Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 15:32 (GMT +7)
Hổ trong dòng chảy lịch sử mỹ thuật Việt
Thứ 3, 01/02/2022 | 16:58:51 [GMT +7] A A
Loài hổ vốn dữ tợn, mạnh mẽ, nhưng qua những hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, cách cha ông chúng ta thể hiện hình tượng hổ trong suốt dòng chảy lịch sử mỹ thuật Việt cho thấy cái nhìn thật khác.
Từ cách đây hơn 2.000 năm, trên đồ đồng thời Đông Sơn đã khắc họa hình tượng hổ, với quan niệm kính sợ và tôn thờ sức mạnh, sự oai linh của con vật này. Năm 1972, đợt thám sát khảo cổ học tại di chỉ Lăng Ngâm (Gia Bình, Bắc Ninh) của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam) đã phát hiện ra nhiều tấm đồng trổ thủng hình hổ và hươu.
Ngoài ra, trên nắp đồng thạp đồng Vạn Thắng (phát hiện tại Cẩm Xuyên, Phú Thọ, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Hùng Vương, Phú Thọ), người thời Đông Sơn còn thể hiện hình tượng hổ cắp mồi rất sinh động, mỗi con một dáng. Tượng hổ còn được thể hiện kết hợp với rắn, voi trên chuôi dao găm thời Đông Sơn (được khai quật tại di chỉ Làng Vạc (Nghệ An), với nghệ thuật điêu khắc vừa mang tính tả thực, vừa mang tính ước lệ.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết, sự xuất hiện của hổ trong nghệ thuật thời Đông Sơn có liên quan đến quan niệm kính sợ và tôn thờ sức mạnh của loài vật này, cũng như liên quan đến tín ngưỡng thờ vật tổ, tín ngưỡng vạn vật hữu linh của cư dân thời kỳ này. Sự tôn thờ này còn phổ biến ở một số dân tộc cho đến ngày nay.
Trong 10 thế kỷ đầu Công nguyên, văn hóa Việt Nam tiếp thu những tinh hoa văn hóa, và theo đó hình tượng hổ cũng có những thay đổi về tạo hình, ý nghĩa và nội hàm văn hóa. Hổ gắn liền với Tứ Tượng hay còn gọi là Tứ Linh, Tứ Thần Thú: Thanh Long (phương Đông), Bạch Hổ (phương Tây), Chu Tước (phương nam) và Huyền Vũ (phương bắc). Các thần thú này còn đại diện cho 4 mùa trong năm, các đức tính, các nguyên tố trong tự nhiên, vị trí của các chòm sao trong thiên văn học thời cổ.
Bởi mang tính chất của một thần thú uy linh, cho nên cách thể hiện của hình tượng hổ trong thời gian này cũng khác với thực tế, thường kết hợp với các biểu tượng mang tính chất thiêng hóa để thể hiện niềm tin và sự tôn kính. Có thể thấy hình tượng này ở trên chiếc bích đồng có niên đại khoảng thế kỷ I-III có trang trí Tứ linh, với hổ có người cưỡi trên lưng. Hoặc hình hổ được trang trí cùng với rồng, phượng, chim, thú trên đĩa ba chân, niên đại thế kỷ I-III…
Vào thế kỷ XIII-XVIII, hình tượng hổ trong mỹ thuật cũng trải qua những thăng trầm. Thời Lý, hổ đại diện cho cái ác, sự trừng phạt, tạo cảm giác sợ hãi, cho nên không có nhiều hình tượng hổ trong nghệ thuật. Dưới thời Trần, hổ xuất hiện với tạo hình khỏe khoắn, sinh động, thể hiện sự dũng mãnh. Hổ thời kỳ này được coi như linh thú trấn yểm, bảo vệ cho nhiều lăng mộ, tiêu biểu như tượng hổ ở lăng Trần Thủ Độ (Hưng Hà, Thái Bình), lăng vua Trần Hiến Tông (Đông Triều, Quảng Ninh)…
Nhắc đến hổ, không thể không nhắc đến hình tượng hổ trong dòng tranh dân gian Hàng Trống. Trong tín ngưỡng dân gian, hổ được coi là linh vật có sức mạnh, oai linh, được tôn thờ. Dòng tranh Hàng Trống có các tranh Ngũ hổ, độc hổ, theo các màu sắc tương ứng như thanh hổ, bạch hổ, xích hổ, hoàng hổ, hắc hổ. Màu sắc trên tranh Hổ Hàng Trống dựa trên nguyên lý ngũ hành để phối màu, giúp bức tranh có nhiều ý nghĩa. Tranh cũng được kết hợp cùng các họa tiết như mây ngũ sắc, cờ, kiếm… tạo nên một tổng thể uy nghiêm, cân bằng, hài hòa theo thẩm mỹ dân gian.
Thời Lê, hình tượng hổ cũng được đưa vào trang trí tại một số lăng mộ, có thể thấy ở khu lăng mộ các vua Lê ở Lam Kinh (Thanh Hóa). Tượng hổ cũng như các loại tượng khác thời kỳ này có kích thước khá tương đồng nhau ở nhiều khu vực khác nhau, cách tạo hình cũng đơn giản nhưng vẫn giàu biểu cảm.
Thời Lê-Trịnh (thế kỷ XVII-XVIII), hình tượng hổ ở nhiều khu vực lăng mộ vẫn còn, nhưng có những nơi đã đặt ở ngoài vị trí tường bao, cách xa các cặp tượng voi, ngựa, quan hầu khác. Như vậy, hổ được coi như hộ môn thú, canh gác các khu lăng mộ.
Ngoài các bức tượng, thời kỳ này có thể thấy hình ảnh hổ khá phổ biến trên một số đồ gốm sứ. Tại nhiều đồ gốm Chu Đậu, hổ được thể hiện chi tiết, khá gần với thực tế, nhiều hình vẽ trang trí mang tính nhân cách hóa, cách thể hiện cũng sinh động.
Hình tượng hổ cũng được tìm thấy trong các bức chạm của các công trình vào thế kỷ XVI-XVIII như trang trí trên cây hương chùa Tứ Kỳ, một số đình làng như Chu Quyến, Tây Đằng, Nghiêm Xá (Hà Nội), Trùng Hạ (Ninh Bình), đình Chảy (Hà Nam), Thổ Tang (Vĩnh Phúc), Hùng Lô (Phú Thọ)… Hổ thời kỳ này được khắc họa trên các kiến trúc đình làng thường gắn với hình ảnh sinh hoạt đời thường của con người như hổ chạy theo chân Đinh Bộ Lĩnh trong hoạt cảnh “Mả táng hàm rồng”, người săn hổ (đình Chảy), hổ cày ruộng (đình Hùng Lô), người cầm súng bắn hổ (đình Hạ Hiệp). Cách tạo hình hổ thời kỳ này cũng khá tự nhiên, đa dạng, thể hiện cái nhìn hồn nhiên, mộc mạc, hóm hỉnh của mỹ thuật dân gian.
Thời Nguyễn, hình tượng hổ-biểu trưng cho sức mạnh được sử dụng khá phổ biến trong trang trí, mỹ thuật như trên các tấm bổ tử trên phẩm phục võ quan, trên các bức trướng, tranh thêu, đồ gỗ chạm khảm, đồ ngọc, pháp lam, các bình phong tại các di tích, đển miếu. Điển hình, tại Huế còn có công trình Hổ quyền là đấu trường của voi và hổ, được xây dựng từ năm 1830 dưới thời vua Minh Mạng. Hình hổ cũng được đúc trên Cao đỉnh, chiếc đỉnh lớn nhất trong cửu đỉnh.
Hình tượng hổ thời Nguyễn (thế kỷ XIX-XX) được thể hiện đa sắc, từ cung đình cho đến dân gian, các biểu tượng tôn giáo, tín ngưỡng cho đến hoạt động thường ngày trong cuộc sống nười dân.
Nói về hình tượng hổ trong dòng chảy lịch sử mỹ thuật, nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét: “Con hổ đối với văn hóa một số nước khác thường có tính uy mãnh, hung dữ, nhưng qua những hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, có thể thấy hình tượng hổ được cha ông chúng ta thể hiện khá hiền hòa, đôi khi còn gần gũi, thân thiện. Thí dụ như ngay cả trên tranh thờ là nơi thể hiện uy lực, thần lực, con hổ cũng không hề hung dữ, mà mang tính vật linh nhiều hơn. Những hình ảnh hổ trên đồ gốm sứ Chu Đậu còn có phần ngộ nghĩnh. Hay như tượng hổ ở lăng mộ Trần Thủ Độ, tuy to lớn nhưng trông vẫn hiền, giống như canh giữ nhà nhiều hơn là ở tư thế tấn công. Chính vì thế, trong những ngày đầu năm mới, đến với con vật linh là hổ, người ta thấy có được sự chúc lành, bảo vệ cho sự bình an”.
PGS.TS. Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam chia sẻ, ngắm những bức tranh hổ Hàng Trống, ông nhớ lại thủa nhỏ cùng mẹ, cùng bà đi chợ ngày Tết và chọn mua tranh. Những bức tranh hổ đem lại cảm giác bình an trong mỗi ngôi nhà.
Trong suốt chiều dài lịch sử, bên cạnh vật linh là rồng luôn được các nghệ sĩ dân gian thể hiện bằng nhiều hình thức phong phú, ý nghĩa, hổ cũng là một nét văn hóa đặc biệt trong cả tâm linh và mỹ thuật truyền thống. Những ngày đầu xuân Nhâm Dần, ai yêu thích mỹ thuật truyền thống có thể tham quan những hình ảnh hổ trải qua nhiều thời kỳ tại trưng bày “Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam”, kéo dài từ nay đến hết tháng 8.
Theo Theo Nhân Dân
Liên kết website
Ý kiến ()