Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 16:36 (GMT +7)
Hoan nghênh, khuyến khích các tập đoàn Hàn Quốc đầu tư vào các dự án quy mô lớn ở Việt Nam
Thứ 2, 01/07/2024 | 11:00:47 [GMT +7] A A
Sáng 1/7 (giờ địa phương), trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hàn Quốc, tại thủ đô Seoul, Thủ tướng Phạm Minh Chính tọa đàm với các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc. Cuộc tọa đàm quy tụ nhiều tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc như: Doosan Enerbility, Hanwa Aerospace, HD Hyundai MIPO, LG CNS, Posco…
Tại tọa đàm, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện, Việt Nam đang trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và Hàn Quốc nói riêng. Các tập đoàn Hàn Quốc cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương Việt Nam nhiều giải pháp để góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy đầu tư mới vào các dự án quy mô lớn trên các lĩnh vực trọng điểm như: năng lượng, đóng tàu, hàng không, dược phẩm, điện tử…
Phát biểu ý kiến khai mạc, Cựu Thủ tướng Hàn Quốc Han Seung-soo (giai đoạn 2008-2009) cho biết, các công ty Hàn Quốc đang mở rộng đầu tư vào các ngành công nghiệp Việt Nam, lý do là Chính phủ Việt Nam đã dành sự quan tâm đặc biệt cho các doanh nghiệp Hàn Quốc. Hiện có nhiều người Việt Nam đang sinh sống làm việc tại Hàn Quốc và ngược lại, đóng vai trò quan trọng tăng cường hợp tác hai nước.
Phát biểu ý kiến mở đầu cuộc Toạ đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc chưa bao giờ tốt đẹp như hiện nay, trong đó, quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư phát triển mạnh mẽ. Hiện có khoảng 300 nghìn người Việt Nam đang sinh sống, làm việc, học tập tại Hàn Quốc. Quan hệ hai nước phong phú, đa dạng.
Thủ tướng nêu rõ, quan hệ kinh tế song phương đang diễn ra sôi động, góp phần củng cố, tăng cường quan hệ hai nước. Bên cạnh thuận lợi thì cũng có nhiều khó khăn như: tình hình thế giới, khu vực, Bán đảo Triều Tiên, xung đột, già hoá dân số, cạn kiệt lương thực, an ninh mạng… Do đó, chúng ta phải cùng nhau có các biện pháp hoá giải các vấn đề này; cần phát huy các mặt tích cực, hạn chế tối đa các tiêu cực tác động quan hệ hai nước.
Về tình hình Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ, đối với đường lối, chính sách nền tảng, phát triển, Việt Nam đang thực hiện con đường đi lên chủ nghĩa xã hội với 3 nền tảng chính: xây dựng Nhà nước pháp quyềnchủ nghĩa xã hội, nền dân chủ chủ nghĩa xã hội, nền kinh tế thị trường định hướng chủ nghĩa xã hội. Xuyên suốt trong 3 trụ cột này, Việt Nam thực hiện con người là trung tâm, là chủ thể, đồng thời là mục tiêu và là động lực cho sự phát triển; không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, là bạn bè tốt, đối tác tốt, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; đường lối kinh tế là trọng tâm, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả; thực hiện 3 đột phá chiến lược; thực hiện đường lối quốc phòng, thực hiện chính sách quốc phòng “4 không”; coi trọng truyền thống văn hóa 4.000 năm lịch sử, "văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất", văn hóa có tính khoa học, dân tộc, đại chúng; bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thủ tướng nhấn mạnh, 6 tháng đầu năm, Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP 6,42%, là mức tăng trưởng cao so thế giới hiện nay, kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn… Từ đó, vai trò, vị thế, tiềm lực của Việt Nam được nâng lên, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên; ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; làm tốt công tác đối ngoại, đẩy mạnh quan hệ với các nước lớn trên thế giới.
Thủ tướng nêu rõ, tại tọa đàm này, Việt Nam mong muốn được nghe các ý kiến, chia sẻ các ý tưởng, đóng góp ý tưởng để quan hệ hai nước phát triển xứng tầm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, đáp ứng mong muốn của nhân dân hai nước, nêu các khó khăn, vướng mắc để cùng giải quyết.
Tại tọa đàm, lãnh đạo Tập đoàn Doosan Enerbility bày tỏ, thông qua các dự án tại Việt Nam, tập đoàn mong muốn tham gia các dự án điện gió, điện khí của Việt Nam; có thể cung cấp thiết bị của nhà máy phát điện, phát triển turbine gió phù hợp với Việt Nam để đóng góp vào ngành năng lượng tái tạo của Việt Nam; khẳng định, Doosan sẵn sàng chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn cho Việt Nam.
Tập đoàn Hanwa Aerospace mong muốn được tham gia lĩnh vực bảo dưỡng động cơ máy bay vì Việt Nam có nhiều hãng hàng không lớn có nhu cầu nhưng phải ra nước ngoài như Mỹ, Singapore để bảo trì, bảo dưỡng máy bay. Vì vậy, Tập đoàn này hy vọng thời gian tới sẽ làm được các công việc bảo dưỡng, bảo trì máy bay ở Việt Nam.
Lãnh đạo Tập đoàn GS Energy cho biết, dự kiến đàm phán hợp đồng mua bán điện vào cuối năm nay và tiến hành thành công dự án này theo Quy hoạch Điện VIII của Việt Nam.
Tập đoàn POSCO International cho biết, Tập đoàn đã sản xuất hơn 2,3 triệu tấn thép ở Việt Nam với doanh thu 1,5-2 tỷ USD mỗi năm. Từ 2015, Tập đoàn này đã tham gia vào dự án Nhiệt điện Mông Dương 1 và đang hướng tới dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập ở Nghệ An với mong muốn đóng góp cho dự án và sự phát triển của địa phương.
Lãnh đạo tập đoàn HD Hyundai Mipo, cho biết đơn vị đang đầu tư mạnh vào Việt Nam để cùng Việt Nam phát triển ngành đóng tàu; mong muốn HD Hyundai Mipo sẽ trở thành doanh nghiệp cùng Việt Nam tạo ra những sản phẩm tàu được đóng có uy tín trên thế giới. Doanh nghiệp đang cố gắng ứng dụng công nghệ mới, công nghệ xanh, thân thiện với môi trường vào ngành đóng tàu để đóng góp vào sự phát triển bền vững cho ngành đóng tàu của Việt Nam.
Giải đáp về các vấn đề về đầu tư mà các doanh nghiệp Hàn Quốc nêu tại tọa đàm, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao đóng góp của doanh nghiệp Hàn Quốc đối với sự phát triển của Việt Nam; mong các Tập đoàn này sẽ mở rộng hợp tác ở Việt Nam theo 3 hướng Việt Nam đã xác định: tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao; thúc đẩy hạ tầng số và ba là chuyển đổi xanh theo chiến lược tăng trưởng xanh, đặc biệt về giao thông, năng lượng. Bộ trưởng khẳng định, Chính phủ Việt Nam cam kết ủng hộ và sẵn sàng tháo gỡ vướng mắc để đồng hành cùng các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Trả lời các vấn đề về năng lượng, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết năm 2023, Thủ tướng đã phê duyệt 4 quy hoạch ngành quốc gia. Quy hoạch đã có, cơ chế đang hoàn thiện trong khi Hàn Quốc có nhu cầu hợp tác, vì thế, theo ông Diên, hai bên đang có dư địa rất lớn để hợp tác.
Nhấn mạnh nhu cầu lớn về năng lượng, Bộ trưởng khẳng định, Việt Nam đang thu hút đầu tư vào lĩnh vực này; đồng thời cho biết, để bảo đảm năng lượng trong mọi tình huống, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo 6 giải pháp, trong đó có việc hoàn thiện cơ chế; áp dụng cơ chế mua bán điện trực tiếp; hoàn thiện cơ chế điện mặt trời áp mái theo hướng tự sản, tự tiêu; rà soát điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường. Ngoài ra, Việt Nam đang đẩy mạnh hợp tác đầu tư trong lĩnh vực năng lượng mới nên rất mong doanh nghiệp Hàn Quốc đến đầu tư ở Việt Nam, phù hợp định hướng phát triển của Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ thêm, Việt Nam đang đa dạng hóa các nguồn điện. Nhu cầu sử dụng điện những tháng đầu năm nay đã tăng 15%, với đà này còn tiếp tục tăng, song theo Thủ tướng, Việt Nam bảo đảm không thiếu điện.
Liên quan đề nghị của doanh nghiệp về bảo trì, bảo dưỡng động cơ máy bay, nhà Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam rất hoan nghênh và cho biết, Việt Nam có Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines và Hãng hàng không tư nhân đang phát triển rất nhanh là Vietjet Air, vì thế, Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp Hàn Quốc liên hệ với các hãng này để bàn về hợp tác. Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam đang đang phát triển kinh tế hàng không với nhiều hệ thống sân bay, đặc biệt là đang xây dựng thêm sân bay Long Thành, cho nên hợp tác về bảo trì, bảo dưỡng máy bay là nội dung mà Việt Nam đang rất cần.
Về hợp tác đóng tàu, Thủ tướng cũng nhấn mạnh đây là nhu cầu lớn do Việt Nam đang phát triển kinh tế biển và ngành công nghiệp đóng tàu. Đặc biệt, Việt Nam có vùng đồng bằng sông Cửu Long là vùng sông nước, giao thông thủy đóng vai trò hết sức quan trọng và nhu cầu đóng tàu rất lớn. Vì vậy, Thủ tướng hoan nghênh hợp tác trong lĩnh vực này.
Liên quan việc bảo trì, bảo dưỡng động cơ máy bay, Thủ tướng Phạm Minh Chính rất hoan nghênh và khuyến khích đề xuất này; cho rằng việc này góp phần kinh tế kinh tế không gian, cho biết đội máy bay Việt Nam đang ngày càng gia tăng, đồng thời Việt Nam đang đầu tư xây dựng mới và cải tạo các sân bay trên cả nước, do đó mong Hanwa hợp tác với các hãng hàng không của Việt Nam.
Về lĩnh vực đóng tàu, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam là quốc gia biển, cho nên cần phát triển ngành công nghiệp đóng tàu, nhu cầu rất lớn.
Về lĩnh vực dược, Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư đầu tư vào lĩnh vực y tế, dược phẩm; Việt Nam cũng đang hoàn thiện thể chế liên quan lĩnh vực này.
Thủ tướng mong các tập đoàn, doanh nghiệp Hàn Quốc vào đầu tư các lĩnh vực tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; mong các doanh nghiệp hỗ trợ về tài chính, xây dựng cơ sở hạ tầng, góp ý xây dựng chính sách, hoàn thiện thể chế, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, quản trị thông minh, quản trị doanh nghiệp, quản trị quốc gia.
|
Phát biểu ý kiến kết luận tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: "Chúng ta đang mở ra chân trời hợp tác mới trên tinh thần toàn diện, toàn cầu, toàn dân để hiện thực hóa mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện hai nước, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại 2025 đạt 100 tỷ USD, đến năm 2030 đạt 150 tỷ USD".
Việt Nam hoan nghênh và chào đón các nhà đầu tư Hàn Quốc. Việt Nam cũng mong các doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia tích cực công tác an sinh xã hội, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, khắc phục hậu quả thiên tai lũ lụt; hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị của doanh nghiệp Hàn Quốc, chuỗi giá trị toàn cầu với tinh thần “3 cùng”: cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn, nhận thức và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và phát triển; lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ.
Thủ tướng tin tưởng hai bên ngày càng có đóng góp to lớn hơn cho sự phát triển của Việt Nam và Hàn Quốc, đem lại đời sống tốt đẹp của nhân dân hai nước.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()