Ông Phan Văn Hòa - Chủ tịch UBND xã Đường Lâm (Sơn Tây) ra quyết định xử phạt ngày 10/11, theo nghị định 38 của Chính phủ với hành vi viết, vẽ, làm bẩn, ô uế di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Họa sĩ buộc phải khôi phục giếng trở về nguyên trạng.
Ông Hòa nói: "Sau khi xem xét tình hình thực tế, làm việc với đại diện đoàn phim, chúng tôi đưa ra quyết định này. Hình phạt mang tính răn đe với êkíp, cá nhân, tổ chức khi đến làng cổ, họ phải tôn trọng, giữ gìn di tích lịch sử".
Ông Nguyễn Đăng Thạo - Trưởng Ban quản lý làng cổ Đường Lâm - cho biết hôm 9/11, êkíp đã cọ rửa phần vôi ve trên thành giếng. Ban quản lý đang tham khảo ý kiến các chuyên gia lĩnh vực tu bổ, lên kế hoạch phục hồi vẻ rêu phong. Theo ông Thạo, sự việc chưa có tiền lệ, dù làng cổ Đường Lâm là địa điểm được nhiều êkíp chọn làm bối cảnh phim, MV.
Ông Thạo nói thông thường các đoàn muốn quay phim phải liên hệ phòng Văn hóa Thông tin xã Đường Lâm, viết đơn xin phép, văn bản cam kết để ban quản lý phối hợp giám sát. Êkíp Chuyện làng Bồm chỉ xin phép miệng mà chưa thực hiện đầy đủ các bước theo quy định. "Chúng tôi sẽ tăng cường giám sát, quản lý để tránh xảy ra sự việc đáng tiếc tại các điểm di tích", ông nói.
Chuyện làng Bồm là phim Tết do Công ty Cổ phần Nghe nhìn Thăng Long sản xuất. Hôm 7/11, êkíp gây bức xúc khi sơn lại giếng cổ nhằm phù hợp bối cảnh phim. Họ quét vôi ve màu đỏ lên bề mặt giếng, dùng màu đen vẽ tạo hình viên đá ong và vảy màu xanh làm giả rêu phong. Đại diện nhà sản xuất hiện không phản hồi về sự việc.
Đời vua Lê Hy Tông (1684), đình làng Mông Phụ được xây dựng. Giếng được đào để tạo nguồn nước phục vụ việc xây cất. Nằm ở hướng Đông, ngay cạnh đình, giếng như điểm chiếu từ hai đầu đao uốn mái có gắn đầu rồng nhìn xuống. Đình Mông Phụ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia năm 1984.
Ý kiến ()