Chiều 27/8, bà Võ Thị Thu Sương - Chánh Thanh tra Sở - cho biết xử phạt Phương Lê vì hai hành vi: xuyên tạc tác phẩm, gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả (theo Nghị định 131/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan); cung cấp, chia sẻ thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục dân tộc (theo Nghị định số 15/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử).
Cơ quan chức năng không công bố cụ thể mức tiền, nhưng khung hình phạt cho hành vi đầu tiên từ 5 đến 10 triệu đồng, hành vi thứ hai từ 10 đến 20 triệu đồng.
"Nếu bà Phương tái phạm hoặc tiếp tục vi phạm hành chính, Sở sẽ phối hợp với công an thành phố và các cơ quan chức năng xử lý tình tiết tăng nặng theo quy định", đại diện cơ quan quản lý cho biết.
Trước đó, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM phối hợp Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA03) - Công an TP HCM, Sở Văn hóa và Thể thao - mời Phương Lê (tức Lê Thị Hậu Phương) lên làm việc về hoạt động cung cấp thông tin trên các tài khoản mạng xã hội.
Hôm 14/8, cô sửa lời Quốc ca (bài Tiến quân ca) trong lúc livestream. Theo đại diện Sở Thông tin và Truyền thông, tại buổi làm việc với cơ quan chức năng, cô cho biết có hành động bột phát do bị anti-fan công kích. "Nhận thấy việc này không phù hợp, bà Phương đã gỡ bỏ video, có bài viết xin lỗi", Sở Thông tin và Truyền thông cho biết.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vốn có văn bản hướng dẫn sử dụng Quốc ca. Theo đó, tác phẩm được sử dụng trong các buổi lễ chào cờ tại công sở nhà nước, trường học, nghi lễ sinh hoạt chính trị, lễ hội quốc gia, sự kiện thể thao cấp nhà nước và quốc tế... Việc sử dụng Quốc ca không đúng hướng dẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 351 Bộ Luật hình sự năm 2015. Người cố ý xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Tiến quân ca ra đời tháng 10/1944, khi nhạc sĩ Văn Cao mới 21 tuổi. Ngày 22/12/1944, bài hát được sử dụng làm bài ca chính thức của 34 chiến sĩ đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Ca khúc được chọn làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1946. Đến nay, nhạc phẩm đồng hành dân tộc Việt Nam trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước cũng như trong thời kỳ hòa bình, xây dựng phát triển và bảo vệ Tổ quốc, được nhiều thế hệ ca sĩ biểu diễn ở các sự kiện long trọng.
Phương Lê, 45 tuổi, quê Trà Vinh, được biết đến khi đoạt Á hậu doanh nhân người Việt thế giới 2016. Năm 2017, cô đăng quang Hoa hậu Quý bà Hòa bình Thế giới. Ngoài hoạt động showbiz, cô là vlogger ẩm thực, có kênh YouTube riêng.
Liên quan đến ồn ào Phương Lê, nghệ sĩ cải lương Vũ Luân cũng bị chỉ trích khi ngồi cạnh cô trong buổi livestream. Trên fanpage Chuông vàng vọng cổ 2024, nhiều khán giả đề nghị anh rời khỏi vị trí giám khảo mùa giải năm nay. Chiều 22/8, đại diện chương trình cho biết nghệ sĩ Vũ Luân đã rút khỏi chương trình vì "lý do cá nhân", ban tổ chức mời nghệ sĩ Kim Phương thay thế.
Ý kiến ()