Nghe tin Thu Thủy qua đời ở tuổi 45, Bùi Bích Phương, Mai Phương Thúy, Ngọc Hân... đều bàng hoàng, tiếc nuối cho nhan sắc đình đám một thời. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nhớ như in hình ảnh Thu Thủy bước đi, xoay người trong đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 1994, "tựa thiên nga trong bộ váy nhung xanh trang nhã". Bức hình chị đội vương miện, cầm bó hoa lay ơn là một trong những tấm ảnh lịch phổ biến được treo trên tường nhiều gia đình những năm 1990. Khi ấy, chị 18 tuổi, mới đỗ hai trường là Học viện Ngoại giao và Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Chị chọn học ngành ngoại giao vì mơ ước trở thành nữ đại sứ.
Trong video ban tổ chức chương trình Hoa hậu Việt Nam thực hiện năm 2018, Thu Thủy nói cuộc đời chị thay đổi hoàn toàn sau khi đoạt vương miện. Thử thách lớn nhất của chị là cư xử, sống như một phụ nữ bình thường. Thu Thủy ở tuổi đôi mươi bỏ học ngành ngoại giao, sang Mỹ học marketing rồi về nước lấy chồng năm 2002. Cuộc hôn nhân không kéo dài bao lâu, Thu Thủy chia tay chồng, một mình nuôi con. Sau này, chị yêu người khác, có thêm một con gái. Người đẹp làm mẹ đơn thân những năm tháng cuối đời. Thu Thủy nói trong video kỷ niệm 24 năm đăng quang: "Sau ánh hào quang, tôi vẫn là một người phụ nữ, một người mẹ, có yếu đuối, sai lầm, phải vượt qua nhiều thử thách". Chị cũng tự nhận mình ích kỷ vì đã không giữ bố cho con.
Trong bài viết về hoa hậu hồi tháng 6, nhà thơ Dương Kỳ Anh kể mỗi lần vấp váp, những lần tưởng như buông tay chấp nhận sa ngã, hoa hậu thường nhớ lại lời khuyên của bố. Khi họ hàng không ủng hộ thi nhan sắc, bố Thu Thủy nói: "Con cháu mình có hư hỏng không là do bản lĩnh của nó. Gia đình phải rèn giũa cho con bản lĩnh cứng rắn để những thứ ngoại lai không tác động vào còn hơn là cấm đoán". Mang bản lĩnh đó vào đời, chị từng bộc bạch với Dương Kỳ Anh: "Trước đây, cuộc sống đối với em là những đỉnh cao liên miên chinh phục. Em trẻ, đẹp, có danh tiếng, có kiến thức, có tham vọng. Em đã nghĩ rằng không có điều gì mình muốn mà không làm được".
Không hoạt động showbiz nhưng Thu Thủy ghi dấu ấn bởi cá tính mạnh mẽ, tài năng trong nhiều lĩnh vực. Chị kinh doanh hơn 20 năm, lăn lộn với đủ ngành nghề từ nhà hàng, khách sạn, bất động sản đến phân phối mỹ phẩm, thực phẩm, spa. Chị chọn đi con đường khó khăn, nhiều lần mất tiền, sạt nghiệp rồi đứng lên gây dựng lại từ đầu.
Có nền tảng kiến thức vững từ bố là tiến sĩ ngôn ngữ học Nguyễn Văn Lợi và mẹ là soạn giả, tiến sĩ Chu Bích Thu, Thu Thủy cũng thể hiền tài năng ở nhiều lĩnh vực xã hội như viết văn, làm báo, biên kịch. Chị từng viết kịch bản, đóng chính phim ngắn Người khác - vào top 3 bộ phim hay nhất liên hoan phim quốc tế VNIFF năm 2001. Phim kể về chính hoa hậu, người phụ nữ hiện đại có nhiều xung đột tâm lý, rời Hà Nội bộn bề công việc để trải nghiệm, tìm kiếm những giá trị mới ở vùng núi phía Bắc của Tổ quốc. Thu Thủy cũng ấp ủ dự định xuất bản vài cuốn tiểu thuyết.
Á hậu Thụy Vân nói đàn chị ngọt ngào, quyến rũ nhưng quyết đoán, thẳng thắn. Tính cách mạnh mẽ, chẳng ngại va chạm, Thu Thủy từng có nhiều phát ngôn thể hiện quan điểm gây tranh cãi. Năm 2010, khi làm giám khảo Hoa hậu Việt Nam, chị trả lời phỏng vấn: "Tôi mong rằng trong cuộc thi năm nay, mọi người hãy nhìn hoa hậu như một cô gái đẹp. Nhan sắc là sự hội tụ của nhiều yếu tố và tôi nghĩ bản thân cái đẹp đã là tài năng rồi. Bạn có thể cố gắng hát hay, học giỏi, có học vấn này nọ, nhưng với vẻ đẹp, dù có sự can thiệp của thẩm mỹ, đó vẫn không phải là vẻ đẹp thực sự, giá trị cốt lõi. Tất nhiên, người ta cũng nói về sự đức hạnh, trí tuệ... nhưng cao hơn cả là vẻ đẹp". Câu phát biểu của chị khi ấy tạo ra cuộc tranh luận gay gắt về cái đẹp trên Facebook. Đến nay, câu "Bản thân cái đẹp đã là một tài năng" vẫn được nhiều người trích dẫn.
Năm 2017, tham gia chương trình Bốn mùa yêu thương, khi nghệ sĩ Quốc Anh nói: "Một người phụ nữ ngồi sau xe Wave tàu cười phe phé hơn là người phụ nữ ngồi trong Camry mà lại thút thít khóc", chị phản bác: "Phụ nữ với nhau thường nói rằng, thực ra khóc ở đâu cũng thế thôi, nhưng khóc ở trong xe Mercedes vẫn thích hơn là sau cái xe đạp hay Wave tàu". Nhiều người bình phẩm chị coi trọng vật chất, số khác lại khen hoa hậu thực tế.
Những năm gần đây, hoa hậu ít xuất hiện, kiệm lời hơn. Chị được nhiều người yêu mến vì truyền cảm hứng lối sống lành mạnh, yêu môi trường. Chị nhiều lần chinh phục các cung đường mòn cự ly 21 km, 42 km ở Hà Giang, Sơn La, Lào Cai... Hình ảnh hoa hậu với nước da ngăm, nụ cười rạng rỡ xuất hiện ở các giải chạy tạo động lực cho nhiều người theo đuổi môn chạy bộ. Trên trang cá nhân, chị cũng chia sẻ nhiều hình ảnh tập yoga, ăn chay để giữ sức khỏe.
Hoa hậu thích đọc sách, sưu tập tài liệu, thư tịch cũ. Sách gối đầu giường của chị gồm nhiều cuốn triết học, kinh doanh cho đến tiểu thuyết của Murakami, Giả Bình Ao. Chị thích viết tay nhiều câu nói hay bằng bút máy, thể hiện niềm tin vào tình yêu, cuộc sống. Một tuần trước khi mất, chị chia sẻ trên trang cá nhân mẩu giấy chép trích dẫn lời nhà văn người Pháp Romain Gary: "Tình yêu, bạn biết đấy, thứ nó cần chính là trí tưởng tượng. Mỗi người cần sáng tạo ra người kia của mình bằng toàn bộ trí tưởng tượng và sức mạnh của bản thân và không được nhượng bộ thực tế, dù chỉ một ly một tấc; đến lúc đó, khi hai trí tưởng tượng gặp nhau... sẽ chẳng có gì đẹp hơn thế nữa".
Ý kiến ()