Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:52 (GMT +7)
Hỗ trợ pháp lý trong KCN, KKT
Thứ 3, 14/02/2023 | 13:45:28 [GMT +7] A A
Xác định chủ trương tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển, Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khắc phục và khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được xem là một trong các giải pháp quan trọng giúp cho doanh nghiệp sớm tiếp cận với các văn bản pháp luật, thủ tục hành chính, chính sách, chương trình hỗ trợ của Nhà nước và các vấn đề pháp lý khác có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo Quy hoạch phát triển các KCN, KKT đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được quy hoạch thành lập, phát triển 16 KCN, 02 KKT ven biển và 03 KKT cửa khẩu, được quy hoạch, phân bố trên 10/13 địa phương của tỉnh với tổng diện tích 377.670,5ha. Năm 2022, các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh thuộc phạm vi quản lý của Ban có tổng số 229 dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước còn hiệu lực với trên 36.000 lao động.
Triển khai thực hiện Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hàng năm, Ban Quản lý KKT tỉnh đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn các KCN, KKT, trong đó đã phân công cho các phòng, đơn vị thuộc Ban triển khai thực hiện; thường xuyên rà soát, cập nhật thông tin, tổng hợp các quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Ban cũng thường xuyên tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp để trao đổi, tiếp nhận kiến nghị, đề xuất vướng mắc của các doanh nghiệp nói chung trong đó có tiếp nhận các yêu cầu hỗ trợ pháp lý. Qua các cuộc tiếp xúc, nắm bắt thông tin hoạt động của doanh nghiệp, chủ động giải quyết các vướng mắc trực tiếp, các đề nghị của các nhà đầu tư đúng quy định của pháp luật; giải đáp các vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp thuộc chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản lý. Qua đó, cũng tiếp nhận, tổng hợp các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp để đề xuất, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật hiệu quả.
Theo ông Châu Thành Hưng, Phó trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh, thực hiện phương châm “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, Ban đã chú trọng công tác nắm bắt thông tin, tình hình để kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư ngay từ bước nghiên cứu tìm hiểu đầu tư cho đến khi dự án đi vào hoạt động, kịp thời hướng dẫn và hỗ trợ các nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ xin cấp, điều chỉnh Chủ trương đầu tư/Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư các dự án tại KCN, KKT tỉnh; tổ chức công bố công khai các đồ án quy hoạch được duyệt tại các KCN, KKT để các nhà đầu tư, doanh nghiệp biết triển khai thực hiện.
Ban tích cực thực hiện nhiệm vụ cơ quan đầu mối của 6 Tổ công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn các KCN, KKT của tỉnh. Chủ trì tổ chức cuộc họp và kịp thời tham mưu UBND tỉnh có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu của các doanh nghiệp nằm trong KCN Texhong Hải Hà...
Cùng với đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư kịp thời tiếp cận với các văn bản pháp lý, chủ trương, chính sách mới, Ban Quản lý KKT tỉnh thường xuyên cập nhật thông tin các văn bản quy phạm pháp luật mới trên Website của Ban và trang DDCI của tỉnh để các doanh nghiệp hoạt động trong KCN, KKT trên địa bàn tỉnh kịp thời nắm bắt được các quy định mới về điều kiện đầu tư kinh doanh, quyền và nghĩa vụ của cơ quan nhà nước, của doanh nghiệp, phòng ngừa các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu.
Cổng thông tin điện tử của Ban được tích hợp với Cổng thông tin điện tử của tỉnh, là đầu mối đặc biệt quan trọng trong việc tiếp nhận, trao đổi thông tin, các dịch vụ hành chính công, cung cấp thông tin, công khai các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban, các bước quy trình giải quyết TTHC của Ban và các Quy trình Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tra cứu thông tin trước khi liên hệ công tác. Ban cũng thường xuyên có văn bản gửi các chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật các KCN, các nhà đầu tư thứ cấp hoạt động trong KCN, KKT để triển khai nội dung các văn bản pháp luật liên quan về quy hoạch, xây dựng, môi trường, đầu tư, lao động, quy định trong xử phạt vi phạm hành chính...nhằm mục đích nâng cao hiểu biết, ý thức tự giác, tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của doanh nghiệp.
Hàng năm, Ban chủ trì, phối hợp với sở, ban, ngành của tỉnh tổ chức tập huấn, tọa đàm về pháp luật lao động, ATVSLĐ, phòng chống tệ nạn xã hội ... cho các doanh nghiệp, người lao động tại các KCN trên địa bàn tỉnh. Chỉ tính từ tháng 7/2019 đến tháng 8/2022, Ban Quản lý KKT tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức 13 lớp tập huấn, hội nghị, tọa đàm về các chính sách pháp luật lao động; chăm sóc sức khỏe; bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình cho 80 lượt doanh nghiệp trong KCN với tổng số khoảng 1.000 lượt người lao động tham gia. Đồng thời, thông qua công tác kiểm tra chuyên ngành, Ban đã phổ biến, hướng dẫn các kiến thức pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, góp phần đưa pháp luật vào đời sống xã hội, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.
Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã được Ban Quản lý KKT tỉnh triển khai lồng ghép trong các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nói chung, góp phần tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; tạo lập các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thực thi pháp luật để giúp doanh nghiệp có thể phòng chống rủi ro pháp lý, góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp.
Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()