Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 12:50 (GMT +7)
Hỗ trợ tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ
Thứ 4, 25/12/2024 | 16:21:20 [GMT +7] A A
Hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ (SHTT) và chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong năm 2024 tiếp tục đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Trong năm qua, Sở KH&CN tích cực triển khai các cơ chế, chính sách của tỉnh về thực hiện chiến lược SHTT đến các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân trong tỉnh. Thực hiện Nghị quyết 313/2020/NQ-HĐND (9/12/2020) về một số cơ chế tài chính khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong hoạt động KHCN trên địa bàn tỉnh, hằng năm, Sở đều hướng dẫn các đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp về hoạt động KHCN, trong đó có hoạt động SHTT. Riêng năm 2024, tỉnh đã hỗ trợ hơn 1,1 tỷ đồng cho 29 tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Sở KH&CN tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ 150 tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích trong năm 2024. Đồng thời hướng dẫn các địa phương gia hạn cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Đến nay, Quảng Ninh đã có trên 2.300 văn bằng bảo hộ về nhãn hiệu, trên 30 sáng chế, giải pháp hữu ích được cấp văn bằng bảo hộ, hàng chục giống cây trồng mới được đăng ký, trong đó có trên 90% sáng chế, giải pháp hữu ích được áp dụng vào thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2024, Sở KH&CN tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Theo đó, UBND tỉnh phê duyệt danh mục 6 nhiệm vụ thực hiện từ năm 2024, gồm: Xây dựng quản lý và phát triển các nhãn hiệu chứng nhận hồi Bình Liêu, hàu Quảng Ninh, dưa chua úp thảm Tiên Yên, bánh kẹo đặc sản Tiên Yên, gà râu Hải Hà và chỉ dẫn địa lý quế Hải Hà. Đến nay, Sở đã tổ chức tuyển chọn được các đơn vị triển khai thực hiện nhiệm vụ đảm bảo quy định.
Bà Hoàng Thị Ngân, Phó Chủ tịch xã Điền Xá (Tiên Yên), cho biết: Từ tháng 7/2022, HTX Nông sản Điền Xá được thành lập với 29 hội viên. Trong đó chủ yếu các hội viên trồng rau cải xanh an toàn, với diện tích khoảng 5ha. Từ sản phẩm rau cải xanh, chúng tôi đã hướng dẫn người dân chế biến thành sản phẩm dưa chua úp thảm. Qua hơn 2 năm, sản phẩm được người tiêu dùng trong và ngoài địa phương đánh giá cao về chất lượng, an toàn, đồng thời nâng cao giá trị kinh tế, tạo việc làm cho người dân địa phương. Khi sản phẩm dưa chua úp thảm Tiên Yên được hỗ trợ xây dựng và phát triển nhãn hiệu chứng nhận, chúng tôi mong muốn được tiếp cận được với thị trường tốt hơn, nâng cao giá trị sản phẩm.
Thời gian qua, tỉnh đã quan tâm đến phát triển tài sản trí tuệ nhằm đưa nhiều đặc sản trở thành những thương hiệu lớn, có uy tín, danh tiếng trong và ngoài tỉnh, thậm chí là thị trường quốc tế, như: Chả mực Hạ Long, mực ống Cô Tô, gà Tiên Yên, sá sùng Vân Đồn… Nổi bật như đặc sản Gà Tiên Yên đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xếp hạng top 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam; đang là một trong những sản phẩm OCOP chủ lực của huyện Tiên Yên và của tỉnh, mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ nông dân. Hiện nay, huyện Tiên Yên đang triển khai xây dựng chỉ dẫn địa lý gà Tiên Yên, nhằm tăng cường quản lý và bảo vệ thương hiệu gà Tiên Yên.
Để khai thác, phát triển hiệu quả tài sản trí tuệ đối với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế, sản phẩm đặc thù và sản phẩm OCOP, tỉnh tiếp tục quan tâm lựa chọn phát triển các sản phẩm theo nhu cầu của thị trường, đồng thời tăng cường tuyên truyền, quảng bá bằng cả hình thức truyền thống và trực tuyến. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục có những chính sách hỗ trợ tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản thông qua các hoạt động xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể. Đẩy mạnh phối hợp liên ngành giữa cơ quan quản lý - nhà khoa học - doanh nghiệp ở địa phương và các hội, hiệp hội, HTX về SHTT nhằm hỗ trợ lẫn nhau trong việc thực hiện mục tiêu phát triển tài sản trí tuệ.
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()