các vụ việc xảy ra tại một số tỉnh tại các trường bắn như tại Bắc Giang, Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu...
Hành vi xâm phạm, phá hủy công trình quốc phòng và khu quân sự như đập phá công trình lô cốt cũ, mốc khống chế pháo binh, mốc đất quốc phòng để lấy sắt thép vẫn diễn ra ở một số địa phương.
Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng, hiện nay, còn hơn 600 điểm đất quốc phòng liên quan đến tranh chấp, lấn chiếm, cấp chồng chưa giải quyết xong. Tuy nhiên qua nghiên cứu toàn bộ dự thảo luật, đại biểu Dương Tấn Quân nhận thấy chưa có quy định chế tài xử lý cụ thể đối với các trường hợp vi phạm này.
Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định bổ sung chế tài xử lý đối với vi phạm, đồng thời cần có điều khoản quy định quá trình chuyển tiếp xử lý các vấn đề tồn đọng trong lịch sử giao sử dụng đất, công trình quốc phòng và khu quân sự.
Khẳng định chủ quyền, vị thế biển của nước ta
Cơ bản nhất trí với hồ sơ dự án luật, đại biểu Tạ Đình Thi (Hà Nội) góp ý cụ thể về nội dung liên quan đến biển để hoàn thiện dự thảo luật.
Theo đại biểu, Việt Nam là quốc gia biển có lịch sử truyền thống văn hóa và quá trình dựng nước, giữ nước gắn liền với biển. Biển Đông có vị trí đặc biệt quan trọng về địa chiến lược, chính trị, kinh tế tự nhiên đối với nước ta.
Để bảo vệ được Tổ quốc, phải bảo vệ được biển và bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển, với phương châm tiến ra biển, làm chủ biển và khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển, trong đó có cả tài nguyên vị thế của biển Việt Nam.
Tuy vậy, đại biểu nhận thấy những nội dung liên quan đến biển chưa được thể hiện rõ nét trong hồ sơ dự án luật và cần thiết được rà soát, quán triệt sâu sắc và thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng.
Đồng thời, đại biểu kiến nghị cần rà soát để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của dự thảo luật với hệ thống pháp luật liên quan, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Ngoài ra, cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng tác động của dự án luật đến kinh tế-xã hội, môi trường, ngoại giao, nhất là những vấn đề liên quan đến biển đảo, lưu ý đến các công trình dân sự hợp pháp đã được xây dựng trước thời điểm luật này có hiệu lực và thuộc phạm vi khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn đối với khu vực bảo vệ công trình quốc phòng và khu vực quân sự theo quy định của luật này.
Bên cạnh đó, cần xem xét mở rộng đến các hoạt động hợp pháp khác được thực hiện trong khu vực bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự nhóm đặc biệt, như: Hoạt động tìm kiếm cứu nạn, hoạt động xử lý sự cố môi trường, hoạt động đi lại không gây hại theo quy định của Luật Biển Việt Nam năm 2012.
Hiện nay, không gian biển quy hoạch cho mục đích quốc phòng khá lớn và thuộc phạm vi có nhiều hoạt động kinh tế khác, đặc biệt là các hoạt động kinh tế có yếu tố nước ngoài, qua đó vừa đóng góp về mặt kinh tế, vừa góp phần khẳng định chủ quyền, vị thế biển của nước ta.
Do đó, đại biểu Tạ Đình Thi cho rằng, dự thảo luật cần có quy định chi tiết hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết các hoạt động kinh tế được phép trong phạm vi vành đai an toàn công trình quốc phòng và khu quân sự; bổ sung thêm các trường hợp về chế độ bảo vệ tạm thời đối với các khu vực cấm, khu vực bảo vệ vành đai an toàn, công trình quốc phòng và khu quân sự, đặc biệt là đối với các khu vực biển không chiếm dụng không gian biển thường xuyên và liên tục.
Phát biểu giải trình, làm rõ một số nội dung các đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên họp, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang cảm ơn những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội góp ý vào dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Bộ trưởng Phan Văn Giang khẳng định, Bộ Quốc phòng sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội, trên cơ sở đó tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh dự thảo luật để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng và an ninh.
Đối với các nội dung cụ thể, Bộ trưởng Phan Văn Giang cho biết, Bộ Quốc phòng đã báo cáo tới các đại biểu Quốc hội để làm rõ một số nội dung chủ yếu.
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, phối hợp các cơ quan của Quốc hội rà soát và chỉnh lý dự thảo luật để bảo đảm vừa đáp ứng được yêu cầu quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()