Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:25 (GMT +7)
Gỡ khó trong tiêu thụ thủy sản tại Vân Đồn
Thứ 5, 23/09/2021 | 09:56:41 [GMT +7] A A
Do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, nhiều loại thủy hải sản nuôi trồng của người dân Vân Đồn gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, tiềm ẩn rủi ro thua lỗ. Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, hiện nay các sở, ngành liên quan và huyện Vân Đồn đang tích cực phối hợp, triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ người dân trong việc tiêu thụ thủy sản nuôi trồng, phấn đấu đến cuối năm sẽ không còn hộ nào bị tồn đọng.
Huyện Vân Đồn hiện có gần 1.400 hộ dân nuôi trồng thủy sản trên biển, với sản lượng trung bình hàng năm đạt trên 340.000 tấn/năm. Nếu như những năm trước đây khi chưa có dịch bệnh Covid-19, sản lượng thủy sản nuôi trồng của người dân Vân Đồn sản xuất được bao nhiêu thì đều được tiêu thụ hết, thậm chí còn thiếu nguồn hàng.
Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây, khi có dịch bệnh Covid-19, gần như các sản phẩm nuôi trồng của người dân Vân Đồn khó tiêu thụ và bị tồn đọng nhiều. Theo thống kê gần đây của Phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn, hiện trên địa bàn huyện còn tồn đọng trên 300.000 tấn thủy sản nuôi trồng các loại cần được hỗ trợ tiêu thụ, bao gồm: Hàu sữa Thái Bình Dương 300.000 tấn; cá song gần 600 tấn; cá chim vây vàng 300 tấn.
Ông Phạm Văn Dương, hộ nuôi trồng thủy sản tại thị trấn Cái Rồng, cho biết: Gia đình tôi hiện có 120 ô lồng nuôi cá song biển. Hai năm trở về trước, cá song thường được nuôi gối vụ vì nhu cầu tiêu thụ tăng cao, cá lớn đến 3kg là đã bán hết. Tuy nhiên hiện nay, trong 120 ô lồng của gia đình còn tồn đọng 120 tấn cá song đã đến kỳ thu hoạch mà không thể bán được, khiến gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Không bán được, khiến gia đình mỗi ngày phải tiêu tốn đến vài chục triệu đồng để mua thức ăn chăn cá. Bởi vậy, chúng tôi rất mong các cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương quan tâm, tìm cách hỗ trợ tiêu thụ.
Trước những khó khăn của người dân trong tiêu thụ sản phẩm thủy sản nuôi trồng, huyện Vân Đồn đã tổ chức 2 cuộc họp, mời các doanh nghiệp và sở, ngành liên quan bàn các biện pháp hỗ trợ tiêu thụ thủy sản cho người dân. Một trong những biện pháp tối ưu được các đơn vị đề xuất trong bối cảnh hiện tại là hỗ trợ người dân tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong chính các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh, bởi hiện tại, địa bàn tỉnh đang được an toàn, không có dịch bệnh, hoạt động sản xuất, kinh doanh diễn ra bình thường nên nhu cầu tiêu thụ trong các bếp ăn tập thể là rất lớn, đặc biệt trong các khu công nghiệp, đơn vị ngành than.
Để nắm bắt tình hình có cách hỗ trợ hợp lý, ngày 7/9/2021, Sở Công Thương phối hợp với Sở NN&PTNT và Phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn đi khảo sát thực tế một số hộ nuôi trồng thủy sản tại thị trấn Cái Rồng để đánh giá thực trạng và đưa ra phương án hỗ trợ tiêu thụ hải sản cho người dân.
Ngay sau khi có sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, Công ty TNHH XNK Hà Trang đã ký kết hợp đồng với HTX Thắng Lợi có địa chỉ tại thị trấn Cái Rồng bao tiêu sản phẩm cá song cho người dân Vân Đồn có nhu cầu. Hiện cứ 2 đến 3 ngày lại có một đơn hàng từ 2-3 tấn cá song được 2 đơn vị đưa đi tiêu thụ. Đến nay đã có gần 100 tấn cá song của người dân được 2 đơn vị thu mua đưa đi tiêu thụ ngoài tỉnh.
Không chỉ có vậy, chuỗi nhà hàng Hồng Hạnh gần đây cũng đã trực tiếp liên hệ với các đầu mối là các HTX tại huyện Vân Đồn triển khai thu mua cá song cho người dân. Hiện đã có khoảng 20 tấn cá song được nhà hàng Hồng Hạnh thu mua để chế biến thành các món ăn tại chuỗi các nhà hàng trên địa bàn TP Hạ Long và cắt khúc, đóng gói hút chân không để tiêu thụ.
Ngoài sự hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương, nhiều hộ dân nuôi trồng thủy sản tại Vân Đồn đã chủ động tìm kiếm các đơn hàng trong chính các chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, trung bình mỗi ngày, sản lượng hàu sữa Thái Bình Dương tiêu thụ đạt từ 120-150 tấn/ngày, ngao các loại 5-7 tấn/ngày, cá các loại 1 tấn/ngày.
Ông Đào Văn Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, chia sẻ: Huyện xác định nuôi trồng thủy sản là ngành kinh tế chính để nâng cao đời sống vật chất cho người dân. Việc sản lượng thủy sản tiêu thụ khó khăn thời gian này là do yếu tố khách quan từ dịch bệnh. Thời gian qua, với sự vào cuộc của địa phương và sở, ngành liên quan một lượng lớn thủy sản nuôi trồng của người dân đã được tiêu thụ, giảm bớt gánh nặng phần nào cho người nuôi trồng. Tuy nhiên hiện nay, sản lượng hàu còn rất lớn, đề nghị các sở, ngành liên quan và UBND tỉnh hỗ trợ, kết nối với các đơn vị doanh nghiệp chế biến sâu, có khả năng tiêu thụ lớn nhằm không chỉ hỗ trợ trong thời điểm hiện tại mà còn cho cả thời gian sau này.
Mạnh Trường
Liên kết website
Ý kiến ()