Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 10:36 (GMT +7)
Hỗ trợ tái thiết sản xuất lâm nghiệp bị thiệt hại do thiên tai
Thứ 2, 14/10/2024 | 14:14:37 [GMT +7] A A
Bão số 3 (Yagi) gây thiệt hại rất lớn cho ngành lâm nghiệp tỉnh. Để hỗ trợ người dân, các công ty lâm nghiệp sớm khắc phục thiệt hại, tái thiết sản xuất, kinh doanh; tỉnh, trực tiếp là ngành NN&PTNT đang triển khai nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã phỏng vấn ông Nguyễn Duy Văn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, về nội dung này.
- Ông cho biết rõ những thiệt hại do bão số 3 gây ra với ngành lâm nghiệp của tỉnh? + Thời điểm trước khi bão số 3 đổ bộ vào tỉnh, toàn tỉnh có 434.397,1ha đất rừng, tỷ lệ che phủ rừng 55%. Sau khi bão đi qua, toàn tỉnh có trên 117.000ha rừng bị thiệt từ 30-100%, phần lớn là rừng trồng thông, keo, bạch đàn; ngoài ra còn có hàng nghìn ha rừng tự nhiên bị ảnh hưởng, phần lớn bị gãy ngang thân, cành, 100% lá bị tuốt rụng, không có khả năng phục hồi. Đáng lo ngại, rừng bị thiệt hại để lại khoảng 6 triệu tấn vật liệu rất dễ cháy (thân, cành, rễ, lá đang khô dần), kết hợp với thời tiết diễn biến nắng nóng hanh khô rất dễ cháy khi gặp lửa hoặc các tác động ngoại cảnh (con người, hoạt động sinh hoạt…), tiềm ẩn rất lớn nguy cơ cháy trên diện rộng; thậm chí có thể gây ra những thảm họa về môi trường, những hệ lụy môi trường là rất lớn, có tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân trên địa bàn. Từ sau bão đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 9 vụ cháy rừng (Vân Đồn 3 vụ, Cẩm Phả 3 vụ, Hạ Long 1 vụ, Ba Chẽ 1 vụ, Móng Cái 1 vụ), diện tích có rừng bị cháy khoảng 57,734ha. Các địa phương đã huy động hơn 1.300 lượt người là kiểm lâm, công an, quân đội, lực lượng tại chỗ trực tiếp tham gia chữa cháy rừng. |
Có thể khẳng định, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, ngành lâm nghiệp của tỉnh bị ảnh hưởng và thiệt hại lớn đến như vậy do thiên tai, bão lụt với trên 30% diện tích rừng hiện có, trong đó gần 50% rừng trồng hiện có bị gãy, đổ.
- Ngành NN&PTNT tỉnh đã triển khai những giải pháp gì để hỗ trợ người trồng rừng khắc phục thiệt hại?
+ Trước hết, ngành tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các chủ rừng là tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân về công tác PCCC rừng, tự giác dọn dẹp, thu dọn rừng, chủ động làm đường băng cản lửa, xử lý thực bì bảo đảm quy định, tránh cháy tràn lan, thụ động… Đồng thời hoàn thiện việc phân vùng nguy cơ cháy rừng và phương án PCCC rừng đồng bộ từ cấp xã đến cấp tỉnh.
Sở NN&PTNT mong các sở, ngành, địa phương với tinh thần cao nhất, khẩn trương chỉ đạo triển khai phương án thu dọn, vệ sinh hiện trường rừng bị thiệt hại theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 2832/UBND-KTTC ngày 1/10/2024 về việc phát động đợt cao điểm hỗ trợ thu dọn, vệ sinh rừng, tận thu, tận dụng trên diện tích bị thiệt hại sau bão số 3; tập trung các nguồn lực của các lực lượng huy động ưu tiên xây dựng các đường băng cản lửa tại các phân vùng phòng ngừa nguy cơ cháy lan trên diện tích rộng, khó kiểm soát. Trong đó vai trò của trưởng các thôn, khu là hết sức quan trọng, sẽ trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo người dân xử lý hậu quả và tái thiết hoạt động sản xuất lâm nghiệp sau bão số 3.
Sở chỉ đạo lực lượng kiểm lâm tăng cường lực lượng cho các vùng trọng điểm về nguy cơ cháy rừng để triển khai hiệu quả phương án PCCC rừng sau bão số 3. Đặc biệt chú ý tăng cường tuần tra, kiểm tra; hướng dẫn triển khai các phương án; hỗ trợ công tác chữa cháy rừng khi có cháy rừng xảy ra. Cùng với đó tổ chức lực lượng, dụng cụ, thiết bị thường trực 24/24h sẵn sàng, chủ động ứng phó, xử lý các tình huống cháy rừng nếu xảy ra.
Sở yêu cầu các công ty lâm nghiệp, các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ huy động tối đa nguồn nhân lực, vật lực để quản lý chặt chẽ rừng bị gãy, đổ; trong khi chưa có cơ chế đặc thù của Nhà nước về xử lý tài sản sau thiên tai, các chủ rừng khẩn trương lập phương án khai thác, trình phê duyệt ngay trong tháng 10/2024 để thu dọn chuẩn bị trồng rừng...
Trước mắt, Sở NN&PTNT tham mưu cho tỉnh và định hướng cho các địa phương, các chủ rừng sớm lựa chọn các loài cây trồng phù hợp có giá trị kinh tế cao, chu kỳ ngắn, kết hợp với trồng lại rừng bằng các loài cây bản địa, cây gỗ lớn. Sở tăng cường giữ liên hệ, hợp tác với các cơ sở về giống cây để đảm bảo về số lượng, chất lượng cây giống; tham mưu UBND tỉnh làm việc với các doanh nghiệp về thu mua gỗ bảo đảm về giá cả, lượng mua để người dân trồng rừng giảm bớt thiệt hại, khó khăn.
Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành, đơn vị tham mưu UBND tỉnh làm việc với các ngân hàng, tổ chức tín dụng có cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với các tổ chức hoạt động lĩnh vực lâm nghiệp; tham mưu UBND tỉnh thu hút các nguồn lực từ các quỹ, dự án phù hợp để tạo nguồn lực tái thiết rừng; nhanh chóng xây dựng, hoàn thiện Đề án tái cơ cấu ngành NN&PTNT tỉnh, trong đó ưu tiên nhiều cho ngành lâm nghiệp trong thời gian sớm nhất.
Sở tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Chính phủ, Bộ NN&PTNT sớm ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết triển khai khắc phục thiệt hại về lâm nghiệp do thiên tai (phương án tận thu, hồ sơ thanh lý rừng, phương án trồng lại rừng bị thiệt hại do thiên tai đối với rừng thuộc sở hữu toàn dân). Trong quá trình đợi các chủ trương từ cấp trên, các địa phương, đơn vị cần chủ động, tích cực chỉ đạo, lên phương án thực hiện kế hoạch trồng lại rừng bị thiệt hại, đồng hành với ngành NN&PTNT tỉnh, chậm nhất đến năm 2027 đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng trước khi xảy ra bão số 3.
Minh Hà (thực hiện)
- Để những cánh rừng nhanh được hồi sinh
- "Ngành Nông nghiệp đang tập trung hỗ trợ, hướng dẫn để người chăn nuôi yên tâm tái đàn"
- Giải quyết khó khăn cho người trồng rừng sau bão
- Xảy ra cháy rừng tại phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả
- Các địa phương đẩy nhanh tiến độ kiểm đếm và triển khai đợt cao điểm thu dọn, vệ sinh rừng
Liên kết website
Ý kiến ()