Lê Thế Anh cho biết vài ngày trước, anh được học trò thông báo Phạm Hồng Minh có bức tranh chép tác phẩm Lì xì nhé do anh sáng tác. Sau đó, họa sĩ phát hiện thêm bức Cô gái Dao đỏ của anh cũng bị tương tự. Anh cho rằng hoạt động chép tranh là bình thường nhưng không đồng ý việc Phạm Hồng Minh lại ký và ghi tên lên tranh.
Họa sĩ liên hệ với Hồng Minh nhưng không được phản hồi, vì vậy, anh viết ý kiến lên phần bình luận Facebook, khiến nhiều khán giả quan tâm. Phạm Hồng Minh sau đó chủ động liên hệ và nói rằng mua tranh tại cửa hàng ở Trần Phú, Hà Nội rồi ký tên "vì yêu thích".
Lê Thế Anh nói: "Tôi chưa gặp trường hợp nào mua tranh và ký tên lên đó cả. Thực ra mua hay không mua không quan trọng, mấu chốt vấn đề là ký tên lên thì bạn nhận là tác giả của tranh. Trong khi đó, tác phẩm đã được tôi đăng ký bản quyền, tổ chức triển lãm và bán cho nhà sưu tập. Tranh có giá trị nhất là ở chữ ký".
Theo họa sĩ, bức Lì xì nhé, kích thước 80x85 cm, chất liệu sơn dầu, được sáng tác năm 2016. Tranh từng được trưng bày tại triển lãm Chào xuân dịp đầu năm 2017. Bức Cô gái Dao đỏ, vẽ năm 2013, kích thước 75x90 cm. Hai tác phẩm đều có giấy chứng nhận bản quyền và đã được bán cho nhà sưu tập.
Về phía Phạm Hồng Minh, anh khẳng định không sao chép mà mua bức tranh. Khi đã mua, tranh thuộc quyền sở hữu của anh. Vì vậy, anh muốn viết, vẽ hay bán lại cho ai đó là quyền cá nhân. "Anh ấy nói tôi chép tranh là đang vu khống. Tôi đã nhắn tin xin số điện thoại, hẹn gặp nhưng anh ấy chưa đồng ý", anh nói.
Lê Thế Anh cho biết hiện anh yêu cầu Phạm Hồng Minh xin lỗi công khai trên báo chí và hủy hai tác phẩm. Nếu không, họa sĩ sẽ nhờ pháp luật để giải quyết.
Họa sĩ Trần Lâm Bình - người từng thực hiện bảy triển lãm cá nhân - cho biết không đồng tình việc một người chép tranh của họa sĩ khác và ký tên mình lên đó. Tác phẩm của anh cũng nhiều lần bị người khác sao chép mà không xin phép, nhưng họ không ký tên. Vì vậy, anh không làm lớn chuyện.
Theo Lâm Bình, chép tranh được luật Sở hữu trí tuệ bảo hộ, tuy nhiên phải đảm bảo ba yêu cầu: Thứ nhất, người chép phải xin phép tác giả bản gốc. Thứ hai, nếu không xin phép, bức tranh gốc phải có tuổi đời trên 50 năm, hết thời gian về bản quyền. Thứ ba, người sở hữu tranh không được ký tên vào tranh và có ghi chú về tranh chép.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi cho rằng họa sĩ Thế Anh nên nhờ pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích. Đồng thời, cơ quan chức năng nên xử phạt những nơi tự động chép tranh mà không xin phép tác giả. "Việc tự ký tên lên một bức tranh chép, rồi tuyên bố một khi đã mua tranh về thì chủ sở hữu có quyền ký tên hay thêm bớt bất cứ gì, là tư duy sai lầm. Điều đáng nói là Phạm Hồng Minh còn học ngành Mỹ thuật, có thương hiệu liên quan đến nghệ thuật", ông Khôi nhận định.
Họa sĩ Lê Thế Anh sinh năm 1978 tại Hưng Yên, hiện là giảng viên khoa Thiết kế Mỹ thuật, Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Anh là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, thành viên nhóm Hiện thực. Anh từng tổ chức nhiều triển lãm cá nhân và đoạt một số giải thưởng như: Huy chương bạc Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc 201, giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam, Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015, giải A Văn học nghệ thuật toàn quốc đề tài Hải quân (2011-2015), giải B Mỹ thuật (không có giải A dành cho Mỹ thuật) Giải thưởng toàn quốc sáng tác, quảng bá tác phẩm Văn học, nghệ thuật, báo chí (2011-2014)...
Phạm Hồng Minh sinh năm 1991 tại Bình Định, tốt nghiệp khoa Mỹ thuật, Đại học Kiến trúc TP HCM. Anh từng gây chú ý với màn đốt tranh, vẽ tranh bằng kim tuyến, lửa... tại Vietnam's Got Talent 2013 và vào top 3. Năm 2017, anh nhận kỷ lục về vẽ tranh trình diễn tại Việt Nam. Hiện anh phát triển khả năng trình diễn ở các thể loại tranh nước, tranh ghép, tranh lồng nhau, tranh dạ quang...
Ý kiến ()